Chỉ thị 83-TTg năm 1961 về việc đẩy mạnh việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm và một số chế độ tiền thưởng do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Số hiệu 83-TTg
Ngày ban hành 06/03/1961
Ngày có hiệu lực 21/03/1961
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Phủ Thủ tướng
Người ký Lê Thanh Nghị
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 83-TTg

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 1961 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH VIỆC THI HÀNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ TIỀN THƯỞNG

Từ đầu năm 1960, các ngành thuộc khu vực sản xuất vật chất đều có chủ trương đẩy mạnh việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm. Theo dự định của các Bộ thì Bộ Công nghiệp nặng và Bộ Công nghiệp nhẹ sẽ mở rộng diện của chế độ lương theo sản phẩm đến 45%, Bộ Kiến trúc 60%, Bộ Nông lâm 50%, Bộ Giao thông và Bưu điện 50% tổng số công nhân.

Đến nay Tổng cục Lâm nghiệp đã thi hành chế độ lương theo sản phẩm được 67%. Bộ Kiến trúc đạt xấp xỉ mức dự định, ở các Bộ khác, diện thi hành chế độ lương theo sản phẩm còn hẹp. Nói riêng một số công trường, xí nghiệp, nhờ cán bộ có nhiều cố gắng nên diện thi hành chế độ lương theo sản phẩm đã đạt tới một tỷ lệ cao hơn: nhà máy xi măng Hải Phòng đạt 41%, diêm Thống Nhất 41%, cơ khí Hà Nội 37%.

Đặc biệt là công trường học viện Thuỷ lợi đạt đến 93% tổng số người lao động và 98% tổng số công nhân cố định. Công trường này nhờ thi hành chế độ lương theo sản phẩm rộng rãi và phương pháp làm tương đối tốt, nên công nhân hào hứng, năng suất tăng lên nhiều: xây tường tiêu chuẩn định 1m220, thực hiện 3m2; trát tường tiêu chuẩn định 18m2, thực hiện 40m2; làm cốp pha vượt mức tiêu chuẩn từ 50 đến 80%. Trong số 271 tiêu chuẩn năng suất lao động về xây dựng cơ bản do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành, công trường này đã áp dụng 102 tiêu chuẩn (trong đó có 97 tiêu chuẩn đã đạt hoặc vượt mức), số tiêu chuẩn còn lại vì đã quá thấp so với mức năng suất của công trường nên coi như không phải áp dụng.

Nhờ thi hành chế độ lương theo sản phẩm, năng suất của nhà máy diêm Thống Nhất cũng tăng nhiều: trước kia mức bỏ bao diêm là 1.500 bao, cao nhất là 2.500 bao, nay đã đạt tới 2.700 bao, nhà máy cơ khí Hà Nội, sau khi thực hiện lương theo sản phẩm, năng suất bình quân  tăng từ 10 đến 12%, tổ gang vượt tiêu chuẩn đến 48%. Do đó thu nhập của công nhân cũng tăng nhiều: có công nhân nguội 1 tháng tăng 30%, công nhân tiện tăng 22đ58, công nhân sơn tăng gần 19đ, công nhân gang tăng 14đ75, người tăng ít nhất 2đ04.

Ngoài ra ở nhà máy cơ khí Hà Nội, nhờ có thực hiện chế độ lương theo sản phẩm, nên ý thức lao động, kỷ luật lao động đã được nâng cao hơn trước, không còn tình trạng đi muộn về sớm; việc ứ đọng của từng bộ phận cũng được giảm nhiều; giữa các bộ phận trong dây chuyền sản xuất có sự đấu tranh với nhau đòi hỏi phải sản xuất tốt như chống đúc thừa, rèn cong; hàng hỏng cũng được giảm bớt, v.v…

Song song với việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm, nhiều xí nghiệp, công trường cũng đã thực hiện có kết quả các chế độ tiền thưởng như thưởng tăng năng suất, thưởng chất lượng, thưởng tiết kiệm, v.v…

