Chỉ thị 733/CT-TTg năm 2007 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 733/CT-TTg
Ngày ban hành 12/06/2007
Ngày có hiệu lực 01/08/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 733/CT-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 06 năm 2007 

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2008

Năm 2008 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010. Năm 2008, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục đà phát triển của năm 2007, trong đó kinh tế khu vực vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Đối với Việt Nam, năm 2008 là năm nền kinh tế tiếp tục hội nhập sâu hơn, cơ hội và thách thức ngày càng lớn, đan xen nhau; đổi mới nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, môi trường đầu tư ngày càng được hoàn thiện đã tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất-kinh doanh. Kế thừa nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội và hợp tác hội nhập kinh tế thế giới, thế và lực của đất nước được nâng cao hơn, mở ra nhiều cơ hội và nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển, tạo đà cho việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2006-2010.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91 tận dụng tốt các điều kiện thuận lợi, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, chủ động vượt qua những khó khăn, thách thức; tập trung triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 với những yêu cầu và nội dung chủ yếu sau:

A. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH NĂM 2008

I. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

1. Nhiệm vụ phát triển kinh tế

Các ngành, các cấp, các doanh nghiệp phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong năm 2008 và những năm tiếp theo. Phấn đấu GDP năm 2008 tăng 8,5%-8,7%; trong đó giá trị tăng thêm của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,5%-3,7%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 10,5%-10,7%; ngành dịch vụ tăng 8,8%-9,0%.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp.

Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Đa dạng hóa các hình thức thu hút vốn đầu tư và loại hình đầu tư tận dụng tốt nội lực để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, thông tin, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn. Phát triển mạnh và quản lý tốt các hình thức đầu tư gián tiếp để đa dạng hóa nguồn đầu tư gắn với việc áp dụng những công cụ quản lý có hiệu quả, bảo đảm an toàn và ổn định kinh tế vĩ mô.

Chuẩn bị tốt các điều kiện và khởi công các dự án cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng, quy mô lớn. Tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư xây dựng, tổ chức hoạt động của các Ban quản lý dự án; tăng cường công tác thanh tra nhằm bảo đảm chất lượng của công trình, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tham ô, lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh và có tiềm năng phát triển, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao gắn với việc phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ đi đôi với việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, nâng cao tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế.

Hỗ trợ khôi phục và phát triển các làng nghề, khuyến khích các hộ gia đình, tư nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu tại chỗ và tham gia xuất khẩu.

Bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định và bền vững của toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp trên cơ sở tiếp tục chuyển đổi cơ cấu trong nội bộ ngành. Áp dụng khoa học, kỹ thuật, giống mới, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất và hiệu quả đầu tư. Phát triển nhanh chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững và an toàn. Khuyến khích phát triển và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, nuôi công nghiệp, gắn với cơ sở chế biến tập trung và xử lý chất thải.

Trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, phải nhận thức đúng và đánh giá đúng những thuận lợi, cơ hội phát triển và đặc biệt là những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu và đầy đủ hơn vào kinh tế thế giới và khu vực. Thực hiện các cam kết và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo điều kiện để thu hút nguồn vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài, thúc đẩy xuất khẩu phát triển nhanh đi đôi với việc mở rộng thị trường và hiệu quả xuất khẩu,...

2. Nhiệm vụ về xã hội

Nâng cao năng lực khoa học công nghệ ở trong nước đi đôi với tăng cường tiếp thu, làm chủ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Từng bước xây dựng ngành công nghệ thông tin và công nghệ sinh học thành ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao ở trong nước, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng hỗ trợ phát triển thị trường khoa học công nghệ, khuyến khích và tôn vinh các nhà khoa học có tài, có nhiều đóng góp cho đất nước.

Đổi mới hơn nữa các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao đi đôi với việc thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực này. Thực hiện tốt việc chuyển đổi sở hữu, cổ phần hóa một số cơ sở công lập, trước mắt là thí điểm cổ phần hóa bệnh viện công để xây dựng mô hình để triển khai thực hiện trên diện rộng.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; huy động, sử dụng có hiệu quả nguồn lực trong và ngoài nước và sự tham gia của cộng đồng dân cư để thực hiện. Trước mắt, trong tháng 6 và tháng 7 năm 2007, các Bộ quản lý chương trình có trách nhiệm hoàn chỉnh đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chương trình lục tiêu quốc gia giai đoạn từ nay đến năm 2010 để có căn cứ pháp lý bố trí kế hoạch đầu tư và ngân sách năm 2008.

Giải quyết một cách tích cực và hiệu quả các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình thực thi cam kết WTO. Chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề lao động bị mất việc làm do các doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh trong quá trình cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đẩy mạnh công tác giảm nghèo; bổ sung hoàn chỉnh các chính sách và chương trình giảm nghèo để người nghèo được tham gia tích cực hơn nữa vào hoạt động chương trình và thụ hưởng các thành quả từ các chương trình này. Xóa bỏ các quy định về các khoản phải đóng góp bất hợp lý của nông dân. Tiếp tục thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo vươn lên như: chính sách khám, chữa bệnh; hỗ trợ giáo dục; hỗ trợ nhà ở; cho vay vốn ưu đãi,... tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng thuộc diện chính sách xã hội được hưởng các dịch vụ công của Nhà nước.

Giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; đặc biệt là tình trạng tội phạm, ma túy, tai nạn giao thông.

3. Nhiệm vụ về bảo vệ môi trường

Giải quyết tình trạng suy thoái môi trường ở khu vực các nhà máy, các khu công nghiệp, các khu đông dân cư; cải tạo và xử lý môi trường trên các sông, hồ, ao, kênh mương bị ô nhiễm nặng.

Nâng cao khả năng phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai, sự biến động khí hậu bất lợi đối với môi trường; ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả xấu do thiên tai gây ra.

Sử dụng hợp lý, có hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, môi trường ở các lưu vực sông, bảo đảm cân bằng sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn đa dạng sinh học.

Đáp ứng các yêu cầu trong cam kết bảo vệ môi trường với cộng đồng quốc tế, hạn chế tác động xấu của quá trình toàn cầu hóa tác động đến môi trường trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

[...]