Chương trình 02/CTr-UBND thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 02/CTr-UBND
Ngày ban hành 01/03/2022
Ngày có hiệu lực 01/03/2022
Loại văn bản Văn bản khác
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Trần Hữu Thế
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CTr-UBND

Phú Yên, ngày 01 tháng 3 năm 2022

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP NGÀY 10/01/2022 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA NĂM 2022

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; phấn đấu trong năm 2022 thành lập mới khoảng 500 doanh nghiệp; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường …nhằm thích ứng với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, đảm bảo mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được tự do kinh doanh các lĩnh vực theo quy định của pháp luật; Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực xã hội tại địa phương nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Phát triển nền kinh tế tư nhân trên địa bàn Tỉnh lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Yêu cầu:

Xây dựng chính quyền hành động, kiến tạo, phục vụ phát triển, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả và kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức, trách nhiệm, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao văn hóa ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, phục vụ tốt người dân và cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện và nâng cao các chỉ số PCI, PAPI góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19; đề ra các chương trình cụ thể, có hiệu quả để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần doanh nghiệp; nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ và giải pháp chung:

- Tiếp tục thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đối với từng sở, ban, ngành, địa phương đã được giao tại Kế hoạch số 175/KH-UBND ngày 01/11/2017 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Tỉnh ủy về phát triển Kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Phú Yên; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 02/5/2018 của UBND tỉnh về việc Chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động loại hình doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 10/12/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Phú Yên năm 2019 và những năm tiếp theo; Kế hoạch số 201/KH-UBND ngày 14/11/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 12- CTr/TU của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Thực hiện mạnh mẽ chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số, triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo: (i) cập nhật đầy đủ, kịp thời các dữ liệu liên quan tới dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý của bộ, ngành, địa phương; (ii) chú trọng các dịch vụ công thiết thực đối với người dân (như y tế, giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội); (iii) cung cấp hạ tầng cho thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử.

- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện các chỉ số khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan, tiếp cận điện năng, đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, nộp thuế và bảo hiểm xã hội; Nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, y tế, chăm sóc sức khỏe, an ninh và an toàn, vệ sinh môi trường các khu, địa điểm du lịch; phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, giảm tối đa số lần thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, kể cả thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và triển khai thực có hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, từng bước cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, dịch vụ hành chính công. Kiểm soát chặt chẽ các thủ tục hành chính theo quy định.

- Thực hiện đầy đủ, nhất quán và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ về phát triển bền vững; đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp cơ cấu lại sản xuất, kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, trong đó chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tạo cơ hội việc làm cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

- Thực thi đầy đủ điều kiện kinh doanh đã bị bãi bỏ, những nội dung được đơn giản hóa của các quy định về điều kiện kinh doanh; không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh trái quy định của pháp luật; thực thi đầy đủ các quy định về cắt giảm danh mục mặt hàng và cải cách thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành; xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định mới về điều kiện kinh doanh.

- Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền để tránh cho doanh nghiệp không rơi vào tình trạng đứt thanh khoản, cắt giảm các chi phí tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

- Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ Trung ương nhằm giảm gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, như: Giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, nước, miễn hoặc giảm tiền bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp và những người lao động phải nghỉ việc trong thời gian cách ly, gia hạn các khoản nợ đến hạn tại ngân hàng để giảm áp lực cho doanh nghiệp.

2. Nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:

2.1. Văn phòng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương:

- Kịp thời đề xuất UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và nhà đầu tư.

- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai kịp thời các chính sách, chương trình của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.

- Triển khai kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến các sở, ban, ngành và địa phương.

- Triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra tình hình cải cách thủ tục hành chính; tổ chức hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đảm bảo hiệu quả, góp phần nâng cao giải quyết thủ tục hành chính… Theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 của các sở, ban, ngành, địa phương.

- Tiếp tục tăng số lượng, nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ công thực hiện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

[...]