Công văn 2809/BNN-VP tham gia ý kiến Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Số hiệu | 2809/BNN-VP |
Ngày ban hành | 31/08/2010 |
Ngày có hiệu lực | 31/08/2010 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Người ký | Vũ Văn Tám |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2809/BNN-VP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2010 |
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Phúc đáp công văn số 5743/VPCP-TCCV ngày 16/08/2010 của Văn phòng Chính phủ về việc xin ý kiến đóng góp vào dự thảo Thông tư liên tịch của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và biên chế của Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ và Văn phòng UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có một số ý kiến sau:
1. Về vị trí và chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
1.1. Một số nội dung quy định chưa phù hợp
Theo Dự thảo, tại Khoản 1, Điều 1: “ Bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính là tổ chức cấp phòng, trực thuộc Văn phòng Bộ…”;
Nhưng tại Khoản 2, Điều 1: “ Phòng kiểm soát thủ tục hành chính chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Bộ trưởng…” là mâu thuẫn.
Đồng thời, các nội dung sau quy định:
Điểm c, e, Khoản 4, Điều 2: “Giúp Bộ trưởng…tổ chức xem xét, nghiên cứu…” và “…kịp thời báo cáo Bộ trưởng… biện pháp cần thiết…”;
Khoản 6, Điều 2: “ Giúp Bộ trưởng… tổ chức thực hiện…”;
Khoản 7, Điều 2: “Báo cáo Bộ trưởng…có các hình thức xử lý thích hợp…”;
Khoản 9, Điều 2: “Giúp Bộ trưởng… thực hiện chế độ thông tin, báo cáo…”;
Khoản 11, Điều 2: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí…”;
Khoản 12, Điều 2: “Được quyền huy động đội ngũ chuyên gia…”;
các nội dung trên chưa thực sự phù hợp với Khoản 1, Điều 1; đúng ra, phải là “giúp, báo cáo, kiến nghị Chánh Văn phòng Bộ để Chánh Văn phòng Bộ báo cáo, kiến nghị Bộ trưởng”.
Ngoài ra, nội dung điểm c, Khoản 4, Điều 2 quy định: “Giúp Bộ trưởng… ban hành theo thẩm quyền…quy định hành chính mới…” cũng không phù hợp vì chức năng này thuộc tổ chức pháp chế và các cơ quan, đơn vị quản lý chuyên ngành trực thuộc Bộ, không phải chức năng nhiệm vụ của Văn phòng Bộ, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Bộ lại càng không thể thực hiện được.
1.2. Nội dung quy định trái với Nghị định
Điểm a, Khoản 4, Điều 2 quy định :”Tổ chức thực hiện việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị và xử lý phản ánh, kiến nghị…… tại Điều 9 và Điều 14 của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP….”. Tuy nhiên, tại Điều 8 Nghị định 20/2008/NĐ-CP nội dung công việc này thuộc thẩm quyền Văn phòng Bộ. Tương tự như vậy là nội dung các điểm b, c, d, đ, e trong Khoản 4 Điều 2.
2. Về tổ chức và biên chế:
Điểm c, Khoản 1, Điều 3 quy định : “Bộ trưởng… quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Trưởng phòng…., Phó Trưởng phòng….” là không phù hợp phân cấp quản lý cán bộ, vì hiện nay Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ đang ra quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại đối với Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các Phòng trực thuộc. Nếu quy định như dự thảo là phát sinh thêm trình tự, nội dung thủ tục hành chính, trái với nguyên tắc cải cách hành chính và tình hình chung ở các đơn vị, tạo thêm khó khăn.
3. Một số ý kiến cụ thể khác
3.1. Khoản 2, Điều 4 quy định: “Trực tiếp trao đổi, chủ động làm việc với các Vụ trưởng, Cục trưởng, Trưởng các đơn vị có liên quan…” chưa phù hợp với nguyên tắc làm việc, đặc biệt là khó có khả năng thực hiện trên thực tế (Trong thời gian triển khai Đề án 30, được sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, Tổ công tác của Bộ trưởng vẫn rất khó khăn trong việc thực hiện công việc chung cũng như yêu cầu cụ thể này).
3.2. Khoản 3, Điều 4 quy định: “Huy động cán bộ, công chức thuộc các đơn vị chức năng thuộc Bộ,….tổ chức mời chuyên gia tư vấn trong và ngoài khu vực nhà nước…” là vượt quá thẩm quyền của Phòng (kể cả Văn phòng Bộ), khó có thể thực hiện trên thực tế.
3.3. Tại Khoản 2, Điều 1 quy định: “Định kỳ hàng năm lấy kết quả hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính là một trong những tiêu chí để đánh giá…Bộ trưởng…, Chánh Văn phòng Bộ…”. Đây là một quy định có tính chất định tính hầu như không thể thực hiện được trên thực tế. Nên chăng chỉ quy định, Bộ trưởng trực tiếp nghe Phòng báo cáo về tình hình triển khai công việc kiểm soát thủ tục hành chính ít nhất 1 lần/năm.
3.4. Nội dung điểm c, Khoản 2, Điều 2 trùng với nội dung các điểm a,b, Khoản 2, Điều 2; nội dung điểm đ không rõ (phối hợp với đơn vị nào trong Văn phòng Bộ và nội dung thẩm tra dự thảo là làm cái gì, có trái với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không?).
3.5. Khoản 8, Điều 2 quy định: “…định kỳ hàng tháng giao ban với các đơn vị liên quan….” là chưa phù hợp, vì sau khi kết thúc Đề án 30 công việc chủ yếu là kiểm soát nội dung thủ tục hành chính trong các dự thảo văn bản mới, khối lượng không đồng đều giữa các đơn vị, có đơn vị nhiều tháng không có dự thảo ( trong khi người dân, doanh nghiệp rất ít gửi ý kiến) nên không cần thiết phải giao ban với nhiều đơn vị mà chỉ cần làm việc trực tiếp với đơn vị có liên quan; làm việc tập trung với các đơn vị chỉ nên quy định ít nhất 1 lần/năm hoặc khi cần thiết.
4. Kiến nghị bổ sung
4.1. Việc ban hành, hướng dẫn, thực hiện, theo dõi thực hiện thủ tục hành chính do các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đảm nhận; vì vậy để đảm bảo kiểm soát thủ tục hành chính có hiệu quả nên quy định ngay tại chính các đơn vị này phải chủ động bố trí tổ chức, cá nhân theo dõi công việc kiểm soát thủ tục hành chính, là đầu mối triển khai công việc cho các hoạt động của tổ chức kiểm soát thủ tục hành chính của Bộ tại cơ sở chứ không phải là thực hiện theo yêu cầu của Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính như quy định tại Khoản 2, Điều 4. Cần quy định chế tài cụ thể đối với những cơ quan, đơn vị không hợp tác trong việc kiểm soát thủ tục hành chính, không thực hiện quy định gửi nội dung thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản về cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính để cho ý kiến trước khi ban hành văn bản.
4.2. Do người dân, doanh nghiệp rất ít gửi ý kiến, kiến nghị về quy định hành chính, trong hơn 4 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 32/2006/CT-TTg ngày 07/09/2006 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị định 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Văn phòng thường trực cải cách hành chính Bộ Nông nghiệp và PTNT (là tổ chức được giao nội dung này) nhận được rất ít ý kiến, kiến nghị (có năm không có ý kiến nào). Vì vậy, cần quy định tổ chức kiểm soát thủ tục hành chính phải chủ động khảo sát, xin ý kiến người dân, doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm.