Thông tư 19-TT năm 1959 hướng dẫn chế độ trả lương theo sản phẩm trên các Chi nhánh Quốc doanh lâm khẩn do Bộ Nông Lâm ban hành

Số hiệu 19-TT
Ngày ban hành 29/05/1959
Ngày có hiệu lực 13/06/1959
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông lâm
Người ký Lê Duy Trinh
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 19-TT

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 1959 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM TRÊN CÁC CHI NHÁNH QUỐC DOANH LÂM KHẨN

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

- Ủy ban Hành chính các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Bắc Giang. Ông Giám đốc Cục Lâm nghiệp.
- Các ông Quản đốc Chi nhánh Quốc doanh lâm khẩn.
- Ông Bộ trưởng Bộ Lao động
- Tổng liên đoàn lao động Việt Nam

 

Căn cứ Thông tư 04-LĐ/TL ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động tạm thời ấn định nguyên tắc, nội dung và hướng dẫn thực hiện chế độ lương sản phẩm,
Căn cứ tình hình đặc điểm sản xuất của các Chi nhánh Lâm khẩn,
Bộ ban thành Thông tư hướng dẫn thực hiện lương sản phẩm như sau:

I. YÊU CẦU, MỤC ĐÍCH

Thông tư số 04-LĐTL ngày 11-02-1959 của Bộ Lao động đã nói rõ yêu cầu, mục đích của việc thực hiện lương theo sản phẩm. Căn cứ tình hình sản xuất của ngành lâm khẩn, việc thực hiện chế độ lương theo sản phẩm nhằm đạt mấy yêu cầu sau đây:

1. Cải tiến chế độ trả lương để quán triệt đầy đủ nguyên tắc cơ bản của tiền lương xã hội chủ nghĩa là “hưởng thụ theo lao động” để kích thích mọi người ra sức thi đua trau dồi nghề nghiệp, cải tiến hợp lý hóa tổ chức, không ngừng nâng cao năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất hạ giá thành sản phẩm.

2. Trên cơ sở năng suất được nâng cao mà tăng thêm thu nhập tiền lương, cải thiện dần đời sống cho công nhân, cổ vũ mọi người thi đua “làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ, và an toàn” nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước nước 1959 và 3 năm.

3. Nâng cao hơn nữa trình độ tổ chức quản lý sản xuất của công nhân và cán bộ, tăng cường tinh thần chủ nhân, động viên cán bộ công nhân tham gia xây dựng kế hoạch và tổ chức quản lý sản xuất được hợp lý. Khắc phục tác phong quan liêu đại khái trong cán bộ.

II. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP THỰC HIỆN TRẢ LƯƠNG THEO SẢN PHẨM

Về điều kiện thực hiện lương theo sản phẩm, Thông tư Bộ Lao động đã nói rõ, khi chuẩn bị thực hiện cần nghiên cứu kỹ. Về nội dung và phương pháp thực hiện phải tùy theo tình hình đặc điểm sản xuất mà áp dụng cho thích hợp. Do đó ngành lâm khẩn khi tiến hành lương theo sản phẩm cần chú ý những đặc điểm sau đây:

- Yêu cầu sản xuất và khai thác gỗ từ trong rừng ra đến bến tiêu thụ, sản xuất phải qua nhiều giai đoạn, tổ chức có nhiều bộ phận như: chặt hạ, lao kéo, vận chuyển, v.v… nhưng đều có liên quan chặt chẽ trong một giây chuyền sản xuất.

- Phương tiện sản xuất nơi thủ công, nơi bán cơ khí: trâu, voi, máy kéo, ô-tô, mỗi nơi cũng trang bị khác nhau. Điều kiện rừng gỗ, phạm vi khai thác, cự ly vận xuất cũng khác nhau trong một cơ sở.

- Tổ chức lao động có nơi tổ chức hỗn hợp vừa thủ công vừa cơ khí, nhiều bộ phận khác nhau trong một đội, có nơi tổ chức riêng, v.v… Trình độ nghề nghiệp của công nhân cũng khác nhau, nhưng cùng làm chung một bộ phận sản xuất ra một sản phẩm như nhau.

