Công văn 2844/TCT-CS năm 2015 về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động sản xuất hàng dệt, may do Tổng cục Thuế ban hành

Số hiệu 2844/TCT-CS
Ngày ban hành 15/07/2015
Ngày có hiệu lực 15/07/2015
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Tổng cục Thuế
Người ký Phi Vân Tuấn
Lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2844/TCT-CS
V/v chính sách thuế TNDN

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2015

 

Kính gửi:

Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing
(Địa chỉ: số 9, đường số 5, KCN Vsip, Thuận An, Bình Dương)

Tổng cục Thuế nhận được công văn số 02.2015 ngày 22/5/2015 của Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing (Esquel VN) kiến nghị về ưu đãi thuế TNDN đối với hoạt động sản xuất hàng dệt, may. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế quy định:

“8. Bổ sung Khoản 5b Điều 19 như sau:

“5b. Doanh nghiệp còn thời gian hưởng ưu đãi thuế theo điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu nhưng bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đối với hoạt động dệt, may từ ngày 11 tháng 01 năm 2007 và hoạt động khác từ ngày 01 tháng 01 năm 2012 thì được lựa chọn kết hợp không đồng thời, đồng bộ ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại kể từ năm 2007 đối với hoạt động dệt, may hoặc kể từ năm 2012 đối với hoạt động khác, tương ứng với các điều kiện ưu đãi thuế mà thực tế doanh nghiệp đáp ứng (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu, do sử dụng nguyên liệu trong nước) quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực trong thời gian từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành hoặc theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO.””

Tại Điều 7 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Nghị định quy định về thuế, quy định:

“Điều 7. Bổ sung Khoản 8, Điều 23, Thông tư số 78/2014/TT-BTC như sau:

“8. Doanh nghiệp còn thời gian hưởng ưu đãi thuế theo điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu nhưng bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện cam kết với Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đối với hoạt động dệt, may từ 11/01/2007 và hoạt động khác từ 01/01/2012 thì được lựa chọn kết hợp không đồng thời, không đồng bộ ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn, giảm thuế để tiếp tục được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho thời gian còn lại kể từ năm 2007 đối với hoạt động dệt, may hoặc kể từ năm 2012 đối với hoạt động khác, tương ứng với các điều kiện ưu đãi thuế mà thực tế doanh nghiệp đáp ứng (ngoài điều kiện ưu đãi do đáp ứng điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu, do sử dụng nguyên liệu trong nước) quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực trong thời gian từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập đến trước ngày Nghị định số 24/2007/NĐ-CP ngày 14/2/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực thi hành hoặc theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp tại thời điểm bị điều chỉnh ưu đãi thuế do thực hiện cam kết WTO.

Trường hợp doanh nghiệp đã lựa chọn phương án chuyển đổi theo văn bản trước đây (không phân biệt trường hợp doanh nghiệp đã hoặc chưa được kiểm tra, thanh tra thuế), nếu thực hiện chuyển đổi theo hướng dẫn tại Thông tư này có lợi hơn thì doanh nghiệp được phép lựa chọn chuyển đổi lại theo hướng dẫn tại Thông tư này. Doanh nghiệp thực hiện khai điều chỉnh, bổ sung theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành về quản lý thuế và không bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế đối với hành vi khai sai do điều chỉnh lại. Trường hợp sau khi khai điều chỉnh, bổ sung doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số đã nộp thừa theo quy định. Trường hợp doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh theo cam kết WTO đối với hoạt động dệt may theo các văn bản trước đây nếu bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế, tính tiền chậm nộp và doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền phạt và tiền chậm nộp thì không thực hiện điều chỉnh lại”.

Căn cứ quy định trên, Trường hợp Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện về tỷ lệ xuất khẩu nhưng bị ngừng ưu đãi thuế do thực hiện cam kết với Tổ chức thương mại thế giới đối với hoạt động dệt, may từ 11/01/2007, Công ty đã lựa chọn phương án chuyển đổi theo văn bản trước đây, nếu thực hiện chuyển đổi theo hướng dẫn tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ và Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính có lợi hơn thì doanh nghiệp được phép lựa chọn chuyển đổi lại ưu đãi. Trường hợp sau khi khai điều chỉnh, bổ sung doanh nghiệp có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số thuế phải nộp thì được bù trừ với số thuế phải nộp của kỳ thuế tiếp theo hoặc được hoàn lại số đã nộp thừa theo quy định. Trong thời gian áp dụng ưu đãi thuế TNDN theo phương án chuyển đổi trước đây, doanh nghiệp bị xử lý vi phạm pháp luật về thuế, tính tiền chậm nộp và doanh nghiệp đã thực hiện nộp tiền phạt và tiền chậm nộp thì không thực hiện điều chỉnh lại số tiền phạt và tiền chậm nộp doanh nghiệp đã nộp ngân sách nhà nước.

Về mức ưu đãi cụ thể của phương án lựa chọn chuyển đổi lại ưu đãi, đề nghị Công ty liên hệ với Cục Thuế tỉnh Bình Dương để được hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Thuế trả lời để Công ty TNHH Esquel Garment Manufacturing được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cục Thuế tỉnh Bình Dương
- Vụ PC-TCT
- Lưu: VT, CS (3b).

 

KT. TỔNG CỤC TRƯỞNG
PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG




Phi Vân Tuấn