Chỉ thị 8084/CT-BNN-TT năm 2022 về phát triển bền vững sản xuất cây sầu riêng, chanh leo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 8084/CT-BNN-TT
Ngày ban hành 30/11/2022
Ngày có hiệu lực 30/11/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 8084/CT-BNN-TT

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2022

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG SẢN XUẤT CÂY SẦU RIÊNG, CHANH LEO

Trong những năm gần đây sản xuất sầu riêng, chanh leo nước ta tăng trưởng nhanh cả về diện tích, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu. Một số địa phương trọng điểm sản xuất sầu riêng, chanh leo đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với hệ thống sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tạo việc làm và nâng cao thu nhập, làm giàu cho nông dân; đóng góp tích cực vào tăng trưởng, nâng cao vị thế, thị phần ngành hàng rau quả nói chung và sầu riêng, chanh leo Việt Nam nói riêng trên thị trường thế giới.

Từ tháng 7 năm 2022 quả sầu riêng, chanh leo Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, đây là cơ hội lớn cho sản xuất.

Bên cạnh những cơ hội, thành tựu đạt được, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo nước ta cũng đang đứng trước nhiều tồn tại, rủi ro và thách thức như:

- Nhiều địa phương phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…;

- Công tác quản lý chất lượng cây giống, đặc biệt là việc quản lý một số bệnh virus trên cây giống cây chanh leo cần tiếp tục được cải thiện; nhiều hộ nông dân, vùng sản xuất còn thực hiện quy trình canh tác chưa bền vững;

- Tác động của biến đổi khí hậu, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (xâm nhập mặn), Tây Nguyên (hạn hán) đang là thách thức với sản xuất trồng trọt nói chung và sản xuất sầu riêng, chanh leo nói riêng;

- Quy mô sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến; tổ chức sản xuất, doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu, tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ còn hạn chế;

- Diện tích được cấp mã số vùng trồng, số lượng cơ sở đóng gói được cấp mã số đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc còn rất nhỏ so với tổng quy mô diện tích, sản lượng chanh leo, sầu riêng hiện có.

Để phát triển sản xuất sầu riêng, chanh leo hiệu quả cao, bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu:

1. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT:

a) Rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo trên địa bàn, xây dựng đề án/kế hoạch phát triển sản xuất theo vùng tập trung; gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở đóng gói, sơ chế, chế biến; quy mô phù hợp nội dung của Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt và tổ chức triển khai;

b) Khẩn trương rà soát, xây dựng hồ sơ đề nghị cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, chanh leo xuất khẩu phù hợp. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Qu ốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích;

c) Khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng, chanh leo tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; không tự phát chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu ở Tây Nguyên có hiệu quả sang trồng thuần cây sầu riêng;

d) Quản lý chặt chẽ chất lượng cây giống, thực hiện kiểm tra một số bệnh virus trên cây giống cây chanh leo trước khi xuất vườn;

đ) Tăng cường hướng dẫn nông dân thực hiện rải vụ thu hoạch sầu riêng linh hoạt, hiệu quả theo tín hiệu thị trường; phổ biến áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong vùng sản xuất sầu riêng, chanh leo tập trung, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm. Quản lý chặt chẽ một số đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm như bệnh Phytophthora hại sầu riêng, bệnh virus hại chanh leo.

e) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sơ chế sầu riêng, chanh leo phục vụ xuất khẩu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

g) Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản, chế biến (đặc biệt là chế biến sâu); liên kết với nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng mã số vùng trồng, sơ chế, đóng gói, bảo quản, chế biến; xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo hiệu quả trên địa bàn.

2. Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Tiếp tục chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp tích cực hỗ trợ và liên kết với nông dân sản xuất sầu riêng, chanh leo: Tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu liên kết tập trung, ổn định lâu dài; cấp và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu; thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có hiệu quả.

Định hướng cho các doanh nghiệp chế biến sâu các sản phẩm sầu riêng, chanh leo để gia tăng giá trị và hạn chế tác động bởi các quy định về kiểm dịch thực vật khi xuất khẩu quả tươi.

3. Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

a) Cục Trồng trọt

- Chủ trì hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng, chanh leo theo hướng hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô phù hợp theo Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT ngày 27/10/2022);

- Chủ trì tổ chức liên kết vùng, liên kết các địa phương rải vụ thu hoạch sầu riêng có hiệu quả;

- Rà soát, đề xuất xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cây giống sầu riêng, chanh leo; vườn ươm nhân giống chanh leo sạch bệnh.

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