Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 49/2004/CT-TTg về phát triển dịch vụ trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2006 - 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 49/2004/CT-TTg
Ngày ban hành 24/12/2004
Ngày có hiệu lực 14/01/2005
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49/2004/CT-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2004

 

CHỈ THỊ

VỀ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ TRONG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2006-2010

Trong những năm qua, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động dịch vụ phát triển. Nhờ vậy khu vực dịch vụ đã có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và đời sống của dân cư, góp phần đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Một số lĩnh vực dịch vụ như: bưu chính viễn thông; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; vận tải hàng không; vận tải biển; du lịch, xuất khẩu lao động, ... đã có tốc độ tăng trưởng nhanh; chất lượng dịch vụ được nâng lên đáng kể; thu hút nhiều lao động, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ còn thấp so với tốc độ tăng trưởng kinh tế chung; tỷ trọng trong GDP gần đây có xu hướng giảm dần, cơ cấu chuyển dịch chậm, nhiều dịch vụ chưa hình thành và được khai thác có hiệu quả. Môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách về phát triển dịch vụ còn thiếu và chưa đồng bộ; chưa có sự gắn kết giữa các ngành để hỗ trợ và bổ sung cho nhau phát triển. Chất lượng và hiệu quả kinh doanh dịch vụ còn thấp; giá trị gia tăng thấp; giá dịch vụ của một số ngành còn khá cao so với các nước trong khu vực và thế giới, một số loại dịch vụ quan trọng có ý nghĩa quan trọng đối với năng lực cạnh tranh quốc gia chưa phát triển đúng mức.

Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên là nhận thức về vai trò của dịch vụ trong nền kinh tế của các Bộ, ngành, địa phương còn có nhiều hạn chế; chưa quan tâm đúng mức; thiếu biện pháp thiết thực để phát triển, ít kinh nghiệm trong điều hành quản lý; thiếu thông tin, số liệu để xây dựng kế hoạch, chính sách, thiếu cập nhật thực tiễn hoạt động của thị trường dịch vụ trong, ngoài nước.

Để phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những yếu kém nêu trên, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển dịch vụ, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đóng góp tỷ trọng tương xứng với tiềm năng vào tăng trưởng kinh tế chung, gia tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm dịch vụ, thu hút mạnh mẽ hơn nữa sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, đầu tư nước ngoài vào khu vực dịch vụ, gia tăng xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu đổi mới kinh tế và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Trong kế hoạch năm 2005 và các năm 2006 - 2010, cần đặt cao vị trí và vai trò của khu vực dịch vụ; xem ngành dịch vụ là một trong những ngành mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước với các mục tiêu sau:

- Tập trung phát triển các lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng như du lịch, bảo hiểm, vận tải hàng không, vận tải biển, kho bãi, chuyển tải, tài chính, ngân hàng, kiểm toán, bưu chính viễn thông, xây dựng, xuất khẩu lao động... khuyến khích phát triển dịch vụ mới có sức cạnh tranh cao; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng dịch vụ giai đoạn 2006 - 2010 cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu ngành và nội ngành dịch vụ, tăng dần tỷ trọng dịch vụ trong GDP của cả nước, tiến tới đạt khoảng 45% vào năm 2010.

- Nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên thị trường nội địa, khu vực và quốc tế; đẩy mạnh khai thác tiềm năng và lợi thế của từng lĩnh vực dịch vụ, tăng cường sự hợp tác giữa các lĩnh vực dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển.

- Đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ và dịch vụ thu ngoại tệ tại chỗ thông qua các hoạt động dịch vụ du lịch, tài chính - ngân hàng, thu kiều hối và bán hàng tại chỗ, bưu chính viễn thông, vận tải hàng không và đường biển; giảm thâm hụt cán cân dịch vụ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao, dịch vụ việc làm,... theo cơ chế thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và từng bước hội nhập quốc tế.

