Công văn về việc giám định thương tật đã xếp vĩnh viễn
Số hiệu | 1351 |
Ngày ban hành | 22/05/1992 |
Ngày có hiệu lực | 22/05/1992 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội |
Người ký | Nguyễn Đình Liêu |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
BỘ
LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1351 |
Hà Nội, ngày 22 tháng 5 năm 1992 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1351 NGÀY 22 THÁNG 5 NĂM 1992 VỀ VIỆC GIÁM ĐỊNH THƯƠNG TẬT ĐÃ XẾP VĨNH VIỄN
Kính gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố
Thi hành Nghị định số 236/HĐBT, ngày 18/9/1985 của Hội đồng bộ trưởng. Ngày 27/11/1985 Liên Bộ Y tế - Thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư số 32/TT-LB quy định về tiêu chuẩn thương tật 4 hạng (mới).
Để giải quyết một số trường hợp xem xét có thể nâng hạng theo bản tiêu chuẩn thương tật mới; ngày 15/2/1986 Bộ Thương binh và xã hội đã có văn bản số 35/TBXH phân cấp cho các Sở Lao động - Thương binh và xã hội giới thiệu anh chị em khám phúc quyết tại Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố. Sau một thời gian thực hiện, ngày 11/2/1988 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra Thông tư số 03/LĐTBXH-TBLS quy định "Việc giải quyết giám định ở Hội đồng y khoa tỉnh, thành phố đối với những thương binh, người hưởng chính sách như Thương binh đã được xếp hạng thương tật vĩnh viễn và những người có tỷ lệ thương tật 21% là không hợp lệ. Riêng một số trường hợp có hạng thương tật giáp ranh mà có vết thương được nâng tỷ lệ theo tiêu chuẩn thương tật 4 hạng mới như: mù mắt, cụt chi.... đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội đồng giám định y khoa Trung ương phân cấp thì cũng phải giải quyết gọn và kết thúc vào quý I/1988. Các sở gửi quyết định Điều chỉnh hạng thương tật về Bộ để lưu vào hồ sơ".
Theo quy định trên nhiều địa phương đã tập trung chỉ đạo thực hiện nghiên cứu và từ tháng 4/1988 trở đi đã duy trì về nề nếp giới thiệu khám phúc quyết tại Hội đồng giám định y khoa Trung ương nhưng thương binh đã xếp hạng thương tật vĩnh viễn, song qua kiểm tra, và thanh tra ở Vĩnh Phú, Hải Phòng và nắm tình hình ở một số địa phương đã có hàng trăm trường hợp giám định không đúng thủ tục, quyền hạn theo quy định, gây nêu sự bất bình trong nhân dân, phản ứng trong các đối tượng chính sách. Cụ thể là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn giới thiệu và Hội đồng Giám định y khoa địa phương vẫn khám phúc quyết những trường hợp lẽ ra thuộc thẩm quyền của Hội đồng giám định y khoa Trung ương, một số trường hợp địa phương tự ý giám định lại tới 2, 3 lần, một số trường hợp đã giám định ở Trung ương nhưng địa phương lại khám phúc quyết để nâng hạng. Nghiêm trọng hơn là có trường hợp không qua giám định nhưng vẫn được nâng hạng thương tật. Bên cạnh việc giám định cho thương binh, có địa phương còn tự ý khám để chuyển hạng bệnh binh hạng 1/3 mà không có ý kiến của Hội đồng giám định y khoa Trung ương.
Để khắc phục việc làm không đúng trên đây, Bộ lưu ý các sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
1. Chấm dứt ngay việc giới thiệu những thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật đã xếp hạng vĩnh viễn và người có tỷ lệ thương tật dưới 21% đến giám định ở Hội đồng giám định y khoa tỉnh, thành phố. Những trường hợp thoả đáng cần được khám lại thì Sở xem xét, giới thiệu anh chị em khám phúc quyết tại Hội đồng giám định y khoa Trung ương; nếu có trường hợp cá biệt không đến Hội đồng giám định y khoa Trung ương được thì Sở thống nhất với Hội đồng giám định y khoa cùng cấp báo cáo cụ thể về Bộ và Hội đồng giám định y khoa Trung ương.
2. Phối hợp với Hội đồng giám định y khoa Tỉnh, thành phố soát xét lại toàn bộ những trường hợp đã giám định thương tật từ tháng 4/1988 đến nay, lập danh sách (theo mẫu đính kèm văn bản này) những thương binh đã xếp hạng thương tật vĩnh viễn và những thương binh có tỷ lệ thương tật dưới 21% mà sở đã giới thiệu giám định tại Hội đồng giám định y khoa địa phương báo cáo về Bộ (Vụ Thương binh liệt sỹ) trước ngày 31/8/1992. Địa phương nào không có hiện tượng này thì phản ảnh ngay về Bộ biết.
3. Bộ nhắc lại các địa phương không giám định chuyển lên hạng đối với bệnh binh. Sau khi giám định lại nếu có trường hợp đặc biệt mà mất sức từ 81% trở lên do bệnh cũ tái phát thì cũng được Hội đồng giám định y khoa Trung ương xem xét và hướng dẫn cụ thể.
|
Nguyễn Đình Liêu (Đã ký)
|