Công văn 2636/BKHCN-VP năm 2022 trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
Số hiệu | 2636/BKHCN-VP |
Ngày ban hành | 26/09/2022 |
Ngày có hiệu lực | 26/09/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Khoa học và Công nghệ |
Người ký | Trần Văn Tùng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ KHOA HỌC VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2636/BKHCN-VP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) nhận được Công văn số 685/BDN ngày 29/7/2022 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải quyết kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ KH&CN xin trả lời như sau:
Trả lời:
1. Đối với nội dung đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý KH&CN nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiên cứu triển khai và ứng dụng
Trong những năm qua, KH&CN Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ và thành tựu nổi bật, đóng góp thiết thực cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia, cải thiện an sinh xã hội và chất lượng cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN từng bước được đổi mới, hành lang pháp lý trong lĩnh vực KH&CN ngày càng hoàn thiện và đồng bộ hơn[1], tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu sáng tạo.
Những đổi mới mạnh mẽ về cơ chế, chính sách này là một trong những nguyên nhân chính góp phần quan trọng trong việc nâng cao tiềm lực và trình độ KH&CN của đất nước. Đến nay, cả nước có 687 tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 236 trường đại học, 3 khu công nghệ cao quốc gia, 13 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 8 khu công nghệ thông tin tập trung và gần 67 nghìn cán bộ nghiên cứu. Đã hình thành các viện nghiên cứu công nghệ ứng dụng trong công nghiệp theo mô hình tiên tiến thế giới ở cả khu vực công lập và tư nhân. Nguồn lực tài chính cho KH&CN từ ngân sách nhà nước được duy trì mức 2% tổng chi hàng năm; đầu tư từ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn cho KH&CN ngày càng tăng mạnh (chiếm 48% tổng chi xã hội cho KH&CN). Hạ tầng nghiên cứu trong một số lĩnh vực trọng điểm như công nghệ sinh học, hóa dầu, vật liệu, năng lượng, tự động hóa, nano, công nghệ tính toán, y học được đầu tư tăng cường. Nguồn lực thông tin KH&CN, nền tảng Tri thức Việt số hóa được đầu tư, kết nối và chia sẻ mở trong cộng đồng. Thị trường công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đang hình thành và phát triển; hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng ngày càng hoàn thiện, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích sự ra đời của hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng tăng trưởng. Trình độ KH&CN của Việt Nam từng bước được nâng cao; số lượng bài báo, công trình khoa học công bố quốc tế và sáng chế của người Việt Nam đã được gia tăng hàng năm[2]; tốc độ đổi mới công nghệ, năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp được tăng cường; khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể trong xếp hạng năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo toàn cầu và ở một số lĩnh vực khoa học có thế mạnh. Năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng, năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng thêm 3 bậc, năm 2019 và 2020 đạt thứ hạng tốt nhất từ trước tới nay, xếp thứ 42 trên 131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia thu nhập trung bình thấp.
Mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, nhưng KH&CN Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí quốc sách hàng đầu. Đội ngũ cán bộ KH&CN tuy gia tăng về số lượng nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu các chuyên gia giỏi đầu ngành trong nhiều lĩnh vực tiên phong, số lượng công trình được công bố quốc tế và sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ của Việt Nam chưa nhiều, các công trình nghiên cứu tầm cỡ quốc tế, có đóng góp đột phá đối với phát triển kinh tế - xã hội còn ít. Tốc độ đầu tư đổi mới, phát triển và làm chủ công nghệ hiện đại trong các doanh nghiệp còn chậm nên chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. KH&CN chưa thực sự trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhằm đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý các Chương trình, nhiệm vụ KH&CN, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã và đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức tái cơ cấu các chương trình KH&CN quốc gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo định hướng phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản, các hướng công nghệ ưu tiên, các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của đất nước hoặc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia và gắn kết với lộ trình công nghệ của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với nội dung Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang tập trung hoàn thiện để ban hành theo thẩm quyền các Thông tư sửa đổi, bổ sung các Thông tư quản lý nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia[3] nhằm khắc phục các tồn tại vướng mắc trong quản lý, tiếp cận thông lệ quốc tế để từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý đề tài nhiệm vụ KH&CN; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ và các văn bản hướng dẫn liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, phản ảnh được các tư duy cần đổi mới trong quản lý KH&CN trong giai đoạn tới (dự kiến đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV).