Tóm lại, trong các xí nghiệp, công trường nào đẩy mạnh việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng, đều đem lại kết quả tốt: công nhân, cán bộ đều phấn khởi, năng suất tăng nhanh, vừa tăng thêm tích luỹ cho Nhà nước, vừa góp phần cải thiện đời sống công nhân.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khá nhiều xí nghiệp mặc dầu đã có đủ điều kiện, nhưng vẫn chưa thi hành hoặc thi hành rất hẹp chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng. Ở một số xí nghiệp, mức tiêu chuẩn năng suất đã quá lạc hậu, nhưng vẫn chưa điều chỉnh, có nơi đặt tiêu chuẩn năng suất không kèm theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, thậm chí có nơi còn giữ mức khoán cũ của bọn cai thầu trước kia, mặc dầu từ sau khi giải phóng ta đã trang bị thêm nhiều thiết bị, máy móc mới và tổ chức lao động cũng đã được chấn chỉnh hơn nhiều, năng suất của công nhân đã vượt lên cao gấp mấy lần trước kia. Cho nên ở những nơi này chế độ lương theo sản phẩm đã không nêu được tác dụng là đòn xeo thúc đẩy sản xuất, mà ngược lại còn gây ra những khó khăn trong việc lãnh đạo sản xuất.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do cán bộ lãnh đạo chưa quán triệt tinh thần nghị quyết lần thứ 13 của trung ương đã nêu: “Cần rút kinh nghiệm và có kế hoạch dần dần mở rộng chế độ lương theo sản phẩm đối với những xí nghiệp công trường đã có đủ điều kiện cần thiết thì cho thi hành rộng rãi chế độ lương theo sản phẩm; đối với những nơi chưa đủ điều kiện thì phải chuẩn bị chu đáo mới thực hiện chế độ lương theo sản phẩm; những nơi đã thi hành mà có những lệch lạc thì phải sửa chữa và điều chỉnh cho hợp lý”.

Nhiều cán bộ còn chưa đánh giá đúng mức tầm quan trọng của chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng, chưa chú ý kết hợp việc vận dụng nguyên tắc lợi ích vật chất với tinh thần giác ngộ xã hội chủ nghĩa của giai cấp công nhân, để vừa đẩy mạnh sản xuất vừa cải thiện đời sống công nhân. Một số cán bộ lãnh đạo xí nghiệp còn cho rằng chế độ lương theo sản phẩm quá phức tạp, không phù hợp với tính chất sản xuất của xí nghiệp mình nên cứ rụt rè, ngần ngại; trong khi đó, đã có nhiều xí nghiệp, công trường cũng cùng tính chất, nhưng đã thực hiện được chế độ lương theo sản phẩm và chế độ tiền thưởng khá rộng rãi.

Việc thi hành chưa đầy đủ chế độ tiền lương theo sản phẩm còn do mấy nguyên nhân khác nữa, như bộ phận lao động tiền lương ở các cấp, nhất là cơ sở còn yếu, trong đó cán bộ chuyên trách về thực hiện chế độ lương khoán, cán bộ định mức năng suất lao động càng yếu hơn, một số nơi lại chưa có các loại cán bộ chuyên trách này. Các bộ môn khác như thống kê, kế hoạch, kỹ thuật, cung ứng cũng chưa cố gắng vượt mọi khó khăn, tạo điều kiện tốt cho chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng được dễ dàng thực hiện.

Có nơi cán bộ rất lúng túng không biết định mức năng suất như thế nào để thực hiện lương theo sản phẩm. Định mức ấy quan hệ với các chỉ tiêu khác ra sao, như chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, mức thi đua tiên tiến và những tiêu chuẩn năng suất lao động về xây dựng cơ bản do Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ban hành. Khi năng suất công nhân đã được nâng cao, thì có thể điều chỉnh định mức năng suất của chế độ lương khoán cao hơn chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước không, vv...

