Công văn 1109/LS-QHLS năm 2019 phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến người nước ngoài tại địa phương do Cục Lãnh sự ban hành
Số hiệu | 1109/LS-QHLS |
Ngày ban hành | 12/04/2019 |
Ngày có hiệu lực | 12/04/2019 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Cục Lãnh sự |
Người ký | Vũ Việt Anh |
Lĩnh vực | Trách nhiệm hình sự,Quyền dân sự |
BỘ NGOẠI GIAO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1109/LS-QHLS |
Hà Nội, ngày 12 tháng 4 năm 2019 |
Kính gửi: |
- Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương; |
Cùng với xu thế hội nhập và phát triển, số lượng người nước ngoài đến Việt Nam thăm quan, du lịch, học tập, làm việc và cư trú... ngày càng tăng, dần đến phát sinh nhiều vụ việc liên quan đến người nước ngoài tại địa phương, trong đó có việc xử lý người nước ngoài vi phạm pháp luật (bị bắt giữ, tạm giam...) và người nước ngoài bị tai nạn/ tử vong (do tai nạn giao thông/ lao động, đuối nước...).
Về vấn đề này, Cục Lãnh sự đã có một số văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện công tác phối hợp (công văn số 0595/CV-LS-QHLS ngày 02/4/2007 về phối hợp xử lý người nước ngoài chết tại địa phương; công văn số 2737/CV-LS-QHLS-m ngày 15/10/2009 đề nghị thông báo kịp thời các trường hợp công dân nước ngoài bị tai nạn, chết, bị bắt, giam giữ và tạo điều kiện cho Cơ quan đại diện nước ngoài thăm lãnh sự; công văn số 1309/LS-QHLS ngày 23/4/2018 về xử lý thi hài người nước ngoài tử vong tại địa phương...). Thời gian gần đây, trong trao đổi với các cơ quan liên quan, Cục Lãnh sự nhận thấy vẫn còn tình trạng cơ quan chức năng địa phương thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài; việc giải quyết thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự còn chưa kịp thời; quy trình trao đổi với Cơ quan đại diện nước ngoài (sau đây gọi tắt là CQĐD) về việc giám định pháp y và xử lý các trường hợp đặc biệt còn chưa thống nhất.
Để tăng cường cơ chế phối hợp và giải quyết tốt hơn các vụ việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra tại địa phương, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan và trong bối cảnh nhiều quy định của pháp luật Việt Nam đã thay đổi, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao xin đề nghị Quý Cơ quan lưu ý một số điểm như sau:
I - Cơ chế phối hợp và nội dung thông tin
- Điều 36 Công ước Viên năm 1963 về Quan hệ Lãnh sự quy định, cơ quan chức năng của Nước tiếp nhận có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự nước ngoài biết trong khu vực lãnh sự có công dân nước họ đang bị bắt giữ, tạm giam chờ xét xử hoặc bị tạm giữ dưới bất kỳ hình thức nào. Ngoài ra, theo các thỏa thuận, hiệp định của Việt Nam với các nước về lãnh sự, cơ quan chức năng Việt Nam có trách nhiệm thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để thông báo ngay cho các CQĐD khi công dân nước ngoài bị bắt giữ, tạm giam trong vòng 72 giờ (Hoa Kỳ), 03 ngày (Ô-xtơ -rây-li-a) hay trong thời gian sớm nhất có thể (Trung Quốc, Hàn Quốc)... Bên cạnh đó, căn cứ nhiều văn bản quy phạm pháp luật của ta, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo và phối hợp với Bộ Ngoại giao thu xếp, tạo thuận lợi để CQĐD được đi thăm lãnh sự khi có công dân nước ngoài bị bắt, giam giữ...[1]
- Trên cơ sở đó, Cục Lãnh sự trân trọng đề nghị Quý Cơ quan thông báo kịp thời cho CQĐD (đối với các cơ quan ngoại vụ địa phương được ủy quyền liên lạc trực tiếp với CQĐD) những vụ việc lãnh sự thông thường liên quan đến người nước ngoài trên địa bàn tỉnh như bị tai nạn, tử vong, mất hộ chiếu, vi phạm pháp luật Việt Nam bị giam giữ (trừ thăm lãnh sự vẫn thông qua Bộ Ngoại giao);[2] đồng thời thông báo cho Bộ Ngoại giao, qua Cục Lãnh sự đối với các tỉnh thành phía Bắc từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra; hoặc Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh đối với các tỉnh thành phía Nam từ tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng trở vào[3] khi có sự việc liên quan đến người nước ngoài xảy ra tại địa phương để cùng phối hợp giải quyết.
- Trong công hàm/ công văn gửi các cơ quan nói trên, đề nghị Quý Cơ quan cung cấp đầy đủ các thông tin như: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch; số hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác (nếu có); thời gian nhập cảnh, mục đích nhập cảnh Việt Nam; thời gian, địa điểm, nguyên nhân tai nạn/ tử vong; họ tên, địa chỉ thân nhân của người bị nạn ở nước ngoài (nếu có). Để tạo thuận lợi cho phía nước ngoài xác minh nhân thân/quốc tịch, đề nghị Quý Cơ quan gửi kèm công hàm/ công văn thông báo bản chụp giấy tờ tùy thân của người bị nạn.
- Lưu ý: Theo Quy định tại Chỉ thị số 21/2000/CT-TTg ngày 16/10/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc thông báo và tiếp xúc lãnh sự đối với công dân nước ngoài và người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài bị bắt, tạm giữ, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù tại Việt Nam, các cơ quan chức năng không thu giữ hộ chiếu của công dân nước ngoài, người Việt Nam mang hộ chiếu nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.
