Công văn 2770/BNN-KN năm 2024 triển khai “Năm tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2770/BNN-KN
Ngày ban hành 16/04/2024
Ngày có hiệu lực 16/04/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2770/BNN-KN
V/v triển khai “Năm tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản”

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2024

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, lần đầu tiên đã quy định Đồng quản lý là phương thức quản lý, trong đó Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương, người dân thực hiện đồng quản lý bảo đảm thiết thực và hiệu quả.

Triển khai Luật Thủy sản, với trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với sinh kế bền vững của cộng đồng, đến nay cả nước đã có 10 tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với khoảng hơn 50 tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó có hơn 300 hộ gia đình và 3.000 người tham gia.

Kết quả bước đầu sau hơn 05 năm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã huy động được sự tham gia, tạo sự đồng thuận và khẳng định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, là hướng đi đúng đắn nhằm tạo sinh kế, duy trì, nâng cao thu nhập thường xuyên cho cộng đồng địa phương và là con đường tất yếu, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU), chia sẻ quyền, lợi ích và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chung tay vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức triển khai đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại nhiều địa phương trên cả nước còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện Luật Thủy sản 2017. Nhằm tăng cường, thúc đẩy nhanh việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước (sau đây gọi tắt là “đồng quản lý”), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm, khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trong đó trước mắt lấy năm 2024-2025 là “Năm tăng cường, thực hiện hiệu quả đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, với một số nội dung chính như sau:

1. Chủ đề của năm 2024-2025

“Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vì sinh kế của cộng đồng - chung tay vì một ngành thủy sản xanh và phát triển bền vững”

2. Mục tiêu

- Tăng nhanh về diện tích, số lượng khu vực; số lượng các tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước.

- Nâng cao nhận thức, năng lực, huy động được sự tham gia tích cực, tạo sự đồng thuận và khẳng định rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, lợi ích của tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Khuyến khích, nâng cao vai trò tham gia, chia sẻ quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cùng cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

3. Nhiệm vụ chính

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Thành lập Tổ công tác quốc gia, tạo mạng lưới kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn, chia sẻ nhằm thúc đẩy thực hiện đồng quản lý trên phạm vi cả nước.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vai trò của cộng đồng, hướng dẫn người dân tham gia và tổ chức thực hiện đồng quản lý hiệu quả.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao kỹ năng, năng lực cho cộng đồng để triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Tổ chức sơ kết, tổng kết, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tổ chức các hội thảo, tập huấn, diễn đàn kết nối, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy thực hiện đồng quản lý.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Xây dựng, phê duyệt Đề án thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn quản lý của địa phương.

- Xây dựng Quy chế phối hợp để thực hiện hiệu quả đồng quản lý giữa các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn, tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức cộng đồng có nguyện vọng tham gia thực hiện đồng quản lý.

- Quyết định công nhận và giao quyền cho các tổ chức cộng đồng trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Thủy sản.

- Hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực tổ chức thực hiện Phương án bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được công nhận.

- Chỉ đạo các lực lượng thực thi pháp luật và bộ đội biên phòng hỗ trợ tổ chức cộng đồng, tham gia thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- Đánh giá hiệu quả, xác định những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đồng quản lý; đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những giải pháp xử lý.

- Tổ chức các đoàn tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân, tổ chức cộng đồng, các đơn vị hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trên địa bàn tỉnh tại những địa phương, khu vực đã thực hiện đồng quản lý có hiệu quả.

4. Tổ chức thực hiện:

a) Cục Kiểm ngư:

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