Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Công văn số 10234/BGDĐT-VP về việc Quy định tiêu chuẩn đánh giá và cho điểm về các lĩnh vực công tác đối với các sở GD&ĐT năm học 2008-2009 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 10234/BGDĐT-VP
Ngày ban hành 05/11/2008
Ngày có hiệu lực 05/11/2008
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Bành Tiến Long
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 10234/BGDĐT-VP
V/v: Quy định tiêu chuẩn đánh giá và cho điểm về các lĩnh vực công tác đối với các sở GD&ĐT năm học 2008-2009

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2008

 

Kính gửi:

- Các ông (bà) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo
- Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
- Công đoàn Giáo dục Việt Nam

 

Năm học 2008-2009, năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới quản lý tài chính và triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; là năm học thứ hai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn kết với các cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục” (Hai không); cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Căn cứ Chỉ thị nhiệm vụ năm học số 47/2008/CT-BGDĐT ngày 13 tháng 8 năm 2008, Bộ sẽ xem xét đánh giá, xếp loại và khen thưởng các sở giáo dục và đào tạo thực hiện nhiệm vụ năm học theo các tiêu chuẩn của 15 lĩnh vực công tác: triển khai phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; GDMN; GDTH; GDTrH; GDTX; GDCN; GD Dân tộc; công tác ngoại khoá và y tế trường học; công tác TCCB; KHTC; xã hội hoá giáo dục; sự chỉ đạo và hỗ trợ của các cấp uỷ, chính quyền địa phương đối với ngành giáo dục; thanh tra; ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Mỗi lĩnh vực công tác được cho điểm tối đa là 10, trong đó tiếp tục thực hiện Chỉ thị 06/CT-TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục: có hệ số 2, một lĩnh vực công tác khác được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các tỉnh, thành) chọn là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên đối với địa phương mình cũng có hệ số 2.

Việc đánh giá cho điểm mỗi lĩnh vực công tác dựa trên các biện pháp đã được các sở và các trường triển khai trong năm học (chiếm 60% số điểm) và dựa trên kết quả định lượng đã đạt được của mỗi lĩnh vực (chiếm 40% số điểm). Như vậy, với các tỉnh, thành đánh giá 15 lĩnh vực công tác, tổng số điểm thi đua tối đa dạt 170 điểm. Các tỉnh, thành đánh giá theo 14 lĩnh vực công tác (không có Giáo dục dân tộc), tổng số điểm tối đạt 160 điểm.

A. NỘI DUNG TIÊU CHUẨN VÀ ĐIỂM ĐÁNH GIÁ ĐỂ XẾP LOẠI TỪNG LĨNH VỰC CÔNG TÁC.

I. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ CHO ĐIỂM VỀ VIỆC TRIỂN KHAI PHONG TRÀO XÂY DỰNG TRƯỜNG HỌC THÂN THIỆN, HỌC SINH TÍCH CỰC:

1. Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương để có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp triển khai phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; xây dựng kế hoạch thực hiện phong trào trong năm học 2008-2009 và định hướng đến năm 2010; triển khai nội dung và cơ chế thực hiện phong trào đến tất cả các trường phổ thông và mầm non, bước đầu huy động được các lực lượng trong và ngoài ngành tham gia thực hiện (2,0 điểm);

2. Đảm bảo trường an toàn, sạch sẽ, có cây xanh, thoáng mát, bàn ghế hợp với lứa tuổi học sinh; học sinh tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ vệ sinh công cộng và cá nhân; cam kết đến hết năm 2009, 100% số trường có đủ nhà vệ sinh, trong đó năm học 2008-2009 có ít nhất 50% số trường chưa có nhà vệ sinh sẽ được xây nhà vệ sinh, 100% nhà vệ sinh được giữ gÌn sạch sẽ (2,0 điểm);

3. Tại mỗi trường đều có gương thầy, cô giáo tích cực đổi mới phương pháp dạy và có hướng dẫn phương pháp học cho học sinh; học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập hơn trước; nhiều học sinh đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả học tập với thầy, cô giáo và nhà trường (2,0 điểm);

4. Ở mỗi cấp học, ở các vùng đặc trưng của tỉnh, thành phố xây dựng được ít nhất một đơn vị điển hình tham gia phong trào. Trong đó có việc thực hiện chăm sóc và phát huy giá trị một di tích lịch sử, văn hoá; đưa được nội dung mới gắn với văn hoá, truyền thống dân tộc, địa phương vào hoạt động văn nghệ, ngoại khoá, thể thao của trường; thực hiện quy tắc ứng xử văn hoá trong nhà trường; phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương để phát huy giá trị văn hoá truyền thống (2,0 điểm);

5. Có các sáng kiến, giải pháp ở cấp tỉnh, quận huyện và cơ sở, phát huy được thế mạnh của địa phương để xây dựng được các điển hỡnh thực hiện tốt phong trào; phổ biến ra toàn tỉnh, thành phố (2,0 điểm);

II. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ CHO ĐIỂM VỀ GIÁO DỤC MẦM NON:

1. Tiếp tục triển khai có hiệu quả “Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015”; thực hiện tốt những nhiệm vụ của giáo dục mầm non năm học 2008-2009 theo quy định tại công văn số 7558/BGDĐT-GDMN ngày19/8/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; làm tốt công tác tham mưu và phối hợp với các cấp để triển khai có hiệu quả các Quyết định, Nghị quyết về phát triển GDMN; có đề án, văn bản của tỉnh chỉ đạo thúc đẩy phát triển giáo dục mầm non của địa phương; thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác, đúng thể thức văn bản và thời gian quy định; ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng thông tin trong quản lý GDMN (2,0 điểm );

2. Tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô, mạng lưới, trường lớp mầm non phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế địa phương, tăng tỷ lệ trẻ đi học nhà trẻ và mẫu giáo; đặc biệt có giải pháp tập trung để huy động số trẻ 5 tuổi đến trường (2,0 điểm);

3. Có biện pháp sáng tạo trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục mầm non, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ và tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các bậc cha mẹ; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng từ 1-2% so với đầu năm học và cùng kỳ năm trước; tăng tỉ lệ trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú tại nhóm lớp; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ, không có dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn xảy ra trong các cơ sở GDMN; có đủ công trình vệ sinh cho trẻ, trong đó có 70% trường, lớp học có công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều lệ trường mầm non; có bếp ăn an toàn, hợp vệ sinh; có sáng kiến biện pháp chủ động để chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1; chỉ đạo mở rộng diện thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới; có ít nhất 01 trường đăng ký tham gia phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (2,0 điểm );

4. Đầu tư, phát triển số lượng và nâng cao chất lượng của trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; công nhận được ít nhất 02 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đảm bảo 100% các trường, cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được cấp phép hoạt động; quản lý tốt hoạt động của các trường mầm non tư thục theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 41/2008/QĐ/BGDĐT ngày 25/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; đội ngũ CBQL và giáo viên tích cực hưởng ứng các cuộc vận động và phong trào do ngành phát động, có ít nhất 60% giáo viên được đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp đạt từ khá trở lên; có 80% trở lên giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo trong đó trên chuẩn đạt ít nhất 30%; có ít nhất 80% giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trong năm học; 100% giáo viên mầm non được đảm bảo chế độ theo quy định; không có CBQL và giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo (2,0 điểm);

5. Tổ chức nhiều hình thức sinh động, sáng tạo nhằm phổ biến kiến thức cho cha mẹ, cộng đồng và tuyên truyền về giáo dục mầm non (2,0 điểm);

III. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ CHO ĐIỂM VỀ GIÁO DỤC TIỂU HỌC

1. Chỉ đạo thực hiện kế hoạch giáo dục và kế hoạch thời gian năm học có hiệu quả (2,0 điểm);

2. Chỉ đạo dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình tiểu học và đổi mới phương pháp dạy học. Không để xảy ra việc cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp. Đảm bảo chất lượng giáo dục tiểu học, giảm số lượng học sinh lưu ban, bỏ học; có biện pháp bồi dưỡng học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu; tham gia đánh giá hiệu quả môn học Thủ công theo chỉ đạo của Bộ (2,0 điểm);

3. Củng cố duy trì thành tựu phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ và thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Xõy dựng thêm trường đạt chuẩn quốc gia. Mỗi quận, huyện có ít nhất một trường Tiểu học đăng ký tham gia phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc dạy học và công tác quản lý trường (2,0 điểm);

4. Tiếp tục quan tâm và đổi mới chỉ đạo dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giáo dục học sinh khuyết tật. Thực hiện giáo viên đánh giá hiệu trưởng. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, xếp loại trường tiểu học (2,0 điểm);

5. Có sáng kiến, chủ động triển khai các hoạt động khác trong và ngoài nhà trường (2,0 điểm).

IV. TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ VÀ CHO ĐIỂM VỀ GIÁO DỤC TRUNG HỌC :

1. Chỉ đạo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và kế hoạch giảng dạy có hiệu quả; triển khai dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng phù hợp với từng đối tượng học sinh, giáo viên tham gia góp ý kiến cho chương trình và sách giáo khoa (2,0 điểm);

2. Chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy các môn học, năm học này tập trung vào các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Chỉ đạo cải tiến cách kiểm tra, đánh giá theo hướng khuyến khích tinh thần tự học và ý thức sáng tạo của học sinh; không có hiện tượng vi phạm quy chế thi tuyển sinh, thi học sinh giỏi và thi tốt nghiệp. Tổ chức tốt dạy học các môn Mỹ thuật, Âm nhạc (THCS), Thể dục, Kỹ thuật. Thực hiện đúng quy định đánh giá, xếp loại học sinh; nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, có biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém, giảm số lượng học sinh bỏ học; tổ chức và thực hiện tốt các hoạt động xã hội như an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường, tích cực bảo vệ môi trường, lao động công ích (2,0 điểm);

3. Thực hiện các mục tiêu phổ cập giáo dục: Có kế hoạch và biện pháp để rà soát lại công tác phổ cập giáo dục, có định hướng từ nay đến 2010 và 2015; củng cố, duy trì kết quả của các đơn vị đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS; các đơn vị chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS tiếp tục phấn đấu theo lịch trình đã được phê duyệt. Các địa phương có nguy cơ không đạt mục tiêu phổ cập THCS vào 2010 cần báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh để có hệ thống các giải pháp đặc biệt, đủ mạnh để thực hiện mục tiêu phổ cập THCS, phấn đấu số đơn vị xã, phường, quận huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS tăng hơn so với năm học trước; thực hiện phổ cập giáo dục trung học ở những đơn vị đã đạt chuẩn PCGDTHCS và có điều kiện (2,0 điểm);

[...]