- Trường hợp hộ chiếu đó được coi là vật chứng của vụ án đang được tiến hành điều tra cần thu giữ hoặc trường hợp cần áp dụng biện pháp ngăn chặn xuất cảnh, việc thu giữ hộ chiếu của người nước ngoài là cần thiết, song Bộ Công an, Bộ Quốc phòng va Bộ Ngoại giao cần thống nhất biện pháp xử lý sao cho vừa đảm bảo thi hành luật pháp của ta, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế theo hướng chuyển giao hộ chiếu đó cho CQĐD nước ngoài tại Việt Nam.[4]
- Trường hợp đã xác định được nguyên nhân tai nạn/ tử vong, đề nghị Quý Cơ quan phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương lập biên bản có chữ ký của người làm chứng và cơ quan giám định.
- Trường hợp chưa xác định được nguyên nhân tai nạn/ tử vong (có nghi vấn..đề nghị Quý Cơ quan lưu ý không tiến hành mô tử thi khi chưa có ý kiến của CQĐD/ thân nhân của người bị nạn mà cần phải đợi ý kiến của CQĐD/ thân nhân đồng ý việc mổ tử thi để giám định pháp y. Khi có ý kiến của CQĐD/ thân nhân đồng ý mổ tử thi, cơ quan pháp y hoặc y tế của địa phương tiến hành thủ tục pháp y và có kết luận cụ thể về nguyên nhân tử vong.
- Trường hợp CQĐD/ thân nhân có yêu cầu (bằng văn bản) đề nghị không mổ tử thi để khám nghiệm, trên cơ sở tinh thần nhân đạo, đề nghị Quý Cơ quan phối hợp với các cơ quan chức năng xem xét và đáp ứng thuận lợi yêu cầu của họ, nếu đã xác định được nguyên nhân tử vong, không có gì nghi vấn.
- Trong luật pháp và thực tiễn, các nước đều không chấp nhận hoặc cho phép CQĐD/ thân nhân tham dự vào việc mô tử thi và giám định pháp y. Tuy nhiên, nêu CQĐD có đề nghị bằng công hàm, tùy từng trường hợp cụ thể, Quý Cơ quan trao đổi với các cơ quan chức năng xem xét chấp nhận đề nghị, tuy nhiên chỉ trong trường hợp nguyên nhân tử vong đã được xác định rõ ràng (không có nghi vấn...) và họ chỉ được quan sát.
- Đối với Biên bản khám nghiệm tử thi và Biên bản giám định pháp y, đề nghị Quý Cơ quan chuyển đến Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để chuyển cho CQĐD.
- Trường hợp địa phương không có điều kiện kỹ thuật để bảo quản thi hài, cơ quan ngoại vụ hướng dẫn chính quyền địa phương chuyển thi hài đến cơ sở y tế hoặc nhà tang lễ có thiết bị bảo quản để lưu giữ.
- Thời hạn bảo quản thi hài tại địa phương là 07 ngày kể từ ngày tử vong; sau thời hạn này, nếu CQĐD không có ý kiến hoặc không có người đến nhận thi hài, các cơ quan chức năng địa phương tiến hành thủ tục mai táng hoặc hỏa táng phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều kiện của địa phương.[5]
- Đối với những trường hợp nhạy cảm và tùy điều kiện lưu giữ thi hài tại địa phương, cơ quan ngoại vụ địa phương có thể gửi thông báo cho CQĐD lần 2 (thêm thời hạn 07 ngày), đồng gửi Cục Lãnh sự/ Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để phối hợp. Nếu sau thời hạn này mà CQĐD/ thân nhân không có ý kiến hoặc không có người đến nhận thi hài, cơ quan chức năng địa phương tiến hành thủ tục mai táng hoặc hỏa táng phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều kiện của địa phương.
- Về chi phí bảo quản thi hài: cơ quan ngoại vụ địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho lãnh đạo địa phương phương án xử lý phù hợp với điều kiện của địa phương, tránh để kéo dài gây tốn kém và ảnh hưởng đến môi trường cũng như đảm bảo về đối ngoại. Trường hợp CQĐD có yêu cầu đề nghị bảo quản lâu hơn thời hạn 07 ngày thì CQĐD phải đảm bảo về việc thanh toán các chi phí lưu giữ thi hài.
- UBND cấp huyện nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử cho người nước ngoài hoặc công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài chết tại Việt Nam. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết, UBND cấp huyện nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.[6]
- Sau khi đăng ký khai tử, UBND cấp huyện thông báo bằng văn bản kèm theo Trích lục khai tử cho Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước mà người chết là công dân.[7] Tuy nhiên thực tế cho thấy quy định này còn bất cập: nhiều trường hợp CQĐD không có thông tin về vụ việc tử vong tại địa phương do không phụ trách công tác lãnh sự tại các tỉnh, thành phố liên quan. Vì vậy, để phối hợp tốt hơn, cơ quan ngoại vụ tham mưu chính quyền địa phương gửi thông báo Trích lục khai tử của người nước ngoài tử vong tại địa phương cho Bộ Ngoại giao thông qua Cục Lãnh sự hoặc Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh.
- Trường hợp Giấy chứng tử, Trích lục khai tử hoặc giấy tờ khác có liên quan cần sử dụng ở nước ngoài, đề nghị Quý Cơ quan hướng dẫn cho thân nhân, cơ quan/ tổ chức chịu trách nhiệm bảo lãnh cho người bị nạn tại Việt Nam đến Phòng Công chứng Nhà nước để dịch ra tiếng nước ngoài thông dụng, sau đó đến Cục Lãnh sự/ Sở Ngoại vụ Tp. Hồ Chí Minh để làm thủ tục hợp pháp hóa - chứng nhận lãnh sự (trừ những nước đã ký Hiệp định tương trợ tư pháp với nước ta có quy định được miễn thủ tục này).