- Khảo sát, đánh giá sức cạnh tranh của từng lĩnh vực dịch vụ hiện tại và trong tương lai, phân loại các dịch vụ cần được bảo hộ, các lĩnh vực loại trừ tạm thời, loại trừ hoàn toàn cho việc mở cửa các ngành dịch vụ và dành đãi ngộ quốc gia, tối huệ quốc cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

2. Về định hướng xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển dịch vụ.

Trong quá trình chuẩn bị Kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các định hướng chính về cơ cấu, chính sách, cơ chế vĩ mô để thúc đẩy phát triển dịch vụ; các Bộ, ngành chủ động xây dựng chiến lược, quy hoạch và Chương trình hành động phát triển dịch vụ ngành, cũng như các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trên cơ sở các định hướng chung và chiến lược phát triển ngành.

a) Về định hướng chung đầu tư phát triển dịch vụ.

- Tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ.

- Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) cần được ưu tiên bố trí cho việc phát triển, củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa có trọng điểm kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông vận tải, cảng hàng không, cảng biển, bưu chính viễn thông, du lịch, tài chính, ngân hàng. Hỗ trợ trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại cho các ngành dịch vụ chủ yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

- Mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết quốc tế, tăng cường công tác vận động, xúc tiến đầu tư nước ngoài vào ngành dịch vụ, đáp ứng trên 30% vốn bằng nguồn FDI.

- Tiến hành mạnh mẽ việc cổ phần hóa, tổ chức hoạt động kinh doanh theo các mô hình mới có hiệu quả để huy động nguồn lực của toàn xã hội cho đầu tư, phát triển dịch vụ, trước hết là ở các ngành: bảo hiểm, ngân hàng, du lịch, vận tải hành khách và hàng hóa, bưu chính viễn thông, kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ hàng hoá và một số ngành khác.

b) Về định hướng đầu tư một số ngành dịch vụ chủ yếu

- Dịch vụ giao thông vận tải:

+ Đầu tư duy trì, củng cố, nâng cấp và phát triển có trọng điểm cơ sở vật chất hạ tầng giao thông vận tải. Nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, xây dựng mới một số công trình trọng điểm, từng bước xây dựng hệ thống đường cao tốc, trước hết là hệ thống nối liền các khu kinh tế trọng điểm, các trục giao thông quan trọng có lưu lượng giao thông lớn, kết nối các khu vực du lịch, các khu di tích lịch sử văn hóa đặc sắc của Việt Nam cũng như khu vực. Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đi lại của nhân dân.

+ Cải tạo, nâng cấp và đồng bộ hóa mạng đường sắt hiện có, hiện đại hóa hệ thống thông tin, tín hiệu, nâng cao chất lượng dịch vụ, phấn đấu bắt kịp trình độ khu vực.

+ Đầu tư đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống cảng biển. Hình thành một số cảng biển theo mô hình cảng mở, từng bước gia tăng dịch vụ chuyển tải. Phát triển đội tàu vận tải biển quốc gia theo hướng chuyên dùng, hiện đại. Trẻ hóa đội tàu, kết hợp việc đóng mới trong nước và mua tàu ở nước ngoài. Đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp dịch vụ hàng hải. Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp xuất khẩu dịch vụ vận tải và thuyền viên, chú trọng phát triển loại hình dịch vụ hàng hải trọn gói.

+ Đầu tư cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa và xây dựng mới hệ thống cảng hàng không quốc tế, các cơ sở phục vụ điều hành và kiểm soát bay. Đầu tư mua sắm máy bay mới và hiện đại hóa đội bay, đủ sức cạnh tranh với thị trường hàng không khu vực. Từng bước mở cửa thị trường, thu hút sự tham gia của các hãng hàng không quốc tế.

- Dịch vụ du lịch:

Du lịch Việt Nam phải thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở huy động các nguồn lực của toàn xã hội để khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa - lịch sử của đất nước; phấn đấu thu hút trên 6 triệu lượt khách quốc tế và trên 25 triệu khách du lịch trong nước vào năm 2010. Vốn ngân sách nhà nước tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, trước hết là các trọng điểm du lịch quốc gia và các vùng có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là các khu du lịch gắn với các di tích văn hóa - lịch sử đã được quy hoạch và có chiến lược phát triển đến năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về du lịch.

- Dịch vụ xây dựng:

[...]