Công văn 12960/BTC-CST hướng dẫn phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y do Bộ Tài chính
Số hiệu | 12960/BTC-CST |
Ngày ban hành | 25/09/2012 |
Ngày có hiệu lực | 25/09/2012 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Vũ Khắc Liêm |
Lĩnh vực | Thuế - Phí - Lệ Phí,Tài chính nhà nước |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12960/BTC-CST |
Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2012 |
Kính gửi: |
- Viện Pháp y quốc gia; |
Bộ Tài chính nhận được một số kiến nghị về thực hiện thu phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y. Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
1. Về cơ quan thu phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y
Điều 19 Pháp lệnh Giám định tư pháp, quy định: Giám định pháp y trong ngành công an, bao gồm: Bộ Công an có Trung tâm Pháp y thuộc Viện khoa học hình sự; Công an cấp tỉnh có giám định viên pháp y.
Phòng Kỹ thuật hình sự là đơn vị thuộc cơ quan Công an cấp tỉnh. Do đó, tại Thông tư số 114/2011/TT-BTC ngày 12/8/2011 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y, quy định: Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thu phí khi tiến hành giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y.
2. Về việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí
a) Về việc sử dụng khoản tiền phí thu được
- Điều 5 Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg ngày 07/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, quy định:
“1. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với vụ án hình sự do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hàng năm của cơ quan tiến hành tố tụng theo Luật Ngân sách nhà nước…
2. Kinh phí chi trả bồi dưỡng giám định tư pháp đối với các vụ việc dân sự, vụ án hành chính được tính trong chi phí giám định do đương sự chịu theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật tố tụng hành chính”.
- Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2010/BTP-BTC-BNV ngày 04/5/2010 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg, quy định: “Người được cơ quan có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt trong thời gian khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi là điều tra viên, kiểm sát viên được phân công thực hiện nhiệm vụ điều tra, kiểm sát trong quá trình khám nghiệm tử thi, mổ tử khi, khai quật tử thi”.
- Điều 2 Thông tư số 114/2011/TT-BTC, quy định: “Phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y bao gồm chi phí giám định tư pháp và tiền bồi dưỡng giám định tư pháp”.
Căn cứ quy định nêu trên, tiền bồi dưỡng giám định tư pháp là một phần trong mức thu phí giám định tư pháp quy định tại Thông tư số 114/2011/TT-BTC. Số tiền bồi dưỡng giám định tư pháp trong Biểu phí ban hành kèm theo Thông tư 114/2011/TT-BTC dùng để chi trả chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp cho giám định viên, người giúp việc trực tiếp cho giám định viên. Riêng tiền bồi dưỡng giám định tư pháp cho Điều tra viên, Kiểm sát viên do cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định chi trả trực tiếp theo quy định tại Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg.
b) Về việc thu, nộp phí
- Điều 24 Pháp lệnh phí và lệ phí, quy định: “Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước không phải chịu thuế”.
- Khoản 1 mục A phần IV và khoản 2 mục C phần III Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/7/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí và lệ phí, quy định:
+ Đối với phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân khi thu phí, lệ phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí, lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ thuế.
+ Đối với phí, lệ phí do các cơ quan nhà nước, tổ chức khác (ngoài cơ quan thuế) thu thì cơ quan nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí được mở tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí” tại Kho bạc nhà nước nơi thu để theo dõi, quản lý tiền phí, lệ phí. Căn cứ vào tình hình thu phí, lệ phí (số tiền phí, lệ phí thu được nhiều hay ít, nơi thu phí, lệ phí xa hay gần Kho bạc nhà nước) mà định kỳ hàng ngày hoặc hàng tuần, các cơ quan nhà nước, tổ chức thu phí, lệ phí phải gửi số tiền phí, lệ phí đã thu được trong kỳ vào tài khoản tạm giữ tiền phí, lệ phí”;
Căn cứ quy định nêu trên, phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng. Khi thu phí, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí (số tiền phí bao gồm cả chi phí giám định pháp y và tiền bồi dưỡng giám định tư pháp); số tiền phí thu được phải nộp vào tài khoản “tạm giữ tiền phí, lệ phí” tại Kho bạc nhà nước theo quy định hiện hành.
3. Chi trả tiền bồi dưỡng làm thêm giờ hoặc phụ cấp làm đêm
Khoản 3 Điều 2 Quyết định số 74/2009/QĐ-TTg, quy định: “Khi thực hiện giám định ngoài giờ hành chính, thì ngoài số tiền bồi dưỡng theo ngày công, người giám định tư pháp, người giúp việc cho người giám định tư pháp là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước còn được hưởng thêm bồi dưỡng làm thêm giờ hoặc phụ cấp làm đêm theo quy định của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các quy định có liên quan hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng làm thêm giờ, phụ cấp làm đêm”.
Khoản 2 phần V Thông tư liên tịch số 08/2005/TTLT-BNV-BTC ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ, công chức, viên chức, quy định:
“1. Tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ trong tháng được tính trả vào kỳ lương của tháng sau liền kề căn cứ vào bảng kê chi tiết số giờ thực tế làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ trong tháng có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.
2. Nguồn kinh phí trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ:
a) Đối với các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ, nguồn kinh phí chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành trong dự toán ngân sách được giao hàng năm cho cơ quan, đơn vị.
b) Đối với các cơ quan thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính và các đơn vị sự nghiệp thực hiện tự chủ tài chính, nguồn kinh phí chi trả tiền lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ do cơ quan, đơn vị chi trả từ nguồn kinh phí khoán và nguồn tài chính được giao tự chủ”.
Căn cứ quy định nêu trên, tiền bồi dưỡng làm thêm giờ hoặc phụ cấp làm đêm do cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chi trả từ nguồn tài chính của cơ quan, đơn vị đó. Tổ chức, cá nhân trưng cầu giám định không phải chi trả khoản tiền này.