Công văn 2613/BHXH-TST năm 2022 về tăng cường công tác chỉ đạo phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành

Số hiệu 2613/BHXH-TST
Ngày ban hành 20/09/2022
Ngày có hiệu lực 20/09/2022
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Người ký Nguyễn Thế Mạnh
Lĩnh vực Bảo hiểm,Thể thao - Y tế

BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2613/BHXH-TST
V/v tăng cường công tác chỉ đạo phát triển người tham gia BHXH, BHYT

Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 2022

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn

Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Thời gian qua, việc tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự thay đổi của một số chính sách đã làm số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế giảm sâu, đến hết tháng 8/2022, số người tham gia bảo hiểm xã hội của tỉnh Lạng Sơn là 66.238 người, trong đó tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 13.814 người, đạt khoảng 16,4% lực lượng lao động trong độ tuổi, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 42.388 người, đạt khoảng 10,9% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia bảo hiểm y tế là 684.623 người, đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 86,2% dân số (tỷ lệ trên chưa bao gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội, công an đang tại ngũ đóng trên địa bàn tỉnh).

Để hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ổn định và bền vững, theo tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2025, Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 19/5/2022 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn một số nội dung sau:

1. Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến cấp xã, đồng thời chỉ đạo ban hành Nghị quyết và Chương trình hành động triển khai nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với các cấp chính quyền. Để phù hợp với mục tiêu chung về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của toàn quốc theo các Nghị quyết của Đảng và Nghị quyết số 69/NQ-CP của Chính phủ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và tốc độ gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của địa phương thời gian qua. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất tỷ lệ tối thiểu về độ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm trong giai đoạn 2022 - 2025 của tỉnh Lạng Sơn theo phụ lục đính kèm. Riêng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế thực hiện theo Quyết định số 546/QĐ-TTg ngày 29/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2025.

2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tính nhân văn và lợi ích khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; về trách nhiệm của người sử dụng lao động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ cho người lao động, tạo chuyển biến tích cực của toàn tỉnh về thực hiện chính sách an sinh, xã hội của Đảng, Nhà nước.

3. Cân đối khả năng ngân sách của địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; người thuộc hộ gia đình cận nghèo; người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên; người thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn trước đây được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế và các đối tượng khác trên địa bàn.

4. Thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động tại các cơ quan đơn vị sử dụng lao động. Xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

5. Kiện toàn và đánh giá hoạt động của Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại địa phương; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình triển khai hiệu quả trong công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình trên địa bàn.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam rất mong nhận được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TTg Lê Minh Khái (để b/c);
- Phó TTg Vũ Đức Đam (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: TC, LĐTBXH, YT;
- HĐQL BHXH Việt Nam (để b/c);
- Các Phó Tổng Giám đốc;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam:
- BHXH tỉnh Lạng Sơn;
- Lưu: VT, TST.

TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Thế Mạnh

 

ĐỀ XUẤT TỶ LỆ BAO PHỦ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, BẢO HIỂM Y TẾ GIAI ĐOẠN 2022 - 2025 CỦA TỈNH LẠNG SƠN
(Kèm theo Công văn số 2613/BHXH-TST ngày 20/9/2022 của BHXH Việt Nam)

TT

Chỉ tiêu

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Năm 2025

1

Bảo hiểm xã hội

20,15%

21,84%

23,87%

25,78%

2

Bảo hiểm thất nghiệp

11,54%

12,07%

12,70%

13,29%

3

Bảo hiểm y tế

93,75%

94,05%

94,45%

95,00%

Ghi chú:

- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp chưa bao gồm sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội, công an đang tại ngũ đóng trên trên địa bàn.

- Dân số: Theo công bố của Tổng cục thống kê năm 2021; tính tỷ lệ tăng, giảm dân số bình quân hàng năm bằng tỷ lệ tăng, giảm bình quân của 03 năm trước liền kề.

- Lực lượng lao động trong độ tuổi: Theo công bố của Tổng cục thống kê và báo cáo của Chính phủ năm 2021. Dự kiến từ năm 2022 trở đi, lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 51% dân số.