Công văn 2800/VKSTC-V12 năm 2024 giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 2800/VKSTC-V12
Ngày ban hành 08/07/2024
Ngày có hiệu lực 08/07/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký Trần Hưng Bình
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2800/VKSTC-V12
V/v giải đáp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác tiếp công dân, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết KNTC trong HĐTP

Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2024

 

Kính gửi:

- Các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao;
- Viện kiểm sát Quân sự trung ương;
- Viện kiểm sát nhân dân cấp cao 1, 2, 3;
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Trong quá trình tổng hợp báo cáo của VKSND các cấp 6 tháng đầu năm 2024, VKSND tối cao (Vụ 12) đã tổng hợp những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị, đề xuất của VKSND các cấp; nghiên cứu, xin ý kiến Lãnh đạo VKSND tối cao và giải đáp cụ thể như sau:

I. Về khó khăn, vướng mắc (02)

1. Chưa quy định cụ thể về trình tự, thủ tục; quy định về thời hạn giải quyết chưa bảo đảm để giải quyết các đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động tư pháp[1]

Trả lời:

Loại đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh được gọi chung là Đơn kiến nghị, phản ánh. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp công dân: “Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó”. Đối với loại đơn này, đề nghị VKS các cấp nghiên cứu, áp dụng hướng dẫn tại Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC ngày 11/6/2024 của VKSND tối cao (Vụ 12) về phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong ngành kiểm sát nhân dân; theo đó tại điểm 5 Mục II đã hướng dẫn:” Hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về quy trình xử lý đối với loại đơn này. Tuy nhiên, quá trình xử lý cần vận dụng tinh thần quy định tại Điều 20 Thông tư số 05/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ quy định về quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; theo đó hướng xử lý cụ thể như sau:

- Trường hợp nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Kiểm sát: đề xuất chuyển tới đơn vị kiểm sát có thẩm quyền giải quyết;

- Trường hợp nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của các cơ quan khác: đề xuất chuyển tới cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người gửi đơn. Tuy nhiên cần lưu ý, nếu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết là cơ quan tư pháp thì cần thông báo cho VKS cùng cấp để biết, phối hợp”.

Thực tiễn xử lý loại đơn này, nếu liên quan đến đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được phân loại, xử lý chuyển đến VKS có thẩm quyền giải quyết hoặc thẩm quyền kiểm sát để xem xét cùng với đơn khiếu nại, tố cáo. Việc xem xét đơn đề nghị, kiến nghị, phản ánh trong hoạt động tư pháp (không kèm theo đơn khiếu nại, tố cáo) được cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét theo trình tự, thủ tục tố tụng khi có căn cứ[2].

2. Chưa có văn bản hướng dẫn các trường hợp cụ thể về khiếu nại, tố cáo “hành vi” của người có thẩm quyền trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; biểu mẫu áp dụng biện pháp kiểm sát yêu cầu cơ quan tư pháp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo[3]

Trả lời:

Về khiếu nại, tố cáo “hành vi” của người có thẩm quyền trong thực hành quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp: Pháp luật chưa có quy phạm định nghĩa về vấn đề này. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn có thể nhận thức là hành vi tố tụng của những người có chức danh tư pháp thuộc VKS khi tiến hành các hoạt động tư pháp (thực hành quyền công tố; kiểm sát hoạt động tư pháp).

Biểu mẫu áp dụng biện pháp kiểm sát yêu cầu cơ quan tư pháp cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (Biểu mẫu số 44/KT trong danh mục biểu mẫu công tác tiếp công dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp – ban hành theo Quyết định số 28/QĐ-VKSTC ngày 15/02/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao) đã được VKSND tối cao hướng dẫn áp dụng tại Công văn số 2646/VKSTC-V12 ngày 05/7/2023 (Đính kèm Biểu mẫu số 44/KT sau khi được sửa đổi bổ sung); đề nghị VKS các cấp nghiên cứu thực hiện.

II. Về kiến nghị, đề xuất (03)

1. Đề nghị VKSND tối cao phối hợp liên ngành ban hành: Hướng dẫn mới thay thế Hướng dẫn liên ngành số 24/HD-VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 08/5/2014; các hướng dẫn, giải đáp và thông báo rút kinh nghiệm quán triệt toàn Ngành để thực hiện thống nhất[4].

