Chỉ thị 984/PLHS-HC năm 1994 thực hiện Nghị quyết 38/CP về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức do Bộ Tư pháp ban hành
Số hiệu | 984/PLHS-HC |
Ngày ban hành | 08/06/1994 |
Ngày có hiệu lực | 08/06/1994 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Bộ Tư pháp |
Người ký | Nguyễn Đình Lộc |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 984/PLHS-HC |
Hà Nội, ngày 8 tháng 6 năm 1994 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 38/CP VỀ CẢI CÁCH MỘT BƯỚC THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT CÔNG VIỆC CỦA CÔNG DÂN VÀ TỔ CHỨC
Ngày 4 tháng 5 năm 1994 Chính phủ ra Nghị quyết số 38/CP về Cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc công dân và tổ chức. Đây là một công việc quan trọng và bức thiết nhằm từng bước thực hiện Cải cách hành chính của Nhà nước ta, bảo đảm hiệu lực quản lý Nhà nước, chống tệ quan liêu, sách nhiễu, phiền hà, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nghị quyết đã giao trách nhiệm cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức soát xét lại toàn bộ các quy định hiện hành về thủ tục hành chính, về phí và lệ phí thuộc lĩnh vực mình phụ trách, kể cả những quy định do cấp dưới ban hành nhằm bãi bỏ ngay những quy định không đúng thẩm quyền và bổ sung, sửa đổi những thủ tục không phù hợp với thực tế, đã và đang trở ngại cho hoạt động của các cơ quan, đơn vị khác và gây phiền hà cho nhân dân.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ yêu cầu các đồng chí lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ và Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện những việc sau đây:
1. Các Vụ, Cục chức năng của Bộ phổ biến, thảo luận để quán triệt mục đích, yêu cầu và nội dung của Nghị quyết, tiến hành ngay trong quý II một đợt soát xét các văn bản pháp luật về thủ tục hành chính, về phí và lệ phí thuộc lĩnh vực đơn vị mình phụ trách, báo cáo lãnh đạo Bộ để Bộ kịp thời bãi bỏ, bổ sung, sửa đổi hoặc Bộ kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý; cụ thể là:
- Vụ pháp luật hình sự - hành chính soát xét các quy định của pháp luật về thủ tục bắt người, khám nhà, tạm giam, thủ tục xử phạt hành chính;
- Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế soát xét các quy định về thủ tục cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp tư nhân và công ty, thủ tục cấp phép kinh doanh đối với người kinh doanh có vốn thấp hơn vốn pháp định;
- Vụ quản lý Công Chứng, giám định tư pháp, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp soát xét các quy định về thủ tục và lệ phí công chứng, giám định, hộ tịch;
- Vụ Hợp tác quốc tế soát xét các quy định về thủ tục cho người nước ngoài nhận con nuôi là trẻ mồ côi bị bỏ rơi, bị tàn tật; các vấn đề kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
- Vụ quản lý Tòa án nhân dân địa phương soát xét các quy định về thủ tục tuyển chọn để bổ nhiệm Thẩm phán, án phí, lệ phí Tòa án;
- Cục Quản lý thi hành án dân sự soát xét các quy định về thủ tục và lệ phí thi hành án dân sự;
- Vụ kế hoạch - Tài chính soát xét các quy định về thủ tục cấp phát kinh phí;
- Trường Đại học Luật Hà Nội, Phân hiệu Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh soát xét các thủ tục tuyển sinh, các quy chế về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ và học sinh, các quy chế thi cử.
