Chỉ thị 17/CT-UBND năm 2021 về đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Số hiệu | 17/CT-UBND |
Ngày ban hành | 07/10/2021 |
Ngày có hiệu lực | 07/10/2021 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Cao Bằng |
Người ký | Hoàng Xuân Ánh |
Lĩnh vực | Giáo dục,Thể thao - Y tế |
ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/CT-UBND |
Cao Bằng, ngày 07 tháng 10 năm 2021 |
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 03/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chủ động, kịp thời tổ chức đồng bộ công tác phòng, chống dịch, thực hiện hiệu quả phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh và sinh viên, hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn của ngành. Ngành Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, tuy ít chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, xong vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, hệ thống trường lớp cơ bản được quy hoạch, phát triển tuy nhiên vẫn còn nhiều điểm trường, lớp lẻ ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; việc dạy và học ngoại ngữ, tin học hiệu quả chưa cao; đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; vấn đề cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, điểm trường, đội ngũ nhà giáo chưa thật sự hiệu quả.
Dự báo dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, để tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình, chất lượng và tiếp tục thực hiện mạnh mẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
I. THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NĂM HỌC 2021 - 2022
a) Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên học tập, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng giáo dục của từng cấp học, chương trình đào tạo.
b) Căn cứ các yêu cầu, nội dung cốt lõi, căn bản trong chương trình dạy học, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục chủ động triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch tại địa phương.
c) Tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương thức dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa; phát triển nguồn học liệu điện tử, nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên đáp ứng yêu cầu của phương thức này. Quan tâm sâu sát, cụ thể đến điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ việc dạy, học đối với học sinh lớp 1, lớp 2.
d) Phối hợp với Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tiêm chủng cho học sinh các cấp sau khi cơ quan chuyên môn có hướng dẫn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dưới 18 tuổi; rà soát gửi Sở Y tế tiêm vắc xin cho tất cả giáo viên các cấp học theo quy định; quán triệt, thông tin, truyền thông trong toàn ngành, tới các thầy cô giáo, phụ huynh, học sinh cần nêu cao tinh thần chống dịch “mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người" thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch với thông điệp “tất cả vì tương lai con em chúng ta”.
đ) Hướng dẫn các gia đình trong việc phối hợp với nhà trường chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, học viên và sinh viên bảo đảm an toàn, hiệu quả trong thời gian học sinh phải học ở nhà, tham gia học trực tuyến, học trên truyền hình.
e) Chủ trì xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi phục vụ tổ chức thi, kiểm tra đánh giá theo hình thức trực tuyến một cách phù hợp; xây dựng phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả, khi có hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
g) Chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông báo đảm phù hợp, sát với thực tiễn.
a) Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường.
b) Xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi) sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh một cách phù hợp trong một số trường hợp đặc thù; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú để phát triển thể chất tốt hơn cho trẻ em, học sinh.
b) Tổ chức triển khai việc hỗ trợ giáo viên, nhân viên, người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo quy định.
4. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm ứng dụng, công cụ dạy học trực tuyến; chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến; hỗ trợ các nhà trường, học sinh, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ Internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; đề xuất các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn, giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giảm giá cước dịch vụ phần mềm ứng dụng phục vụ giáo dục và đào tạo, quản lý giáo dục cho nhà trường.
5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hướng dẫn về các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao trong các cơ sở giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình dịch bệnh.
6. Sở Ngoại vụ: Chủ trì, phối hợp với Công An tỉnh hỗ trợ thủ tục xuất, nhập cảnh cho giảng viên, giáo viên, lưu học sinh là người Cao Bằng tại nước ngoài về nước; học sinh, sinh viên Cao Bằng trúng tuyển đi học theo các chương trình học bổng Hiệp định ở nước ngoài; chuyên gia giáo dục, giảng viên, giáo viên, tình nguyện viên và lưu học sinh nước ngoài vào Cao Bằng thực hiện các chương trình, dự án hợp tác về giáo dục khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
7. Công An tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chủ động tuyên truyền, đấu tranh, phòng chống tội phạm, ngăn ngừa các nội dung, thông tin xấu, độc trên không gian mạng, các yếu tố an ninh phi truyền thống và bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở giáo dục.
8. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quân đội đóng quân trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho chính quyền địa phương huy động các nguồn lực và các hình thức hỗ trợ phù hợp đối với học sinh, sinh viên, giáo viên, cơ sở giáo dục trong khu vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
9. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh tỉnh Cao Bằng: Theo dõi, đôn đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên; thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối người lao động trong ngành Giáo dục và các cơ sở giáo dục ngoài công lập chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
a) Chỉ đạo triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở giáo dục.