Chương trình 110/CTRPH/UBND-MTTH phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 110/CTRPH/UBND-MTTH
Ngày ban hành 21/07/2016
Ngày có hiệu lực 21/07/2016
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Văn Tuấn,Nguyễn Đình Xứng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH -
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 110/CTrPH/UBND-MTTH

Thanh Hóa, ngày 21 tháng 7 năm 2016

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG VÀ GIÁM SÁT BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Luật tổ chức hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217- QĐ/TW ngày 12 tháng 12 năm 2013 của Bộ Chính trị;

Căn cứ Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21 tháng 10 năm 2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới;

Ủy ban nhân dân tỉnh và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa ban hành Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016 - 2020, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Vận động toàn xã hội, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp thực phẩm và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: Nông dân trong tỉnh là người đi đầu trong sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, người Việt Nam nói chung, người Thanh Hóa nói riêng tiêu dùng thực phẩm phải an toàn, góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, nâng cao uy tín của tỉnh trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển.

b) Biểu dương, khuyến khích và tổ chức nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, đồng thời kiên quyết phê phán, tẩy chay và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn.

c) Qua thực hiện Chương trình phối hợp này đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, các quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Tổ chức thực hiện Chương trình phối hợp này là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết, thường xuyên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thanh Hóa, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và chính quyền, ngành chức năng các cấp, trong đó vận động toàn dân thực hiện an toàn thực phẩm là một nội dung trọng tâm của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

b) Việc phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm phải đồng bộ, sâu rộng và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức. Định kỳ có sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng và định hướng cho thời gian tiếp theo.

c) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước về thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Mục tiêu

a) Đến năm 2017:

- Hằng năm, 100% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

- Vận động ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

- Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm.

b) Đến năm 2019:

- Hằng năm, 100% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

- Vận động ít nhất 70% số hộ sản xuất nông nghiệp, sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và ít nhất 35% số hộ được công nhận sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; 100% số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

- Tất cả các xã được xét công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm; xem đây là tiêu chí bắt buộc.

c) Đến năm 2020:

- Vận động ít nhất 90% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết và trên 60% số hộ được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn đạt các tiêu chuẩn theo quy định; 100% số hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm được công nhận là sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

[...]