2. Các Sở Tư pháp:
a) Giúp Ủy ban nhân dân kiểm tra và chỉ đạo triển khai ở địa phương công tác soát xét các quy định của địa phương về thủ tục hành chính, về phí và lệ phí, cụ thể là:
- Tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết sâu rộng trong các cơ quan, tổ chức và nhân dân địa phương;
- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Ủy ban nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân soát xét các quy định của địa phương về thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân, báo cáo Ủy ban nhân dân kịp thời sửa đổi hoặc bãi bỏ những thủ tục hành chính đã ban hành không đúng thẩm quyền hoặc không còn phù hợp với thực tế đã và đang gây nhiều phiền hà cho nhân dân trong việc tiếp nhận và giải quyết các công việc của dân. Nếu những thủ tục cần sửa đổi, bãi bỏ do cấp trên ban hành thì báo cáo để Ủy ban nhân dân kiến nghị cấp có thẩm quyền để sửa đổi hoặc bãi bỏ. Những thủ tục đã được Ủy ban nhân dân ủy nhiệm cho cấp dưới ban hành cũng phải được soát xét và báo cáo Ủy ban nhân dân để hợp tức thành văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Những thủ tục còn phù hợp, nhưng quy định phân tán ở nhiều văn bản thì cần quy định thống nhất lại trong một văn bản để dễ hiểu, bảo đảm thi hành thống nhất;
- Phối hợp với cơ quan tài chính địa phương soát xét từng loại phí, lệ phí đang áp dụng ở địa phương, đề xuất với Ủy ban nhân dân việc bãi bỏ thu phí, lệ phí trái với Quyết định 276/CT ngày 28 tháng 7 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ Tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí, lệ phí. Theo quyết định nói trên thì ngoài quy định của luật, pháp lệnh kể từ ngày 28 tháng 7 năm 1992 việc đặt ra các loại phí, lệ phí chỉ do Chính phủ quyết định.
b) Không được tự đặt ra các thủ tục giải quyết công việc của công dân ngoài các quy định của Chính phủ, Bộ và Ủy ban nhân dân. Tại điểm tiếp nhận và giải quyết công việc của công dân phải niêm yết công khai các quy định về thủ tục giải quyết việc. Nếu có lệ phí quy định thì cũng phải niêm yết công khai.
c) Cùng với việc giúp Ủy ban nhân dân soát xét các quy định về thủ tục hành chính về phí và lệ phí, các Sở Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức, chỉ đạo công tác xây dựng, rà soát văn bản pháp luật, cụ thể là:
- Phối hợp chặt chẽ với các Ban của Hội đồng nhân dân, các cơ quan chức năng của Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, thường xuyên đánh giá tình hình xây dựng, ban hành rà soát văn bản pháp luật tại địa phương; đề xuất với Ủy ban nhân dân các biện pháp cần thiết để kịp thời chấn chỉnh tình hình ban hành văn bản pháp luật;
- Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng, rà soát văn bản cho các Phòng tư pháp, chuyên viên pháp chế của các cơ quan chức năng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nắm tình hình và kịp thời phản ánh về Bộ tình hình xây dựng, ban hành, rà soát văn bản pháp luật ở địa phương;
- Tổng hợp tình hình xây dựng, ban hành, rà soát văn bản pháp luật ở địa phương, chuẩn bị kiến nghị, để xuất biện pháp đẩy mạnh công tác rà soát văn bản pháp luật để tham gia có hiệu quả vào Hội nghị tập huấn về rà soát văn bản pháp luật do Bộ tổ chức vào cuối tháng 6 năm 1994.
3. Sau khi soát xét, các đơn vị phải làm báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết 38/CP và chỉ thị này gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp trước ngày 15 tháng 9 năm 1994 để Bộ tập hợp làm báo cáo Thủ Tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 9 năm 1994 các đơn vị gửi Bộ trưởng báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết trong năm 1994 và dự kiến công việc phải làm trong năm 1995. Báo cáo này ngoài việc nêu kết quả soát xét và xử lý các thủ tục hành chính còn phải đưa ra kiến nghị về chấn chỉnh tổ chức, phong cách làm việc của công chức khi thi hành công vụ. Thực hiện cải cách hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức, công tác rà soát văn bản pháp luật nói chung là một công việc rất phức tạp đòi hỏi không những phải có kiến thức chuyên môn cần thiết mà cả những hiểu biết đầy đủ về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đòi hỏi phải có tinh thần trách nhiệm cao, sự phối hợp chặt chẽ, ý thức biến huy động, phát huy trí tuệ tập thể và sự hợp tác một cách ăn ý trong mỗi đơn vị và các đơn vị bạn, các ngành hữu quan, nhất là sự hợp tác chặt chẽ giữa các Sở Tư pháp và các Cục, Vụ chuyên môn của Bộ.
Đề nghị các đồng chí lãnh đạo các Cục, Vụ các Sở Tư pháp khẩn trương triển khai đồng bộ và sớm có báo cáo về Bộ. /.
|
BỘ TƯ PHÁP |