Công văn 3147/BTC-TCT năm 2020 về phối hợp triển khai Nghị quyết 94/2019/QH14 do Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 3147/BTC-TCT
Ngày ban hành 19/03/2020
Ngày có hiệu lực 19/03/2020
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3147/BTC-TCT
V/v Phối hợp triển khai Nghị quyết 94/2019/QH14

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 2020

 

Kính gửi:

- Đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy;
- Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian qua, được sự quan tâm, giúp đỡ và sự phối hợp chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, công tác quản lý thu của ngành thuế đã đạt được những kết quả tích cực, công cuộc cải cách và hiện đại hóa ngành thuế đạt kết quả khả quan. Ngành thuế đã từng bước thực hiện tốt công tác quản lý nợ thuế, tình hình nợ đọng đã có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước xử lý dứt điểm được các khoản nợ cũ, hạn chế phát sinh nợ mới. Bộ Tài chính xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã thường xuyên dành thời gian quan tâm, giúp đỡ cũng như phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong chỉ đạo điều hành công tác thu ngân sách trên địa bàn nói chung, công tác quản lý nợ thuế nói riêng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của địa phương và cả nước.

Ngày 26 tháng 11 năm 2020, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là Nghị quyết xử lý nợ). Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 và được tổ chức thực hiện trong thời hạn 03 năm kể từ ngày có hiệu lực thi hành. Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy định pháp luật, cơ sở pháp lý quan trọng cho thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, trong đó đã quy định về nguyên tắc, đối tượng được xử lý, các biện pháp xử lý, thẩm quyền xử lý nợ và vai trò trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xử lý nợ.

Đây là Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc xử lý nợ đọng không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc xử lý xóa nợ phải đảm bảo chặt chẽ, căn cứ vào từng đối tượng, đáp ứng các điều kiện xử lý cụ thể về hồ sơ, thủ tục và liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, đặt ra yêu cầu trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo, tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp ở địa phương.

Để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả và thống nhất trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội, Bộ Tài chính kính đề nghị đồng chí Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tiếp tục quan tâm phối hợp chỉ đạo một số công việc trọng tâm tại địa phương như sau:

1. Chỉ đạo Cục Thuế:

- Thành lập Ban chỉ đạo triển khai Nghị quyết xử lý nợ tại Cục Thuế để triển khai các công việc liên quan; Tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp dưới, các Sở, ban, ngành và các đơn vị trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội. Trong đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho Ủy ban nhân dân cấp dưới, cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân phải triển khai, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa cơ quan quản lý thuế với các Sở, ban, ngành tại địa phương trong việc lập hồ sơ, xác nhận nợ, xử lý nợ;

- Chủ động phối hợp với Sở Thông tin truyền thông, các báo, đài tại địa phương để tuyên truyền, phổ biến kịp thời những nội dung của Nghị quyết của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính để các cơ quan, doanh nghiệp và mọi người dân hiểu, thực hiện và giám sát việc thực hiện;

- Rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, theo từng đối tượng được xử lý nợ bảo đảm chính xác và lập văn bản xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý nợ từ ngày 01/7/2020;

- Tổ chức tập huấn, đào tạo các nội dung của Nghị quyết xử lý nợ và các văn bản hướng dẫn, hồ sơ, thủ tục hành chính, quy trình xử lý cho cán bộ thuế để triển khai nghiêm túc, đảm bảo thực hiện có kết quả Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội. Công khai các quy trình, thủ tục về xử lý nợ để người nộp thuế thuận tiện trong việc nghiên cứu, triển khai thực hiện và giám sát công chức thuế thực hiện;

- Tổ chức bộ phận hỗ trợ, hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ xử lý nợ; thường xuyên rà soát, nắm bắt các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị cũng như trong thời gian đầu thực hiện Nghị quyết để xử lý ngay các vướng mắc phát sinh tại địa phương. Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế để tháo gỡ kịp thời.

2. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và các Sở, Ban, ngành chuyên môn ở địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ kịp thời cho cơ quan thuế trong việc lập hồ sơ xử lý nợ và xác minh tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc.

3. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các đài, báo địa phương đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung của Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội và văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính từ nay đến ngày 01/7/2020.

4. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký kinh doanh:

- Cung cấp cho cơ quan quản lý thuế thông tin về việc người nộp thuế có quyết định giải thể; các quyết định hoặc thông báo về việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã hoặc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh;

- Phối hợp với cơ quan thuế trong việc thực hiện thu hồi lại số nợ tiền thuế; tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đã được xóa nợ khi người nộp thuế quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp thành lập cơ sở, kinh doanh mới.

5. Chỉ đạo cơ quan Công an trên địa bàn:

- Thực hiện tốt quy chế phối hợp trong phòng, chống trốn thuế, chây ỳ không nộp tiền thuế, chiếm đoạt tiền thuế, không chấp hành các biện pháp cưỡng chế thuế;

- Phối hợp với cơ quan thuế rà soát hồ sơ người nộp thuế đã chết, bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc đi khỏi nơi cư trú;

- Phối hợp với cơ quan quản lý thuế xác minh thông tin người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký với cơ quan quản lý thuế;

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ của Quốc hội là nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế trong năm 2020 và năm 2021. Thực hiện thành công Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo tiền đề tốt để ngành thuế nói riêng và ngành Tài chính nói chung hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong thời gian tới.

Kính đề nghị đồng chí Bí thư và đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính để xử lý kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Trân trọng cảm ơn sự phối hợp công tác của các đồng chí./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu VT, TCT (VT, QLN (3b)).

BỘ TRƯỞNG




Đinh Tiến Dũng

 

12
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