Quyết định 18/2007/QĐ-BCA(C11) về Quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ do Bộ trưởng Bộ Công An ban hành

Số hiệu 18/2007/QĐ-BCA(C11)
Ngày ban hành 05/01/2007
Ngày có hiệu lực 12/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Công An
Người ký Lê Hồng Anh
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng,Giao thông - Vận tải

BỘ CÔNG AN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

************

Số: 18/2007/QĐ-BCA(C11)

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH ĐIỀU TRA GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

Căn cứ Luật giao thông đường bộ ngày 29/9/2001;
Căn cứ Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 136/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an.
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình điều tra giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 30/2003/QĐ-BCA(C11) ngày 16/01/2003 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt.

Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ trưởng, Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

ĐIỀU TRA, GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18/2007/QĐ-BCA(C11) ngày 05 tháng 01 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công an)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy trình này quy định trình tự điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ.

Điều 2. Tổ chức công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông

1. Cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ phải nắm vững và tuân thủ các quy định của pháp luật và của Bộ Công an về điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; tiến hành điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông một cách tích cực, nhanh chóng, công minh và khách quan. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ lợi dụng nhiệm vụ được giao để sách nhiễu, gây phiền hà hoặc có hành vi tiêu cực khác xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

2. Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí đủ biên chế và lựa chọn những cán bộ, chiến sỹ có phẩm chất đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; trang bị đầy đủ phương tiện cần thiết phục vụ công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; bố trí địa điểm tiếp dân để tiếp nhận tin báo, giải quyết tai nạn giao thông hoặc các khiếu nại, tố cáo của công dân về công tác giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.

TRÌNH TỰ ĐIỀU TRA, GIẢI QUYẾT TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ

Điều 3. Nhận tin và xử lý tin

1. Nhận tin:

Khi nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, cán bộ, chiến sỹ nhận tin phải hỏi rõ và ghi vào sổ nhận tin các thông tin sau:

a) Họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin;

b) Thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn (ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, tại km, đường, thuộc thôn (phố), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương);

c) Phương tiện giao thông có liên quan đến tai nạn (biển số xe, loại xe, màu sơn);

d) Họ tên, địa chỉ của người điều khiển phương tiện giao thông liên quan đến tai nạn;

đ) Họ tên, địa chỉ những người liên quan hoặc người biết vụ tai nạn xảy ra;

[...]