Chỉ thị 809/CT-BNN-KHCN về lồng ghép biến đổi khí hậu vào xây dựng, thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, giai đoạn 2011-2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 809/CT-BNN-KHCN
Ngày ban hành 28/03/2011
Ngày có hiệu lực 28/03/2011
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Cao Đức Phát
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 809/CT-BNN-KHCN

Hà Nội, ngày 28 tháng 03 năm 2011

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC LỒNG GHÉP BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀO XÂY DỰNG, THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH, CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN, GIAI ĐOẠN 2011-2015

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang diễn ra với mức độ ngày càng khốc liệt trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia được dự báo chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH, nước biển dâng, ứng phó với BĐKH là nhiệm vụ sống còn của Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH (Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 02/12/2008), huy động sự tham gia của toàn bộ hệ thống chính trị, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực nhằm giảm thiểu và thích ứng với BĐKH.

Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn gồm các lĩnh vực chính: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và hạ tầng nông thôn có liên quan tới cuộc sống của hơn 70% dân số cả nước, trong đó tập trung phần lớn người nghèo - là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, quản lý đê điều và phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai là những nhiệm vụ quan trọng đối với ổn định xã hội và phát triển bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình hành động thích ứng với BĐKH, ban hành Khung chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành (Quyết định 2730/QĐ-BNN-KHCN ngày 5/9/2008) và Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 543/QĐ-BNN-KHCN ngày 23/3/2011).

Để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

1. Lồng ghép BĐKH trong quá trình xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, đề án, dự án đối với các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, thủy lợi và hạ tầng nông thôn trên phạm vi cả nước, phù hợp với chiến lược, chương trình mục tiêu, kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với BĐKH theo phương châm tích cực tham gia giảm thiểu phát thải khí nhà kính và chủ động thích ứng với BĐKH.

2. Việc lồng ghép BĐKH phải dựa trên các nguyên tắc

- Đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững, hệ thống, ngành, vùng miền góp phần ứng phó và giảm nhẹ thiên tai;

- Có trọng tâm, trọng điểm đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; ưu tiên cho các hoạt động đa mục tiêu;

- Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả cao nhất nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia.

3. Lồng ghép BĐKH thực hiện theo các bước

- Đánh giá các tác động của BĐKH, xác định tình trạng dễ bị tổn thương của các lĩnh vực, vùng miền;

- Cập nhật thông tin, số liệu, xây dựng bổ sung các nội dung lồng ghép BĐKH;

- Phân tích và lựa chọn mức độ rủi ro có thể chấp nhận đối với các lĩnh vực, vùng miền;

- Lựa chọn các giải pháp giảm thiểu và thích ứng;

- Thực hiện, điều chỉnh kịp thời các giải pháp ứng phó;

- Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

4. Nội dung trọng tâm lồng ghép BĐKH cho các lĩnh vực

a) Nông nghiệp

- Cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích hợp đảm bảo có hiệu quả kinh tế cao, chú trọng tới khả năng chịu ngập, chịu hạn, chịu mặn, chịu sâu bệnh cao, thích nghi với sự thay đổi của khí hậu, phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng; chuyển đổi cơ cấu thời vụ gieo trồng để né tránh các cao điểm dễ xuất hiện thiên tai, dịch bệnh; phát triển các loại cây năng lượng sinh học;

- Kiểm soát, áp dụng các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh thích hợp để phòng chống và dập dịch bệnh, thay đổi cơ cấu mùa vụ trong điều kiện thay đổi của khí hậu;

- Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ nuôi trồng, canh tác thân thiện môi trường, thích hợp với BĐKH; chú trọng phát hiện, phòng chống các loại bệnh dịch mới do BĐKH;

- Sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi phù hợp nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính; quản lý và xử lý chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường.

b) Lâm nghiệp

- Đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh các vùng đất trống, đồi trọc quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp; lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện BĐKH (có khả năng chống chịu hạn, chống cháy và chống chịu bệnh tốt) đối với việc trồng rừng mới, trong đó chú trọng trồng các loài cây bản địa;

- Bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng tự nhiên nhằm tăng cường khả năng hấp thụ và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (KNK). Tăng cường củng cố hệ thống rừng đặc dụng; hạn chế việc chuyển đổi rừng sang các mục đích khác, khuyến khích người dân và cộng đồng địa phương tham gia quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng nhằm phát triển rừng bền vững, hạn chế các tác động tiêu cực do ĐĐKH gây ra và chống sa mạc hóa, suy thoái đất;

- Áp dụng các biện pháp lâm sinh, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao đồng thời giảm khí gây hiệu ứng nhà kính;

[...]