Trong năm nay, việc thực hiện kế hoạch Nhà nước phải thể hiện đầy đủ tinh thần tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ 3 đã đề ra. Các ngành phải vận dụng mọi khả năng sẵn có, phải tăng cường giáo dục tư tưởng công nhân, đồng thời phải hết sức chú trọng vận dụng nguyên tắc lợi ích vật chất để đẩy mạnh sản xuất, làm cho kế hoạch Nhà nước năm nay được thực hiện toàn diện và vượt mức trước thời hạn. Theo tinh thần đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc thi hành chế độ tiền lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng. Để đẩy mạnh chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cho các Bộ, các ngành nghiên cứu thi hành mấy điểm sau đây:

1. Các Bộ, các ngành và địa phương cần giáo dục cho cán bộ phụ trách các xí nghiệp công trường nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng. Phải làm cho mọi người thấy rõ tác dụng qua lại giữa công tác giáo dục chính trị và tư tưởng với việc vận dụng đầy đủ nguyên tắc lợi ích vật chất: chú trọng giáo dục chính trị và tư tưởng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho công nhân là đúng và vô cùng cần thiết đối với việc nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất, nhưng muốn cho việc giáo dục ấy có kết quả đầy đủ và lâu dài, thì kèm theo đó, phải chú ý giải quyết thích đáng vấn đề bồi dưỡng vật chất cho người lao động.

Trong giai đoạn xã hội chủ nghĩa hình thức phân phối hợp lý nhất là chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng, như thưởng tăng năng suất, thưởng tiết kiệm, thưởng chất lượng, vv... Các chế độ tiền lương và tiền thưởng đó thể hiện nguyên tắc phân phối theo lao động; khi công nhân được đãi ngộ vật chất thích đáng đối với sự cống hiến của mình, đời sống công nhân được cải thiện thêm, thì càng có cơ sở thuận lợi cho việc nâng cao giác ngộ chính trị và tư tưởng xã hội chủ nghĩa.

Hiện nay nước ta đã chuyển sang kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá với một nhịp độ càng cao thì càng phải đẩy mạnh việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng. Các Bộ, các ngành và các địa phương cần tiến hành kiểm điểm việc thi hành chế độ lương theo sản phẩm và các chế độ tiền thưởng. Qua việc kiểm điểm ấy, rút ra những thiếu sót và nguyên nhân của nó, để tích cực tìm biện pháp khắc phục và đẩy mạnh việc thi hành.

2. Về nhận thức các loại chỉ tiêu, định mức, cần thống nhất quan niệm như dưới đây để giải quyết các khó khăn mắc mứu trong khi thi hành:

Định mức năng suất của chế độ lương theo sản phẩm là định mức trung bình tiên tiến, nó cao hơn mức năng suất sản xuất trung bình hàng ngày, hàng tháng của công nhân; cao hơn bao nhiêu, là do tình hình cụ thể của từng nơi, từng lúc. Nhưng mục tiêu phấn đấu của nó là phải làm sao cho định mức năng suất trung bình hàng năm của chế độ lương theo sản phẩm phải đạt và vượt được chỉ tiêu kế hoạch về năng suất lao động của xí nghiệp đã giao cho công nhân.

Định mức năng suất của chế độ lương theo sản phẩm, tuy phải dựa vào chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng cũng khác với chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật vì chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật là mục tiêu phấn đấu toàn diện về sử dụng sức lao động, về sử dụng công suất máy móc, sử dụng nguyên, vật liệu, về chất lượng, quy cách sản phẩm của xí nghiệp công trường trong cả năm; đồng thời nó cũng là cơ sở của kế hoạch năm sau. Còn định mức của chế độ lương theo sản phẩm thì chỉ quy định về năng suất lao động và tiêu chuẩn chất lượng, nó có thể thay đổi, điều chỉnh theo từng định kỳ.