2. Đối với nội dung xây dựng cơ chế, chính sách cho các nhà khoa học đầu ngành và trí thức trẻ
Bộ KH&CN sẽ trả lời nội dung này tại phần trả lời kiến nghị số 3.
Trả lời:
Trong thời gian qua, hoạt động hội nhập quốc tế về KH&CN đã được Bộ KH&CN triển khai tích cực, chủ động và được đẩy mạnh với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác về KH&CN với gần 70 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; đã có hơn 150 điều ước quốc tế (cấp Chính phủ) và hơn 80 thỏa thuận quốc tế (cấp Bộ) được ký kết, trong đó, hiện nay, gần 110 điều ước quốc tế và 40 thỏa thuận quốc tế còn hiệu lực.
Nhằm tranh thủ nguồn lực nước ngoài về tri thức khoa học; chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, trang thiết bị và tài chính để hỗ trợ giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội trong nước, góp phần nâng cao năng lực và trình độ của các viện, trường, thúc đẩy hội nhập quốc tế về KH&CN, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều nhiệm vụ/dự án KH&CN các cấp, nhiệm vụ KH&CN theo Nghị định thư, nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương, trình hợp tác nghiên cứu chung song phương và đa phương,...Thông qua các nhiệm vụ/dự án KH&CN, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm, ngành công nghiệp trọng điểm, đồng thời hỗ trợ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước chủ động nghiên cứu, giải mã công nghệ từ các công bố trên thế giới gắn liền với nhu cầu và thực tiễn trong nước để tạo ra các công nghệ và sản phẩm có chất lượng cao, những sản phẩm mới trong nước chưa có với giá cạnh tranh so với hàng nhập ngoại.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy dòng lưu chuyển tri thức và công nghệ từ nước ngoài về Việt Nam, tăng cường sự đóng góp của lực lượng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho sự phát triển tiềm lực, năng lực KH,CN&ĐMST của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước trong bối cảnh mới, Bộ KH&CN đang xây dựng Đề án “Thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài”, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong Quý IV năm 2022.
Trả lời:
Trong thời gian qua, các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động KH&CN nói chung và cán bộ khoa học nói riêng đã được ban hành đầy đủ và đồng bộ[4], trong đó đã có một số quy định ưu đãi, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN có thành tích xuất sắc, chính sách đặc thù đối với nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học được giao chủ trì nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng, nhà khoa học trẻ tài năng. Điều này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá và góp phần khuyến khích các nhà khoa học tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, cơ chế Quỹ với những đổi mới về phương thức cấp phát kinh phí, tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia trong những năm gần đây đã có những đóng góp tích cực trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Đồng thời, sự tôn vinh đối với các cá nhân hoạt động KH&CN có thành tích xuất sắc ngày càng được chú trọng hơn thông qua việc tổ chức, xét chọn và trao các giải thưởng nghiên cứu khoa học như: Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà khoa học trẻ; Giải thưởng Tạ Quang Bửu; Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học; Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam; Giải thưởng Khoa học kỹ thuật thanh niên “Quả cầu Vàng”...
Để tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách sử dụng, trọng dụng và thu hút cá nhân hoạt động KH&CN, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 21/01/2020 ban hành Kế hoạch thực hiện kết luận 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ KH&CN đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2022 các Đề án: (1) Đề án “Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021 - 2030” (đã trình tháng 9/2022); (2) Đề án “Thu hút và phát huy có hiệu quả các nhà khoa học, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài”, dự kiến trình trong Quý IV năm 2022.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng, dự kiến ban hành trong Quý IV năm 2022 các Thông tư : (1) Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về thu hút, sử dụng và trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN; (2) Thông tư Quy định việc thuê đảm nhiệm chức danh lãnh đạo tổ chức KH&CN công lập đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động KH&CN tại Việt Nam.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng bảng lương viên chức chuyên ngành KH&CN theo phân công của Chính phủ, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất cải cách tiền lương cho cán bộ khoa học phù hợp với lộ trình cải cách chung và thể hiện được sự ưu đãi đối với đối tượng này; đồng thời tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để tăng cường thu hút đầu tư từ xã hội cho KH&CN, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và nguồn lực tài chính để khuyến khích các nhà khoa học trong việc tham gia, đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trên đây là ý kiến trả lời của Bộ KH&CN đối với ý kiến của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ KH&CN xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của cử tri và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp phát triển KH&CN nước nhà trong thời gian tới./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |