Chương trình 300/CTr-UBND năm 2021 hành động về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 300/CTr-UBND
Ngày ban hành 04/06/2021
Ngày có hiệu lực 04/06/2021
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Trần Anh Thư
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 300/CTr-UBND

An Giang, ngày 04 tháng 6 năm 2021

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG VỀ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG DU LỊCH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định mục tiêu:

Khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đồng thời, xác định khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch”.

Để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngoài tiềm năng, điều kiện sẵn có, cần phải xây dựng một hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch hoàn chỉnh bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và hạ tầng dịch vụ.....

Do đó, việc ban hành Chương trình hành động về phát triển hạ tầng du lịch với hệ thống giải pháp phát triển đồng bộ là hết sức cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn hiện nay và cả giai đoạn tiếp theo.

II. THỰC TRẠNG HẠ TẦNG DU LỊCH AN GIANG

1. Tiềm năng:

An Giang là tỉnh được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, núi non hùng vĩ nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo cùng chung sống lâu đời, cùng tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo; là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước.

2. Thành tựu:

Triển khai thực hiện Chương trình hành động số 59 về phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, du lịch An Giang đã đạt được một số thành tựu nhất định như sau:

Giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách đến An Giang ước đạt 38 triệu lượt khách tham quan, du lịch. Trong đó, lượt khách lưu trú của các khách sạn ước đạt chuẩn, nhà nghỉ, nhà trọ trên 4,1 triệu lượt; khách quốc tế ước đạt 405 nghìn lượt; doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 21.200 tỷ đồng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 97 cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn với gần 3.000 phòng. Có 02 công ty lữ hành nội địa; 12 công ty lữ hành quốc tế; 01 công ty vận chuyển đường bộ; 03 công ty vận chuyển đường thủy. Có 16 điểm tham quan, du lịch. Trong đó, có 02 khu du lịch (Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch quốc gia Núi Sam); 03 điểm du lịch (Điểm du lịch Đồi Tức Dụp, Điểm du lịch rừng tràm Trà Sư, Điểm du lịch Nông trại Phan Nam). Tính đến nay, tỉnh đã cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch cho 04 cơ sở ăn uống, mua sắm.

Trên địa bàn tỉnh An Giang, đã thu hút đầu tư 25 dự án với tổng mức đầu tư hơn 6.328 tỷ đồng. Trong đó, một số dự án tập trung vào các khu vui chơi giải trí, khách sạn, nhà hàng như: Công viên trò chơi Núi Cấm, Khu du lịch văn hóa tâm linh - cáp treo Bà Chúa Xứ, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Trà Sư, Khu vui chơi giải trí Hải Đến, khu nghỉ dưỡng Sang Như Ngọc (Núi Cấm)….

Đối với hạ tầng giao thông: tổng vốn cân đối 3.108 tỷ đồng, để đầu tư các dự án lĩnh vực giao thông phục vụ phát triển du lịch (Đường tỉnh 941, 942, 943, 945, 948, 955A, 957 và 02 tuyến đường đầu tư trên địa bàn huyện Thoại Sơn (Nâng cấp mở rộng tuyến Thoại Giang - Xã Diễu đoạn từ cầu Thoại Giang đến cầu Xã Diễu, Nâng cấp tuyến tránh thị trấn Núi Sập)....

Nguồn vốn ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh là 210 tỷ đồng. Nguồn vốn được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Sập, Khu du lịch Soài So, cơ sở hạ tầng Khu du lịch Núi Cấm, Tuyến tránh Quốc lộ 91 đến chợ Vĩnh Đông, đường lên đỉnh Núi Sam.

Tỉnh đã phê duyệt quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động của các doanh nghiệp. Trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng 3G, 4G đến 100% địa bàn dân cư, quang hóa 100% khóm, ấp toàn tỉnh và đang hướng đến hộ gia đình; internet phủ khắp địa bàn dân cư. Nhiều điểm du lịch, khu dịch vụ công cộng, siêu thị, bến xe cung cấp hệ thống wifi miễn phí, tạo điều kiện để người dân, khách du lịch tra cứu thông tin về điểm đến, góp phần quảng bá du lịch của tỉnh. Các khách sạn, nhà nghỉ triển khai phần mềm quản lý khách lưu trú góp phần quản lý tốt về tình hình an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tạo niềm tin cho du khách đến với An Giang. Một số nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại đã triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho du khách.

Triển khai Quyết định số 1274/QĐ-UBND ngày 28/5/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch thuê thiết bị, đường truyền hệ thống camera giám sát an ninh và quảng bá du lịch An Giang giai đoạn 2020-2022; Quyết định số 2466/QĐ-UBND ngày 11/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch triển khai thí điểm Hệ thống Du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh An Giang.

3. Hạn chế và nguyên nhân:

- Nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn khiêm tốn. Do đó, chưa tạo quỹ đất sạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh nhằm kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ du lịch. Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch mới được ban hành, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm do chưa đảm bảo về quy trình thủ tục.

- Các khu, điểm du lịch trọng điểm bước đầu đã xây dựng thương hiệu nhưng năng lực cạnh tranh còn chưa cao, chưa có tính bền vững. Công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch trọng điểm chưa có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị chức năng ở địa phương. Tình trạng chèo kéo, mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường,... tại các khu, điểm du lịch đã chuyển biến tích cực nhưng vào cao điểm lễ hội, tết vẫn chưa được xử lý triệt để. Tình trạng lấn chiếm trái phép đất đai tại các khu, điểm du lịch vẫn còn diễn ra, đặc biệt là tại khu du lịch núi Cấm.

- Chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nhân lực ngành, nghề du lịch ở vùng nông thôn (nơi có nhiều tiềm năng, tài nguyên du lịch) còn hạn chế.....Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa quan tâm đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động, trong đó có lao động lĩnh vực du lịch.

- Các sản phẩm du lịch và các dịch vụ du lịch trên địa bàn có bước phát triển nhưng sự phối hợp giữa các ngành trong việc đầu tư khai thác sản phẩm du lịch còn chậm. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch, trong đó có lĩnh vực lữ hành, chưa quan tâm nhiều đến việc khai thác các sản phẩm du lịch của địa phương.

- Công tác xúc tiến quảng bá chưa đi vào chiều sâu, chưa đủ nguồn lực để tham gia các đợt xúc tiến ngoài nước, đặc biệt là các thị trường trọng điểm du lịch của tỉnh An Giang.

III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

[...]