Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 6/CT-UBND năm 2022 triển khai nhiệm vụ giáo dục, đào tạo năm học 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Số hiệu 6/CT-UBND
Ngày ban hành 28/08/2022
Ngày có hiệu lực 28/08/2022
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Mai Sơn
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 6/CT-UBND

Bắc Giang, ngày 28 tháng 8 năm 2022

 

CHỈ THỊ

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO NĂM HỌC 2022-2023 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG

Thực hiện Chỉ thị số 1122/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu giám đốc sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, triển khai và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về GD&ĐT; quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ đề năm học 2022-2023: Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

I. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

1. Tiếp tục tham mưu, cụ thể hóa, đảm bảo lộ trình, nguồn lực thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển GD&ĐT; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về GD&ĐT theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả để phát triển GD&ĐT

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XIX; Chương trình số 63-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Tham mưu xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách về GD&ĐT phù hợp để huy động tối đa các nguồn lực; bổ sung cơ sở vật chất đáp ứng đổi mới GD&ĐT và nhu cầu học tập của Nhân dân1.

Đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về GD&ĐT. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tích hợp tối đa các nội dung hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để các cơ sở GD&ĐT và cán bộ, giáo viên dễ thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GD&ĐT.

2. Nâng cao mức độ tự chủ tài chính của cơ sở GD&ĐT công lập, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp GD&ĐT, nhất là xã hội hóa đối với bậc học mầm non; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy hoạch phát triển GD&ĐT tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 155/KH-UBND ngày 04/7/2019 của UBND tỉnh Bắc Giang về đảm bảo CSVC thực hiện chương trình GDMN và GDPT giai đoạn 2019-2025: Đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học; cân đối nguồn ngân sách các cấp, ưu tiên đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu cho khối lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, quan tâm đầu tư kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường học.

3. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD&ĐT có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thực hiện Kế hoạch số 267-KH-UBND ngày 12/6/2021 về thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GVMN, TH, THCS giai đoạn 2021-2025, Đề án “phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục tỉnh đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tham mưu xây dựng quy hoạch phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành theo từng giai đoạn. Xây dựng đội ngũ, chuẩn triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018; chú trọng đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

4. Tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, văn minh, tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở

Thực hiện tốt công tác đảm bảo chất lượng trong các cơ sở GD&ĐT; nghiên cứu, áp dụng các mô hình tiên tiến trong đảm bảo chất lượng GD&ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Phát huy quyền chủ động; xây dựng môi trường đổi mới, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh trong thực hiện chương trình nhà trường. Thực hiện giám sát chất lượng dạy học, chất lượng GD&ĐT, nâng cao tiêu chí, tiêu chuẩn và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở GD&ĐT; đánh giá chất lượng cơ sở GD&ĐT dựa vào chất lượng đầu ra.

5. Ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động triển khai nhanh chuyển đổi số trong GD&ĐT, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT

Thực hiện Kế hoạch số 386/KH-UBND ngày 25/12/2020 nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các cơ sở GDMN, giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Đề án “Đẩy mạnh dạy Tin học và ứng dụng CNTT trong trường phổ thông giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2025”; Kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ứng dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 để sớm triển khai chuyển đổi số trong trường học. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến và bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động của ngành; xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, học liệu mở, thư viện điện tử phục vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

6. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn; xây dựng cơ chế cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục của từng cấp học, bậc học, từng cơ sở giáo dục theo chuẩn phát triển phẩm chất, năng lực người học

Chỉ đạo nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục toàn diện và mũi nhọn. Đảm bảo chất lượng công tác phổ cập, gắn với các nhiệm vụ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành phẩm chất và kỹ năng mềm, khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh; triển khai hiệu quả công tác y tế học đường, đảm bảo an ninh, an toàn trường học, triển khai hiệu quả Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021 - 2025”, Chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021 - 2025”; thực hiện Đề án phát triển trung tâm GDNN-GDTX gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, THPT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 theo đúng mục tiêu, lộ trình đề ra.

Thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”; chỉ đạo xây dựng mô hình trường học đáp ứng nhu cầu phát triển. Tiếp tục hoàn thiện mô hình trường trung học trọng điểm chất lượng cao; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ hoặc cung cấp đội ngũ nhà giáo có năng lực; hướng dẫn công tác nghiên cứu khoa học, đúc rút sáng kiến kinh nghiệm có chất lượng. Tập trung đầu tư “3 trụ cột” Chuyển đổi số - Đội ngũ giáo viên - Ngoại ngữ để ngành GD&ĐT tỉnh Bắc Giang phát triển và hội nhập sâu, rộng.

7. Chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an toàn trường học

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Kế hoạch tổng thể của Bộ GDĐT và của tỉnh về thích ứng với tình hình dịch COVID-19 bảo đảm tổ chức dạy và học an toàn, chất lượng. Chủ động triển khai các hoạt động GD&ĐT linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên, giáo viên và củng cố, nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống thiên tai và tai nạn thương tích. Tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và an toàn thực phẩm, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho học sinh; xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về sức khỏe học đường.

Tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình “Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”, Chương trình “Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025”; Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025… đã được cụ thể hóa theo các kế hoạch của UBND tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thể dục, thể thao trong trường học; tổ chức giải thể thao học sinh gắn kết với nội dung môn học giáo dục thể chất thuộc Chương trình GDPT 2018.

8. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong ngành GD&ĐT

Tổ chức các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, gắn với các phong trào thi đua “Học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đua, khen thưởng; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, để thi đua trở thành động lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; khuyến khích, tạo điều kiện, môi trường để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy, quản lý giáo dục. Chủ động phát hiện, biểu dương và nhân rộng các tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành.

9. Tăng cường công tác truyền thông GD&ĐT

Chủ động thông tin, truyền thông về các chủ trương, chính sách của Ngành GD&ĐT và việc triển khai thực các Nghị quyết, Đề án của các cấp ủy đảng, chính quyền về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đổi mới nội dung, phương thức truyền thông theo hướng tương tác và nhân bản; tăng cường phối hợp, xử lý hiệu quả các vấn đề về truyền thông, nhất là các vấn đề xã hội quan tâm, bức xúc để Nhân dân hiểu, chia sẻ, ủng hộ và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của GD&ĐT; truyền thông giáo dục kỹ năng tự bảo cho học sinh tương tác an toàn, lành mạnh, sáng tạo trên môi trường internet.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

[...]