Chỉ thị 14/2006/CT-UBND về việc kiện toàn tổ chức và hoạt động công tác pháp chế ở các sở ngành tỉnh và doanh nghiệp nhà nước do tỉnh Long An ban hành
Số hiệu | 14/2006/CT-UBND |
Ngày ban hành | 05/06/2006 |
Ngày có hiệu lực | 15/06/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Long An |
Người ký | Dương Quốc Xuân |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2006/CT-UBND |
Tân An, ngày 05 tháng 6 năm 2006 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG TÁC PHÁP CHẾ Ở CÁC SỞ NGÀNH TỈNH VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ, Quyết định số 2379/2004/QĐ-UB ngày 14/7/2004 của UBND tỉnh ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh, các Sở ngành tỉnh và doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng xây dựng, củng cố kiện toàn về tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác pháp chế, góp phần tích cực trong việc thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, kịp thời phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng ở địa phương.
Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động công tác pháp chế thời gian qua còn nhiều hạn chế. Một số cơ quan, đơn vị thiếu quan tâm, chưa chú trọng công tác pháp chế trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, do đó việc sắp xếp tổ chức, bố trí biên chế và cán bộ chưa thống nhất theo mô hình chung, chủ yếu là kiêm nhiệm và không ổn định. Mặt khác trình độ cán bộ pháp chế chưa đồng đều, kiến thức pháp luật còn yếu, trong khi đó công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế chưa được thực hiện thường xuyên, kịp thời. Đồng thời kinh phí và phương tiện hoạt động cũng chưa đáp ứng đủ cho yêu cầu nhiệm vụ.
Từ những nguyên nhân trên, tổ chức và cán bộ pháp chế ở nhiều nơi hoạt động còn mang tính hình thức, chưa phát huy vai trò nòng cốt trong công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, tuyên truyền phổ biến và kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật… ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.
Để ổn định về tổ chức, biên chế và cán bộ làm công tác pháp chế, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện các công việc sau đây:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và doanh nghiệp nhà nước, cụ thể là Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24/01/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ, Thông tư số 07/2005/TT-BTP ngày 31/8/2005 của Bộ Tư pháp, Quyết định số 2379/2004/QĐ-UB ngày 14/7/2004 của UBND tỉnh.
2. Tiến hành rà soát về tổ chức và cán bộ làm công tác pháp chế hiện có để có hướng củng cố kiện toàn, trong đó đảm bảo các yêu cầu về cơ cấu tổ chức, biên chế, cán bộ chuyên trách và tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.
- Đối với Sở ngành tỉnh, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và yêu cầu của công tác pháp chế có thể trình UBND tỉnh xem xét quyết định thành lập Phòng pháp chế thuộc Sở ngành và bố trí chức danh cán bộ quản lý, công chức pháp chế chuyên trách theo quy định (sau khi có ý kiến thống nhất của Giám đốc Sở Tư pháp và Giám đốc Sở Nội vụ), hoặc phân công, bổ sung nhiệm vụ cho Văn phòng Sở ngành và bố trí ít nhất một công chức pháp chế chuyên trách. Biên chế thành lập tổ chức pháp chế và bố trí công chức pháp chế chuyên trách được sử dụng trong tổng biên chế được giao của cơ quan, đơn vị và phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn chức danh đảm nhiệm (từ ngạch chuyên viên trở lên, có trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân chuyên ngành, có kiến thức pháp lý).
- Đối với cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành Trung ương quản lý (theo ngành dọc) đóng trên địa bàn tỉnh thì căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và yêu cầu của công tác pháp chế để chủ động xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức và hoạt động công tác pháp chế theo thẩm quyền, hoặc báo cáo đề xuất cơ quan quản lý cấp trên xem xét quyết định cho phù hợp.
- Đối với doanh nghiệp, căn cứ vào quy mô tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp có thể thành lập Phòng, Ban pháp chế và bố trí cán bộ quản lý, cán bộ pháp chế chuyên trách, hoặc phân công, bổ sung nhiệm vụ cho một Phòng chuyên môn thuộc doanh nghiệp và bố trí ít nhất một cán bộ pháp chế chuyên trách, hoặc thuê cố vấn pháp lý.
- Đối với huyện thị xã, UBND cấp huyện có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức và hoạt động công tác pháp chế ở các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn.
3. Tăng cường quản lý, chỉ đạo để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động công tác pháp chế, phát huy vị trí, vai trò của tổ chức pháp chế, nhằm giúp Thủ trưởng Sở ngành thực hiện quản lý nhà nước bằng pháp luật, làm tốt công tác xây dựng, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành và kiểm tra việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật; giúp lãnh đạo doanh nghiệp những vấn đề pháp lý và vấn đề khác liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
4. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ pháp chế để đảm bảo tiêu chuẩn chức danh quy định, có kế hoạch đào tạo nâng cao trình độ cho công chức pháp chế đạt trình độ cử nhân luật hoặc cử nhân chuyên ngành, được bồi dưỡng kiến thức pháp lý, tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật mới và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ.
5. Bảo đảm kinh phí, phương tiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức và cán bộ pháp chế của cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Giao Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính xem xét hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi về biên chế, nhân sự và kinh phí hoạt động để các Sở, ngành và địa phương tiến hành củng cố kiện toàn các tổ chức pháp chế.
Giao Giám đốc Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh theo dõi chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện ở các Sở ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức sơ kết, tổng kết và tổng hợp báo cáo theo quy định.
Yêu cầu Thủ trưởng Sở ngành, UBND huyện, thị xã và Lãnh đạo doanh nghiệp trong tỉnh nghiêm túc thực hiện nội dung Chỉ thị này, kịp thời báo cáo kết quả cho UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp để tổng hợp)./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |