Công văn 13349/BTC-CST năm 2021 về kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp hàng không do Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 13349/BTC-CST |
Ngày ban hành | 23/11/2021 |
Ngày có hiệu lực | 23/11/2021 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Nguyễn Thành Hưng |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13349/BTC-CST |
Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 2021 |
Kính gửi: Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet
Trả lời văn bản số 61-21/VJC-FIN ngày 21/10/2021 của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet về việc báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của Vietjet do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và các kiến nghị đề xuất, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về chính sách thuế, phí
1.1. Về kiến nghị giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT)
Theo quy định tại Điều 8 Luật thuế BVMT thì căn cứ vào Biểu khung thuế quy định tại Luật thuế BVMT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc sau:
“a) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;
b) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”.
Căn cứ nguyên tắc điều chỉnh mức thuế BVMT quy định tại Luật thuế BVMT, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trước tác động của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 979/2020/UBTVQH14 ngày 27/7/2020 và Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020; trong đó quy định mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là 2.100 đồng/lít được áp dụng từ ngày 01/8/2020 đến hết ngày 31/12/2021 (giảm 30% so với mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14) và 3.000 đồng/lít từ ngày 01/01/2022.
Cùng với việc áp dụng đồng thời nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được ban hành trong thời gian qua, việc thực hiện giải pháp giảm thuế BVMT đã góp phần hỗ trợ trực tiếp, giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải hàng không, từ đó, góp phần giúp doanh nghiệp hàng không bù đắp chi phí, tổn thất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã ban hành thời gian qua (trong đó có giải pháp về thuế BVMT đối với nhiên liệu bay). Trên cơ sở đánh giá, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế, phí và lệ phí cho phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của dịch Covid-19.
1.2. Về kiến nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Vừa qua, trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 hướng dẫn chi tiết thi hành Nghị quyết này, trong đó có giải pháp:
- Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019.
- Giảm 30% thuế GTGT từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc một số ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid 19, trong đó có vận tải hàng không.
- Miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp phát sinh lỗ trong năm 2020.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đã ban hành để doanh nghiệp, người dân nhanh chóng được hưởng hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi nhất, đồng thời tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế và quá trình thực hiện các giải pháp đã ban hành và trên cơ sở tổng kết quá trình thực hiện, đánh giá tổng thể các giải pháp đã ban hành để đề xuất giải pháp về thuế, phí, lệ phí phù hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
1.3. Về kiến nghị giảm thuế nhập khẩu phụ tùng sửa chữa máy bay
- Về mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành: Theo quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ thì hàng hóa nhập khẩu là các phụ tùng và vật tư dùng cho máy bay thuộc nhóm 9820.00.00 có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng là 0%.
- Về cách thức phân loại điều kiện, thủ tục để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng ghi tại Chương 98, báo cáo kiểm tra quyết toán việc sử dụng hàng hóa được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi riêng: Tại tiết b.4, điểm 2, Phần II, Mục II, Phụ lục II Ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP quy định đối với hàng hóa nhập khẩu là các phụ tùng về vật tư dùng cho máy bay thuộc nhóm 98.20 như sau:
“b.4) Hàng hóa nhập khẩu là các phụ tùng và vật tư dùng cho máy bay thuộc nhóm 98.20:
- Đối tượng áp dụng: Tổ chức sản xuất, bảo dưỡng hoặc thử nghiệm tàu bay, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay và trang bị, thiết bị tàu bay tại Việt Nam có giấy phép do Bộ Giao thông vận tải cấp theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam trực tiếp nhập khẩu hoặc ủy quyền nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu.
- Đối với phụ tùng: Khi nhập khau doanh nghiệp phải xuất trình chứng chỉ phù hợp tiêu chuẩn sử dụng cho máy bay theo mẫu quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), như: Authorized Release Certificate của FAA (Mỹ), EASA (Châu Âu), CAAV form 1 (Việt Nam) hoặc các chứng chỉ tương đương theo quy định của ICAO. Mỗi phụ tùng có một chứng chỉ riêng trên đó ghi rõ nhà sản xuất hoặc nhà sửa chữa, tình trạng thiết bị, số sản xuất gắn liền với hàng khi nhập khẩu.
- Đối với vật tư máy bay: Vật tư nhập khẩu phải đáp ứng đủ 2 điều kiện:
+ Có tên trong tài liệu tra cứu phụ tùng vật tư máy bay, động cơ, thiết bị máy bay (Illustrated Part Catalogue - IPC) hoặc tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng máy bay (Aircraft Maintainance Manual - AMM) hoặc tài liệu hướng dẫn bảo dưỡng phụ tùng máy bay (Component Maintenance Manual), hoặc tài liệu hướng dẫn sửa chữa cấu trúc máy bay (Structure Repair Manual SRM) hoặc danh mục hóa chất cho máy bay (Chemical Material List - CML) của nhà chế tạo máy bay hoặc tài liệu hướng dẫn khai thác tàu bay, hoặc tài liệu hướng dẫn khai thác bay cho tổ lái hoặc danh mục vật tư tiêu hao do Cục Hàng không Việt Nam công nhận;
+ Có văn bản chứng nhận chất lượng do nhà sản xuất hoặc nhà sửa chữa cấp (chứng chỉ hợp cách - COC) của lô hàng nhập khẩu hoặc số lô”.
Căn cứ quy định nêu trên, mức thuế nhập khẩu ưu đãi hiện hành đang áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu là các phụ tùng và vật tư dùng cho máy bay là 0%, trường hợp Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet có hàng hóa nhập khẩu là các phụ tùng và vật tư dùng cho máy bay thuộc nhóm 98.20 thì được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 0% (mã hàng hóa 9820.00.00).
Như vậy, pháp luật thuế nhập khẩu hiện hành đã quy định mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu là các phụ tùng và vật tư dùng cho máy bay. Việc Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet kiến nghị giảm 50% thuế nhập khẩu phụ tùng sửa chữa máy bay là chưa rõ ràng, chưa cụ thể, theo đó đề nghị Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet nêu rõ mã hàng hóa của phụ tùng chuyên dùng sửa chữa máy bay có mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi lớn hơn 0% để có cơ sở trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.