Công văn số 2107/TM-KHTK ngày 16/05/2003 của Bộ Thương mại về việc tham gia ý kiến về Đề án phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng ở địa bàn nông thôn

Số hiệu 2107/TM-KHTK
Ngày ban hành 16/05/2003
Ngày có hiệu lực 16/05/2003
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Thương mại
Người ký Lê Danh Vĩnh
Lĩnh vực Thương mại

BỘ THƯƠNG MẠI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2107/TM-KHTK
V/v Tham gia ý kiến về Đề án phát triển công nghiệp VLXD ở địa bàn nông thôn

Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2003

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Bộ Thương mại đã nhận được công văn số 2082/VPCP-CN ngày 02 tháng 5 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ: về việc Xin ý kiến về Đề án phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng ở địa bàn nông thôn; Kèm theo có Dự thảo Đề án của Bộ Xây dựng và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để  xem xét và phê duyệt. Sau khi nghiên cứu, Bộ Thương mại nhận thấy: Dự thảo Đề án đã nêu được một số nội dung cần thiết, nhưng còn sơ sài chưa thật chi tiết, cụ thể, còn thiếu tính thuyết phục. Nhìn chung, chúng tôi thấy rằng đây mới là chỉ là Bản đề cương chi tiết hướng dẫn xây dựng Đề án.

Để tiếp tục hoàn thiện Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, Bộ Thương mại  tham gia một số ý kiến sau:

1. Bộ Xây dựng nên căn cứ vào quan điểm, định hướng và mục tiêu phát triển theo Quy hoạch tổng thể  phát triển ngành công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt), để đề ra phương hướng, mục tiêu của Đề án phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng ở địa bàn nông thôn.

2. Trong Đề án phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng ở địa bàn nông thôn, nên có các phân tích rõ về xu hướng thị trường, quy mô thị trường, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm, sự trao đổi hàng hoá theo vùng, lãnh thổ tránh đầu tư tràn lan, chồng chéo, nhưng vẫn đảm bảo cân đối cung-cầu. Đồng thời cơ quan xây dựng Đề án cũng phải đề cập tới việc nước ta trong giai đoạn 2001-2010 tham gia Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT/AFTA) và tương lai sẽ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì quan hệ cân đối cung-cầu trên thị trường tiêu thụ trong nước sẽ không chỉ có các mặt hàng, sản phẩm do Việt Nam sản xuất, mà còn những sản phẩm vật liệu xây dựng nhập khẩu có xuất xứ từ các nước trong khu vực.Từ đó việc xây dựng định hướng sản xuất vật liệu xây dựng phải sát với tình hình thực tế thị trường trong nước và thị trường thế giới.

Bộ Thương mại đề nghị Văn phòng Chính phủ góp ý với Bộ Xây dựng xây dựng đề án (chi tiết) phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng ở địa bàn nông thôn theo Bản đề cương; tham khảo quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển vật liệu xây dựng của các Bộ, ngành, địa phương có sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Sau khi đã có đề án chi tiết, Bộ Xây dựng mới kiến tham gia của các Bộ, ngành và địa phương, Tiếp theo, Bộ Xây dựng chỉnh lý, bổ sung, hoàn chỉnh Đề án chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trên đây là một số ý kiến tham gia của Bộ Thương mại về Đề án phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng ở địa bàn nông thôn để Văn phòng Chính phủ tham khảo, nghiên cứu, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ./.

 

 

KT BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI
THỨ TRƯỞNG




Lê Danh Vĩnh