Thông tư 07/2005/TT-BTP hướng dẫn thi hành Nghị định 122/2004/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước do Bộ Tư pháp ban hành

Số hiệu 07/2005/TT-BTP
Ngày ban hành 31/08/2005
Ngày có hiệu lực 02/10/2005
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tư pháp
Người ký Uông Chu Lưu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TƯ PHÁP
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/2005/TT-BTP

Hà Nội, ngày 31 tháng 08 năm 2005 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 122/2004/NĐ-CP NGÀY 18 THÁNG 5 NĂM 2004 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC PHÁP CHẾ Ở CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG VÀ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Căn cứ Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước (dưới đây gọi là Nghị định số 122/2004/NĐ-CP);
Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP về nghiệp vụ của các tổ chức pháp chế như sau:

Phần 1:

NGHIỆP VỤ CỦA TỔ CHỨC PHÁP CHẾ CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ, CƠ QUAN CHUYÊN MỘ THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

I. CÔNG TÁC XÂY DỰNG PHÁP LUẬT

1. Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ

1.1. Lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật:

a) Theo kế hoạch hàng năm hoặc theo nhiệm kỳ của Quốc hội, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm đề nghị bằng văn bản với các đơn vị trong cơ quan để các đơn vị kiến nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi pháp luật nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

b) Văn bản kiến nghị phải nêu rõ sự cần thiết ban hành; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; những quan điểm, nội dung chính của văn bản; dự báo tác động kinh tế - xã hội; dự kiến điều kiện bảo đảm thi hành; dự kiến thời gian, tiến độ trình văn bản; kế hoạch và các điều kiện cần thiết khác bảo đảm cho việc soạn thảo;

c) Các đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm gửi văn bản kiến nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ chậm nhất là ngày 30 tháng 6 hàng năm đối với chương trình xây dựng pháp luật hàng năm; trước ngày 30 tháng 6 năm kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội đối với chương trình xây dựng pháp luật theo nhiệm kỳ của Quốc hội;

d) Tổ chức pháp chế tổng hợp và đánh giá kiến nghị của các đơn vị, trên cơ sở đó xây dựng dự kiến chương trình xây dựng pháp luật của cơ quan hàng năm hoặc theo nhiệm kỳ của Quốc hội; thảo luận với các đơn vị trong cơ quan Bộ để hoàn thiện dự kiến chương trình xây dựng pháp luật trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

đ) Khi chương trình xây dựng pháp luật được thông qua, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ đề xuất với lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ kế hoạch triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện kế hoạch;

e) Định kỳ hàng tháng, hàng quý, sáu tháng, hàng năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức pháp chế báo cáo lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ về tình hình thực hiện kế hoạch xây dựng pháp luật, nhưng khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn và kịp thời kiến nghị với lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ về việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật.

1.2. Chủ trì hoặc tham gia soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật:

a) Đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được giao chủ trì soạn thảo, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện, đề nghị thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập;

b) Đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các đơn vị khác trong cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm phối hợp thực hiện và phân công cán bộ trực tiếp tham gia.

1.3. Thẩm định hoặc tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với các dự thảo văn bản do đơn vị khác trong cơ quan chủ trì soạn thảo:

a) Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm thẩm định hoặc tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với dự thảo văn bản do các đơn vị khác chủ trì soạn thảo trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;

b) Các đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm cung cấp dự thảo văn bản, dự thảo Tờ trình, ý kiến góp ý của các đơn vị khác, các Bộ, ngành, địa phương (nếu có) và tài liệu tham khảo (nếu có);

c) Việc thẩm định hoặc tham gia ý kiến về mặt pháp đối với dự thảo văn bản phải tập trung vào các vấn đề sau đây:

- Sự cần thiết ban hành văn bản;

- Sự phù hợp của nội dung văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật;

- Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản;

- Bố cục của văn bản;

- Tính khả thi của văn bản;

- Việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo;

- Kỹ thuật lập pháp.

[...]