Công văn 129/BYT-KCB năm 2024 phạm vi hoạt động chuyên môn của Điều dưỡng hạng IV thực hiện kỹ thuật Phục hồi chức năng do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 129/BYT-KCB
Ngày ban hành 10/01/2024
Ngày có hiệu lực 10/01/2024
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Trần Văn Thuấn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 129/BYT-KCB
V/v phạm vi hoạt động chuyên môn của Điều dưỡng hạng IV thực hiện kỹ thuật PHCN

Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2024

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Thời gian gần đây, Bộ Y tế nhận được phản ánh của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB), Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam và một số Hội chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực PHCN kiến nghị về việc Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) một số tỉnh, thành phố tạm dừng chưa thanh toán KBCB Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với dịch vụ kỹ thuật Phục hồi chức năng (PHCN) do Điều dưỡng hạng IV thực hiện. Bộ Y tế đã tổ chức một số cuộc họp cấp Vụ, Cục; cấp Bộ với các đơn vị liên quan, có sự tham gia của đại diện BHXH Việt Nam để xem xét, thống nhất giải quyết các vướng mắc nêu trên (có Biên bản họp số 1126/BB-BYT ngày 22/8/2023 và Biên bản họp số 1189/BB-BYT ngày 11/9/2023 gửi kèm). Trên cơ sở kết luận của cuộc họp, để việc thanh toán KBCB BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật PHCN do Điều dưỡng hạng IV thực hiện theo đúng quy định, đồng thời đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia BHYT và đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, Bộ Y tế có ý kiến như sau:

1. Cơ sở pháp lý và thực tiễn Điều dưỡng hạng IV thực hiện kỹ thuật PHCN

1.1. Theo quy định của các văn bản quy phạm hiện hành, hiện đang cho phép điều dưỡng nói chung trong đó có điều dưỡng hạng IV thực hiện kỹ thuật về phục hồi chức năng, như:

- Thông tư số 46/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 quy định chức năng nhiệm vụ cơ cấu tổ chức của các cơ sở phục hồi chức năng có quy định kỹ thuật viên PHCN nói chung tại các Khoản 5, 6, 7, 9 Điều 4 quy định: “...người được đào tạo chuyên ngành điều dưỡng có trình độ từ trung cấp trở lên và đã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về vật lý trị liệu ít nhất 03 (ba) tháng tại các cơ sở đào tạo do Bộ Y tế quy định...”

- Thông tư số 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện tại điểm g khoản 1 Điều 6: “Phục hồi chức năng cho người bệnh: Phối hợp với bác sỹ, kỹ thuật viên phục hồi chức năng và các chức danh chuyên môn khác để lượng giá, chỉ định, hướng dẫn, thực hiện kỹ thuật PHCN cho người bệnh phù hợp với tình trạng bệnh lý. Thực hiện một số kỹ thuật PHCN theo quy định để giúp người bệnh phát triển, đạt được, duy trì tối đa hoạt động chức năng và giảm khuyết tật”.

1.2. Về nhu cầu thực tiễn trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, điều dưỡng là người trực tiếp theo dõi, chăm sóc cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị của người bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Về yêu cầu chuyên môn, đòi hỏi điều dưỡng cần phải thực hiện một số kỹ thuật phục hồi chức năng cho người bệnh. Ví dụ: điều dưỡng phải biết để thực hiện ngay cho người bệnh khi có nhu cầu như: kỹ thuật chống loét, chống teo cơ cứng khớp và dẫn lưu tư thế...

1.3. Nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh cần được thực hiện ở cơ bản hầu hết các chuyên khoa, đặc biệt với nguyên tắc phục hồi chức năng sớm ở hồi sức tích cực do Covid 19 và các nguyên nhân khác, như tai biến mạch não, sau một số phẫu thuật, tâm thần, tự kỷ... Trong khi nhân lực kỹ thuật viên phục hồi chức năng chưa đủ để bố trí ở tất cả các khoa lâm sàng của bệnh viện.

1.4. Trong chương trình đào tạo của khối ngành sức khỏe nói chung, điều dưỡng được học một số tín chỉ về phục hồi chức năng cơ bản.

2. Nguyên nhân vướng mắc

- Các quy định nêu trên đang gặp vướng mắc tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y và Thông tư số 35/2019/TT-BYT ngày 30/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề khám bệnh.

- Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV, Điểm a Khoản 1 Điều 4 quy định chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng II và Điểm a Khoản 1 Điều 5 quy định chức danh nghề nghiệp Điều dưỡng hạng III được thực hiện kỹ thuật PHCN cho người bệnh. Điều 6 quy định chức danh nghề nghiệp điều dưỡng hạng IV chỉ thực hiện dịch vụ chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà theo chỉ định. Tuy nhiên nội dung này chỉ áp dụng với Điều dưỡng hạng IV chưa được đào tạo về PHCN.

- Thông tư số 35/2019/TT-BYT, Điều 7 quy định:

“Điều 7. Phạm vi hoạt động chuyên môn của điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên: Người hành nghề là điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên được thực hiện phạm vi hoạt động chuyên môn tương ứng quy định tại Thông tư số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07 tháng 10 năm 2015 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.”

- Có thể thấy Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 07/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và Thông tư số 03/2022/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung 26/2015/TTLT-BYT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y cụ thể hóa quy định về chức danh nghề nghiệp và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định tại Luật viên chức số 58/2010/QH12 không phải Thông tư quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn; Thông tư 35/2019/TT-BYT quy định về phạm vi hoạt động chuyên môn, tại thời điểm đó Bộ Y tế chưa ban hành được danh mục kỹ thuật đi theo phạm vi hành nghề của điều dưỡng do vậy dẫn chiếu theo Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV là chưa phù hợp.

- Một số văn bản quy định pháp luật và hướng dẫn chuyên môn chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và chưa cụ thể dẫn đến có cách hiểu khác nhau.

3. Giải pháp

Bộ Y tế nhận định được vấn đề trên và hiện đang tiến hành hoàn thiện:

3.1. Rà soát và xây dựng lại Bộ danh mục kỹ thuật đã ban hành kèm theo Thông tư 43/2013/TT-BYT và Thông tư số 21/2017/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Danh mục kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Thông tư số 43/2013/TT-BYT).

3.2. Xây dựng danh mục kỹ thuật gắn với phạm vi chuyên môn của điều dưỡng, Bộ Y tế đang tiến hành sửa đổi Thông tư 35/2019/TT-BYT trong đó có nội dung quy định cụ thể danh mục kỹ thuật phục hồi chức năng cơ bản mà điều dưỡng có trách nhiệm thực hiện.

4. Đề nghị:

Với những căn cứ pháp lý và thực tiễn nêu trên, Bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam:

4.1. Điều dưỡng hạng IV đã được đào tạo theo quy định tại Thông tư 46/2013/TT-BYT; Thông tư 31/2021/TT-BYT; đồng thời được người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở cho phép thực hiện bằng văn bản theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và được BHYT thanh toán. Đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thanh toán dịch vụ PHCN mà Cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) một số tỉnh, thành phố đã tạm dừng chưa thanh toán KBCB BHYT đối với dịch vụ kỹ thuật PHCN do Điều dưỡng hạng IV đã thực hiện theo đề nghị của các cơ sở KBCB, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam và một số Hội chuyên ngành.

4.2. Trong thời gian chờ ban hành các quy định mới nêu trên (nêu tại mục 3.1; 3.2) Bộ Y tế có văn bản chỉ đạo các cơ sở KBCB không phân công điều dưỡng hạng IV thực hiện các kỹ thuật PHCN.

Trân trọng cảm ơn./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các đ/c Thứ trưởng;
- Vụ BHYT, PC, TCCB, KHTC; Cục QLKCB, YDCT; KHCN-ĐT (để t/h);
- Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam (để t/h);
- Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế Bộ, ngành (để thực hiện);
- Hiệp hội BVTN VN; Hiệp Hội điều dưỡng VN; Hội PHCN VN;
- Lưu: VT, KCB.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Thuấn

 

[...]