Thông tư liên tịch 01-TANDTC-VKSNDTC/TTLT năm 1988 hướng dẫn bộ luật tố tụng hình sự do Tòa án nhân dân tối cao - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành

Số hiệu 01-TANDTC-VKSNDTC/TTLT
Ngày ban hành 08/12/1988
Ngày có hiệu lực 23/12/1988
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Tòa án nhân dân tối cao,Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Người ký ***
Lĩnh vực Thủ tục Tố tụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-TANDTC-VKSNDTC/TTLT

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1988 

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ QUY ĐỊNH TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Để thi hành Bộ luật tố tụng hình sự, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp áp dụng thống nhất một số quy định sau đây:

I. THỦ TỤC GIAO NHẬN HỒ SƠ VÀ TANG VẬT GIỮA VIỆN KIỂM SÁT VÀ TÒA ÁN

Ngày Tòa án nhận hồ sơ do Viện Kiểm sát chuyển sang là ngày bắt đầu tính thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án. Thời hạn này đã được Bộ luật tố tụng hình sự quy định, cho nên, việc giao nhận hồ sơ cần được tiến hành nghiêm túc, tránh tình trạng phải chuyển qua, chuyển lại nhiều lần làm cho quá trình giải quyết vụ án bị kéo dài, vi phạm thời hạn luật định. Do đó:

1. Khi chuyển hồ sơ sang Tòa án, Viện kiểm sát cần kiểm tra lại hồ sơ và tang vật của vụ án, bảo đảm hồ sơ có đủ các tài liệu đã liệt kê, đủ và đúng tang vật của vụ án.

Bản kê tài liệu của Viện Kiểm sát được đánh số thứ tự tiếp theo số thứ tự các tài liệu của cơ quan điều tra.

2. Viện kiểm sát trực tiếp giao hồ sơ cho Tòa án cùng cấp. Trường hợp Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát cùng cấp điều tra bổ sung cũng phải giao trực tiếp.

Người nhận hồ sơ đối chiếu bản kê tài liệu với các tài liệu có trong hồ sơ, nếu có thì ký nhận, nếu không đủ thì chưa nhận.

3. Tang vật của vụ án được chuyển giao cùng với hồ sơ vụ án khi Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung thì không phải bàn giao lại tang vật, trừ trường hợp Viện kiểm sát có yêu cầu. Khi giao nhận tang vật phải lập biên bản. Biên bản có chữ ký của bên giao, bên nhận và được để trong hồ sơ.

4. Ngay sau khi nhận hồ sơ, Tòa án phải vào sổ thụ lý và đóng dấu (hoặc ghi) ngày nhận hồ sơ vào bìa hồ sơ (góc trên, bên trái).

Khi Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, thì Tòa án xóa sổ thụ lý, Viện kiểm sát ghi việc Tòa án trả lại hồ sơ vào sổ thụ lý của mình. Khi nhận lại hồ sơ, Tòa án thu lý lại. Ngày chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát và ngày thụ lý lại cũng được đóng dấu (hoặc ghi) vào bìa hồ sơ.

Các tài liệu của Tòa án được đánh số thứ tự tiếp theo số thứ tự các tài liệu của Viện kiểm sát. Các tài liệu của cấp phúc thẩm được đánh số thứ tự tiếp theo số thứ tự các tài liệu của cấp sơ thẩm. Không được thay đổi thứ tự trong hồ sơ vụ án.

5. Ngay sau khi nhận hồ sơ, thẩm phán được phân công xét xử vụ án phải giải quyết việc áp dụng, hay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn theo quyền hạn của mình, giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng và tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên tòa.

II. VẤN ĐỀ HỌP TRÙ BỊ

Bộ luật tố tụng hình sự không quy định thủ tục họp trù bị, cho nên, họp trù bị không phải là thủ tục tố tụng bắt buộc, mà chỉ là lề lối làm việc trong quan hệ phối hợp giữa Tòa án và Viện kiểm sát nhằm giúp nhau thực hiện tốt hơn những công việc thuộc chức năng của mỗi ngành. Do đó, bên nào thấy cần thì chủ động mời bên kia trao đổi những trường hợp cần trao đổi là:

- Khi Tòa án thấy cần trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung, đổi tội danh nặng hơn hoặc áp dụng khung hình phạt nặng hơn;

- Khi Tòa án thấy cần đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án;

- Khi cần nhập hoặc tách vụ án;

- Khi cần chuyển vụ án cho Tòa án khác giải quyết (kể cả chuyển lên, chuyển xuống) hoặc chuyển cho Tòa án cùng cấp);

- Khi chuẩn bị xét xử vụ án điểm hoặc vụ án phức tạp;

 Các trường hợp cần thiết khác.

Thẩm phán chuẩn bị xét xử vụ án và kiểm sát viên sẽ tham gia phiên tòa trực tiếp trao đổi vói nhau. Trong trường hợp cần thiết thì cán bộ lãnh đạo của hai ngành cùng trao đổi. Tùy từng vụ án có thể mời thêm đại diện của cơ quan điều tra, giám định viên.

Sau khi trao đổi, dù nhất trí hay không nhất trí, mỗi bên vẫn tiến hành những công việc thuộc chức năng của mình. Thí dụ: Trường hợp Tòa án thấy cần trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung, qua trao đổi, Viện kiểm sát nhất trí thì Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Trường hợp Viện kiểm sát không nhất trí nhận lại hồ sơ để điều tra bổ sung đã nói rõ lý do, nhưng Tòa án vẫn thấy cần phải được điều tra bổ sung thì Tòa án ra quyết định trả hồ sơ để Viện kiểm sát điều tra bổ sung. Trong quyết định phải nói rõ những vấn đề cần được điều tra bổ sung (theo Điều 154). Trong trường hợp này, Viện kiểm sát cùng cấp cần nghiên cứu, giải quyết yêu cầu của Tòa án. Nếu kết quả điều tra bổ sung dẫn tới đình chỉ vụ án thì Viện kiểm sát ra quyết định đình chỉ vụ án và báo cho Tòa án biết. Nếu Viện kiểm sát không bổ sung được những vấn đề mà Tòa án yêu cầu mà vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì chuyển hồ sơ trở lại cho Tòa án, kèm theo văn bản nói rõ lý do không điều tra bổ sung được. Khi nhận lại hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày, Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

III. XEM XÉT VIỆC RÚT TRUY TỐ (các Điều 156, 169, 195, 196)

1. Trước khi mở phiên tòa, nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử ra quyết định đình chỉ vụ án, nếu rút một phần, thì Hội đồng xét xử chỉ xét xử phần không bị rút truy tố.

2. Theo các Điều 169, 195 và 196, thì tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, nếu kiểm sát viên rút một phần quyết định truy tố, Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án và có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút truy tố đó. Căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận được ghi trong bản án.

Nếu kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì trước khi nghị án, Hội đồng xét xử yêu cầu những người tham gia tố tụng (như người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự…) trình bày ý kiến về việc rút truy tố của Viện kiểm sát là có hay không có căn cứ.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