Kế hoạch 19/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025

Số hiệu 19/KH-UBND
Ngày ban hành 20/01/2022
Ngày có hiệu lực 20/01/2022
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Quý Phương
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 20 tháng 01 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2022-2025

Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022;

Căn cứ Kế hoạch số 317/KH-UBND ngày 15/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Chương trình số 06-CTr/TU ngày 18/5/2021 của Tỉnh ủy (khóa XVI) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022 - 2025, cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với việc triển khai có hiệu quả các chính hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện trợ giúp doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn trước đại dịch COVID-19, tháo gỡ các điểm nghẽn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới một cách tích cực và hiệu quả.

Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở đổi mới cơ chế, chính sách đảm bảo thông thoáng, cởi mở, hấp dẫn, đột phá, khác biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo.

II. MỤC TIÊU

Nâng cao chất lượng quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới dựa trên Quyết định số 2243/QĐ-UBND ngày 10 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh bền vững, dài hạn thông qua việc liên tục cải thiện các chỉ tiêu, chỉ số thành phần cấu thành PCI của tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, tập trung cải thiện những chỉ số thành phần có trọng scao, các chỉ số chưa bền vững, chỉ số có điểm số và xếp hạng thấp; chỉ số thành phần ít được cải thiện hoặc suy giảm.

Phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (Par Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), Chỉ số đánh giá, chuyển đổi số của tỉnh duy trì ổn định trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước; tạo điều kiện thuận lợi cho Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nhiệm vụ chung về cải thiện môi trường kinh doanh:

a) Hỗ trợ phục hồi, đổi mới hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19:

- Thực hiện kịp thời và có hiệu quả các chính sách của Trung ương nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, gồm: Gia hạn nộp thuế, ưu đãi về thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ; hỗ trợ người lao động; giảm chi phí cho doanh nghiệp (giảm giá điện, giá dịch vụ hàng không, không thực hiện điều chỉnh tăng giá đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp do Nhà nước định giá); điều chỉnh giảm phí, lệ phí trong một số ngành như: Tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, văn hóa du lịch,...

- Thực hiện có hiệu quả các chính sách của Tỉnh gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa1; chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp thành lập mới2; chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp3; chính sách hỗ trợ chuyển đổi số, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ4; chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng5, chính sách tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp6, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ7, Chương trình phát triển thị trường KH&CN đến năm 2030 8...

- Tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền đối với các chính sách, nội dung hỗ trợ đến doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó tập trung một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ (Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế); Chính sách hỗ trợ hệ sinh thái Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 (Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế).

- Nghiên cứu các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp:

+ Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ % giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí, điều chỉnh tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất nhằm tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp phục hồi và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

+ Chính sách hỗ trợ phí hạ tầng cho các doanh nghiệp sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp.

+ Hỗ trợ mức chênh lệch lãi suất (2%/năm) cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thông qua các tổ chức tín dụng. Ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư. Mỗi doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất đối với 01 phương án, dự án sản xuất - kinh doanh trong cùng một giai đoạn.

+ Hỗ trợ 03 năm lãi suất vay (không quá 10.000.000 đồng/năm) cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (theo Nghị quyết số 52/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh).

+ Hỗ trợ phát hành chứng thư bảo lãnh (bằng 50% giá trị khoản vay) cho các doanh nghiệp đã được tổ chức tín dụng thẩm định và quyết định cho vay theo quy định của pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng (theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa).

+ Tiếp tục bổ sung nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với lao động từ các vùng dịch trở về địa phương.

b) Nâng cao hiệu quả trong nắm bắt, giải quyết kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là trong quá trình khôi phục sản xuất trong và sau dịch COVID-19. Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền số, dịch vụ đô thị thông minh.

Nâng cao chất lượng hoạt động đối thoại, tổ chức làm việc để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, từ đó xây dựng các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh, đầu tư thuận lợi nhất. Duy trì, nâng cấp và ứng dụng tốt các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành qua mạng điện tử như: Hệ thống thư điện tử công vụ, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền, đường dây nóng tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong nội bộ và giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan trong xử lý công việc nhiệm vụ giao có liên quan đến doanh nghiệp, người dân. Phát huy tốt vai trò cầu nối, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức Doanh nghiệp và Liên minh các hợp tác xã tỉnh; tạo điều kiện để các tổ chức doanh nghiệp được biết, được tham gia hoạt động phản biện chính sách, quy định của tỉnh liên quan đến Doanh nghiệp,...

Tăng cường phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tranh thủ kinh nghiệm và thực hiện đồng loạt các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện kế hoạch hành động triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Kế hoạch. Định kỳ hàng năm tổ chức khảo sát lấy ý kiến đánh giá của doanh nghiệp, người dân về chất lượng thực hiện cung ứng thủ tục hành chính, công tác quản lý thực hiện nhiệm vụ liên quan đến doanh nghiệp của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, tiếp tục nâng cao hiệu quả triển khai đo lường Chỉ số Năng lực cạnh tranh của các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (Chỉ số DDCI) và đánh giá cấp Phòng, các lĩnh vực dịch vụ công, Văn phòng đăng ký đất đai,...

[...]