Do tính chất quan hệ với nhau, nhưng vẫn khác nhau của các loại tiêu chuẩn như trên, nên đầu năm, trong lúc năng suất trung bình của công nhân còn thấp hơn chỉ tiêu năng suất lao động của kế hoạch, cán bộ lãnh đạo xí nghiệp phải tìm mọi biện pháp kinh tế và kỹ thuật, để có thể định mức năng suất của chế độ lương theo sản phẩm bằng hoặc thấp hơn một chút so với mức trung bình của chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Nhưng ngay sau đó, cán bộ lãnh đạo xí nghiệp phải tìm mọi biện pháp để nâng cao năng suất của công nhân lên, làm cho các kỳ điều chỉnh định mức năng suất sau có thể định cao hơn chỉ tiêu năng suất lao động của kế hoạch Nhà nước.

3. Trong việc điều chỉnh các định mức năng suất lao động và định lại đơn giá, các Bộ, các ngành cần thi hành đúng Thông tư số 4/LĐ ngày 11-2-1959 của Bộ Lao động.

Điều chỉnh định mức năng suất lao động, là yêu cầu khách quan của sản xuất; vì khi năng suất đã được nâng cao, mà định mức năng suất vẫn không được điều chỉnh, khiến cho người công nhân không cần cố gắng nhiều mà vẫn cứ vượt định mức năng suất một cách dễ dàng, thì sẽ làm giảm nhiệt tính đẩy mạnh sản xuất của công nhân. Mặt khác, nếu để cho một số công nhân nào đó tăng thu nhập một cách không hợp lý, sẽ gây tình trạng không lợi trong nội bộ công nhân, hoặc còn có thể xảy ra tình trạng không tốt trong việc ổn định tổ chức lao động và điều phối công nhân; đồng thời Nhà nước cũng sẽ bị giảm một phần tích luỹ, làm cho việc tái sản xuất mở rộng bị hạn chế.

Do đó các Bộ, các ngành phải thường xuyên giáo dục cho cán bộ công nhân đều thông suốt vấn đề này, làm cho mọi người đều nhận thức rõ bản chất của chế độ lương theo sản phẩm trong chế độ xã hội chủ nghĩa là nhằm đẩy mạnh việc tăng năng suất lao động và phát triển sản xuất, cải thiện đời sống công nhân và tích luỹ cho Nhà nước; việc tăng tích luỹ cho Nhà nước cuối cùng cũng chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của công nhân và nhân dân lao động.

4. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước cần điều chỉnh những định mức năng suất lao động về xây dựng cơ bản trong Thông tư 1073/UBKHNN vì hiện nay có nhiều định mức đã thấp hơn mức năng suất thực tế của nhiều công trường. Việc điều chỉnh các định mức này phải dựa vào việc phát động quần chúng xây dựng các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật ở các công trường xây dựng.

5. Hiện nay ở các xí nghiệp, công trường đều đã hoàn thành hoặc đang tiến hành xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật. Đó là một điều kiện thuận lợi để xét lại các định mức năng suất của chế độ lương theo sản phẩm, đồng thời cũng là một dịp tốt để đẩy mạnh việc thực hiện chế độ lương này.

Cán bộ phụ trách lương theo sản phẩm ở các xí nghiệp công trường cần thực tế tham gia vào công tác xây dựng chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nhất là vào việc xây dựng các chỉ tiêu về năng suất lao động, để dựa vào đó mà xây dựng, hoặc điều chỉnh lại các định mức năng suất lao động của chế độ lương theo sản phẩm cho thích hợp với điều kiện mới. Khi đẩy mạnh được việc thực hiện chế độ lương theo sản phẩm thì các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật càng có cơ sở chắc chắn để áp dụng tốt và dần dần nâng cao.

[...]
1
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