Chương trình 309/CTr-UBTVQH12 về công tác năm 2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành

Số hiệu 309/CTr-UBTVQH12
Ngày ban hành 04/01/2010
Ngày có hiệu lực 04/01/2010
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 309/CTr-UBTVQH12

Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2010

 

CHƯƠNG TRÌNH

CÔNG TÁC NĂM 2010 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Tại phiên họp ngày 17-12-2009, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định, các Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu và tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thông qua Chương trình công tác năm 2010 như sau:

I. CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC NĂM 2010

1. Chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội

1.1. Phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan khác xây dựng chương trình, chuẩn bị, chủ trì các kỳ họp thứ bảy và thứ tám của Quốc hội. Phân công phụ trách từng nội dung công việc; chỉ đạo, điều hòa Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan chủ động chuẩn bị các nội dung, thường xuyên đôn đốc triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ, kiên quyết khắc phục tình trạng cập rập trong việc chuẩn bị, nhất là các dự án luật.

1.2. Tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu trình Quốc hội về việc cải tiến một số quy trình, cách thức tiến hành, điều hành để kỳ họp đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu tài liệu và chủ động hơn trong từng phiên họp toàn thể.

2. Công tác xây dựng pháp luật

2.1. Chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Giao Thường trực Ủy ban pháp luật giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội theo dõi, đôn đốc và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc triển khai thực hiện chương trình.

2.2. Tại các phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến việc chuẩn bị từng dự án luật trình Quốc hội thảo luận lần đầu hoặc xem xét, thông qua tại 1 kỳ họp; chỉ đạo Ủy ban chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội chỉnh lý các dự án luật đã được Quốc hội thảo luận để trình Quốc hội. Đồng thời, xem xét, thông qua các pháp lệnh Quốc hội giao.

2.3. Chỉ đạo chuẩn bị dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và nhiệm kỳ khóa XIII để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2010).

2.4. Chỉ đạo kiểm tra việc yêu cầu giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh và xây dựng quy trình, thủ tục để Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

2.5. Tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức cho ý kiến về các dự án luật và xem xét, thông qua pháp lệnh tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội để nâng cao chất lượng các dự án. Tổ chức các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về một số dự án luật và các vấn đề quan trọng khác. Phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc thẩm tra, phối hợp thẩm tra và tham gia ý kiến vào các dự án luật; chỉ đạo các cơ quan liên quan nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ trong việc chuẩn bị các dự án và tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý các dự thảo luật trình Quốc hội.

3. Công tác giám sát

3.1. Tổ chức thực hiện Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.

3.1.1. Xem xét việc chuẩn bị các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, các báo cáo công tác năm 2010 của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật để Quốc hội giám sát tối cao tại các kỳ họp; chuẩn bị để Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

3.1.2. Triển khai chuẩn bị các chuyên đề Quốc hội giám sát tại 2 kỳ họp:

- Tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học. Giao Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát, tiến hành giám sát, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4/2010, sau đó hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội.

- Tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội giám sát chuyên đề việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010. Giao Ủy ban pháp luật chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát, tiến hành giám sát, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2010, sau đó hoàn chỉnh báo cáo trình Quốc hội.

3.2. Triển khai thực hiện chương trình giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

3.2.1. Xem xét báo cáo bổ sung của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2010 và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan theo quy định của pháp luật (tại phiên họp tháng 4-2010).

3.2.2. Xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; các báo cáo công tác của các cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các báo cáo khác của các cơ quan hữu quan chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp (tại phiên họp tháng 9-2010).

3.2.3. Giám sát các chuyên đề:

- Tại phiên họp tháng 4-2010, giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010); việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Giao Hội đồng dân tộc chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát, tiến hành giám sát và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

- Tại phiên họp tháng 9-2010, giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Giao Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập đoàn giám sát, xây dựng kế hoạch giám sát, tiến hành giám sát và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

3.2.4. Tiếp tục thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện chất vấn tại kỳ họp thứ sáu. Giao Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban công tác đại biểu chuẩn bị kế hoạch, nội dung và các điều kiện để giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện; Ban công tác đại biểu theo dõi, đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện lời hứa sau chất vấn (tại phiên họp tháng 4, 9 – 2010)

3.2.5. Chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội có kế hoạch thường xuyên giám sát văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; giám sát việc ban hành văn bản và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

3.2.6. Chỉ đạo tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu tổng hợp, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội; thực hiện tốt việc điều hòa, phối hợp trong hoạt động giám sát, tránh trùng lắp về thời gian, địa điểm, đối tượng và nội dung giám sát. Phát huy vai trò của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc giám sát tại địa phương và thực hiện quyền chất vấn của đại biểu trong thời gian giữa hai kỳ họp và tại kỳ họp Quốc hội theo quy định của pháp luật.

[...]