Trả lời:

Năm 2020, VKSND tối cao đã ban hành văn bản phối hợp với các bộ, ngành: Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng Hướng dẫn liên ngành về phân loại đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thay thế Hướng dẫn liên ngành số 24/HD- VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 08/5/2014 (hết hiệu lực vì sau thời điểm này các đạo luật về tư pháp đã ban hành mới) nhưng không được Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao đồng thuận, với các lý do sau:

- Quan điểm của Bộ Công an: “Hiện nay, việc phân loại đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp dựa trên cơ sở quy định cụ thể của các Bộ luật, Thông tư hướng dẫn và căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công của các đơn vị để xác định thẩm quyền và xử lý công tác phân loại đơn khiếu nại, tố cáo”;

- Quan điểm của Tòa án nhân dân tối cao: “Cân nhắc sự cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn liên ngành về phân loại đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, bởi các nội dung này đã được quy định cụ thể trong các luật. Trường hợp cần thiết ban hành văn bản hướng dẫn thì đề nghị cân nhắc ban hành văn bản là Thông tư liên tịch hoặc Quy chế phối hợp”

Do vậy, VKSND tối cao chưa phối hợp ban hành được quy định nêu trên. Hiện nay, VKSND tối cao (Vụ 12) được Ban cán sự đảng VKSND tối cao phân công chủ trì, phối hợp xây dựng Đề án “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”; theo đó, một trong những sản phẩm (dự kiến) của Đề án là xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch để thay thế Hướng dẫn số 24 nêu trên.

2. Đề nghị VKSND tối cao kiến nghị bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính; quy định thời hạn gửi Thông báo thụ lý hoặc không thụ lý đơn, quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo, quyết định đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát; điều chỉnh thời hạn giải quyết khiếu nại, các trường hợp được gia hạn[5].

Trả lời:

Hiện nay, quy định về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát thực hiện theo Quy chế Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ngày 22/6/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao) và Quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số 546/QĐ-VKSTC ngày 03/12/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Tuy nhiên trên thực tế, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hành chính, tố tụng dân sự chủ yếu thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Do quy định của pháp luật hiện hành (Bộ luật tố tụng dân sự; Luật tố tụng hành chính) chưa có quy định cụ thể về các nội dung như đề nghị của VKS địa phương nên đây cũng là nguyên nhân khách quan, làm hạn chế hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực này của Tòa án nhân dân. Trong thời gian tiếp theo, VKSND tối cao (Vụ 12) sẽ tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung theo kế hoạch xây dựng pháp luật (đối với việc sửa đổi, bổ sung các Bộ luật, Luật này).

Trong thời gian trước mắt, đề nghị VKS các cấp quan tâm thực hiện đồng bộ các biện pháp như sau trong mối quan hệ phối hợp với Tòa án nhân dân nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các lĩnh vực tố tụng này:

Thứ nhất, chủ động nghiên cứu, nắm vững các quy định của pháp luật hiện hành; liên quan công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ở tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là Hướng dẫn công tác của Vụ 12 liên quan đến lĩnh vực công tác này. Vừa qua, Vụ 12 đã ban hành Hướng dẫn số 13/HD-VKSTC ngày 11/6/2024 hướng dẫn phân loại, xử lý đơn; thông qua kết quả Kiểm sát trực tiếp tại TAND TP Hồ Chí Minh, Vụ 12 nhận thấy nguyên nhân chủ yếu hạn chế sự phối hợp giữa hai ngành trong công tác này do chưa thống nhất nhận thức trong phân loại giữa các loại đơn Khiếu nại - Tố cáo - Kiến nghị, phản ánh; giữa đơn KNTC trong hoạt động tư pháp với đơn KNTC trong hoạt động hành chính nhà nước... Do đó, đề nghị VKS các cấp chủ động phối hợp, trao đổi với TAND cùng cấp về các nội dung trong Hướng dẫn nêu trên để cùng thống nhất nhận thức và thực hiện;

Thứ hai, chủ động, tăng cường đôn đốc Toà án thực hiện đầy đủ việc gửi báo cáo định kỳ theo quy định tại Thông tư liên tịch 01/TTLT-VKSNDTC-TANDTC- BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/4/2018 của VKSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Bộ Tài chính, Bộ nông nghiệp và phát triển nông Quy định phối hợp trong việc thông báo, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (sau đây gọi là TTLT số 01/2018)[6]. Qua nghiên cứu báo cáo, VKS sẽ có cơ sở rà soát, đối chiếu số liệu các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo mà Tòa án cùng cấp đã gửi tới VKS; từ đó thực hiện việc yêu cầu gửi bổ sung các quyết định giải quyết để tiến hành kiểm sát, và thực hiện quyền kiến nghị theo luật định (nếu có vi phạm);

Thứ ba, áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm sát có trong quy định của pháp luật và quy định của Ngành; kiên quyết thực hiện quyền kiến nghị (trong trường hợp cần thiết).

[...]