1. Định mức:

Ý nghĩa quan trọng và nguyên tắc định mức để trả lương theo sản phẩm trong Thông tư số 04/LĐTC ngày 11-02-1959 Bộ Lao động đã nói rõ, Thông tư này Bộ chỉ hướng dẫn cách định mức như thế nào chi thích hợp với đặc điểm sản xuất của ngành lâm khẩn:

Phương pháp định mức trung bình tiên tiến:

Định mức để trả lương theo sản phẩm phải là mức trung bình tiên tiến, Nghĩa là tìm mức trung bình của đa số người đạt được rồi nâng lên mức tiên tiến. Làm thế nào để tìm được mức trung bình tiên tiến? Phương pháp tìm mức có căn cứ kỹ thuật thì tùy theo tình hình cụ thể của mỗi nơi mà áp dụng phương pháp đã hướng dẫn tại Thông tư số 24-LĐTT ngày 30-11-1957 của Bộ Lao động. Ngành Lâm khẩn đại bộ phận sản xuất thủ công, chịu nhiều ảnh hưởng điều kiện thiên nhiên, nên cách định mức có thể áp dụng nhiều cách. Nhưng hiện nay các Chi nhánh thí điểm phần nhiều áp dụng phương pháp thống kê kinh nghiệm, tức là căn cứ vào số liệu thống kê mức sản xuất của quý trước, phân tích tổ chức lao động, phương pháp làm việc trước, điểm nào chưa hợp lý, phương tiện dụng cụ sản xuất tốt xấu, thiếu đủ, cơ giới hay thủ công, tình hình rừng gỗ nhiều hay ít, loại gỗ gì nhiều, khai thác trên cao hay dưới thấp, đường lao kéo, vận xuất xa gần, khó đi hay dễ đi, tình hình thời tiết lúc bấy giờ thế nào mà nhận định mức sản xuất cũ đã tiến bộ chưa. Khả năng có thể cải tiến được những điểm bất hợp lý, cộng với tình hình thuận lợi hiện nay (thời tiết, rừng, gỗ, công cụ sản xuất, tinh thần thi đua của công nhân) thì mức có thể nâng lên bao nhiêu thì vừa, mức đó có thể qua cố gắng liên tục của đa số công nhân thì đạt và vượt được mức.

Định mức do quản đốc chi nhánh và cán bộ kỹ thuật nghiên cứu làm dự kiến và đưa ra công nhân tham gia ý kiến, đem áp dụng thử trong thời gian ngắn, chỉnh lý lại các mức chưa sát rồi mới quyết định công bố chính thức. Tránh dùng phương pháp dân chủ bình nghị để định mức. Công đoàn, Thanh niên lao động có trách nhiệm động viên công nhân tham gia ý kiến rộng rãi để xây dựng mức cho tốt.

Định mức phải đi đôi với việc phổ biến kinh nghiệm tiền tiến. Khi đã có mức mới, cán bộ có trách nhiệm tạo điều kiện, bố trí đầy đủ phương tiện và phải giúp đỡ công nhân đạt và vượt mức.

2. Thay đổi mức và xét duyệt mức:

Do đặc điểm sản xuất của ngành lâm khẩn còn lệ thuộc khá nhiều vào điều kiện thiên nhiên, nên mức sản xuất không bình thường mà mức sản xuất phải định cho phù hợp với khả năng điều kiện làm việc của mỗi nơi mỗi lúc. Do đó trong một Chi nhánh có thể có nhiều mức trung bình tiền tiến khác nhau, có khi định mức mới thấp hơn mức cũ mà vẫn không mất tính chất tiền tiến của mức.

Mỗi Chi nhánh sẽ căn cứ vào khả năng và yêu cầu sản xuất và điều kiện khai thác của Chi nhánh mà định mức trung bình tiền tiến chung cho toàn Chi nhánh trong một thời gian từ 3 đến 6 tháng. Trong thời gian đó nếu địa điểm khai thác thay đổi, thì Chi nhánh căn cứ vào mức trung bình chung mà xét tình hình cụ thể của địa điểm mới mà định mức trung bình tiền tiến riêng cho thích hợp với khả năng của đội đó trong một thời gian nhất định. Thời gian sản xuất của mỗi đội không nhất thiết giống nhau mà tùy theo khả năng rừng từng lô, cúp mà định cho thích hợp.

Nhưng tránh thay đổi mức nửa chừng, mặc dù trong một lô, cúp điều kiện sản xuất khác nhau về cự ly lao kéo, về loại đường, loại gỗ. Chỗ gần bù xa, dễ bù khó trong một lô cúp để đảm bảo mức trung bình tiền tiến một thời gian từ 3 đến 6 tháng sẽ xét lại mức. Nhưng không nhất thiết khi xét lại là thay đổi tất cả các mức. Nếu sau khi xé tlại mức thấy có những mức cũ còn có tính chất tiền tiến chưa có nhân tố gì làm ảnh hưởng đến mức cũ thì vẫn tiếp tục duy trì mức cũ.

Trong trường hợp dưới đây thì, mặc dù chưa đến kỳ hạn xét lại mức cũng có thể sửa đổi mức:

a) Điều kiện làm việc thay đổi (có thuận tiện hoặc khó khăn hơn trước).

[...]