Công văn 2977/BVHTTDL-VP năm 2022 về sửa đổi, bổ sung quy định về công tác chấm điểm thi đua xây dựng Tổ dân phố văn hóa và cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, thay đổi tiêu chí trong xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Số hiệu | 2977/BVHTTDL-VP |
Ngày ban hành | 10/08/2022 |
Ngày có hiệu lực | 10/08/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch |
Người ký | Nguyễn Văn Hùng |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị,Văn hóa - Xã hội |
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2977/BVHTTDL-VP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nghiên cứu xem xét, tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định về công tác chấm điểm thi đua xây dựng Tổ dân phố văn hóa tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quy định xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Làng văn hóa, Ấp văn hóa, Bản văn hóa, Tổ dân phố văn hóa cho phù hợp với nhiều khu vực. Đơn cử như đối với những Tổ dân phố không có nhà họp, khu vực nghĩa trang không được quy hoạch sẽ bị trừ điểm thi đua 5/10 điểm.
2. Cử tri đề nghị nghiên cứu có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể, các câu lạc bộ nghệ thuật truyền thống; xem xét thay đổi tiêu chí trong xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể đối với các nghệ nhân không được đào tạo chính quy nhưng là cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
1. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về công tác chấm điểm thi đua xây dựng Tổ dân phố văn hóa
Ngày 15 tháng 6 năm 2022, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, trong đó có quy định khen thưởng danh hiệu Thôn, Tổ dân phố văn hóa, danh hiệu Gia đình văn hóa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu tiếp thu hợp lý ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình báo cáo đề xuất với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 9 năm 2018 bảo đảm thống nhất quy định của Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) và phù hợp với thực tiễn ở cơ sở.
2. Về đề nghị nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí, thay đổi tiêu chí trong xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa.
- Về cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí hàng tháng cho các Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể
+ Ngày 28 tháng 10 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2015/NĐ-CP về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, theo đó mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng được quy định cụ thể tại Điều 3 của Nghị định.
+ Một số tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và triển khai các chính sách tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân trên địa bàn bao gồm cả các đối tượng là Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú như Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc... Trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các tỉnh/thành phố đi trước, hiện nay một số địa phương đang lập kế hoạch nhằm xây dựng chính sách riêng để tôn vinh các nghệ nhân có đóng góp trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.
- Về đề nghị xem xét thay đổi tiêu chí trong xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể đối với các nghệ nhân không được đào tạo chính quy nhưng là cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba (Công văn số 316/BVHTTDL-TĐKT ngày 20 tháng 01 năm 2020), trong đó: “Đối với những trường hợp, cá nhân hoàn toàn được truyền nghề trong cộng đồng, sau đó công tác và hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì thời gian hoạt động trong nghề chỉ tính từ sau khi cá nhân đó nghỉ hưu, thực hành và truyền dạy di sản trong cộng đồng đến thời điểm nộp hồ sơ tại Hội đồng cấp cơ sở”.
Căn cứ các tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” được quy định tại Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ và căn cứ văn bản hướng dẫn nói trên, các đối tượng như cán bộ, công chức, viên chức nếu hoàn toàn được học nghề, trao truyền nghề trong cộng đồng, đồng thời vẫn tham gia thực hành, truyền dạy di sản trong cộng đồng thì dù đang “công tác và hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong nghề” vẫn thuộc đối tượng được xét tặng vì họ vẫn có đóng góp vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng.
Trong thời gian tới, trên cơ sở tổng hợp tình hình thực tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định liên quan tới đối tượng và tiêu chuẩn xét tặng cho phù hợp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |