Chỉ thị 4509/CT-BNN-KH năm 2019 về xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 4509/CT-BNN-KH
Ngày ban hành 27/06/2019
Ngày có hiệu lực 27/06/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Xuân Cường
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4509/CT-BNN-KH

Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 25/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, căn cứ hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan/đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao với các nội dung chủ yếu sau đây:

A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Đánh giá đúng thực chất tình hình triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành/lĩnh vực, dự toán ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, ước thực hiện cả năm 2019. Trong đó, làm rõ các kết quả đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019 của ngành.

Các đơn vị cần tập trung phân tích, đánh giá rõ: (1) Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành/lĩnh vực và của đơn vị; (2) Kết quả 5 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 và 13 đề án/kế hoạch chuyên đề đã được Bộ phê duyệt; (3) Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; (4) Hợp tác quốc tế, tháo gỡ rào cản, phát triển thị trường tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; (5) Công tác xây dựng văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách; (6) Công tác cải cách hành chính, thực hiện các đột phá lớn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; (7) Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm; (8) Tình hình thực hiện vốn đầu tư công và phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; (9) Tác động của biến đổi khí hậu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành và đời sống người dân; (10) Công tác khoa học công nghệ và khuyến nông; (11) Công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; (12) Công tác thanh tra, thực hành tiết kiệm và phòng chống tham nhũng; (13) Công tác củng cố và hoàn thiện bộ máy tổ chức của Bộ, của ngành; (14) Công tác quản lý tài chính và tài sản công...

2. Căn cứ các chương trình, Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch tài chính và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; trên cơ sở kết quả đạt được năm 2019, dự báo bối cảnh trong nước và thế giới; các đơn vị, địa phương xác định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

3. Kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm phải được triển khai xây dựng đồng bộ, hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị; đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm giải trình trong xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn lực.

B. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020

I. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng, trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm: (1) Nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của ngành, (2) Phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; (3) Cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, xóa đói giảm nghèo; (4) Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, sinh thái; góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng của cả nước 6,8%.

1.2 Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản khoảng 2,9% - 3,0%.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành khoảng 3,0% - 3,1%.

- Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 44 tỷ USD.

- Tỷ lệ che phủ của rừng đạt 42,0%.

- Tỷ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới 58%.

2. Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

2.1. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, có giá trị gia tăng cao và hiệu quả

Cơ cấu lại ngành/lĩnh vực giai đoạn 2017 - 2020 theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1819/QĐ-TTg ngày 16/11/2017; tiếp tục rà soát, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, chiến lược phát triển sản xuất phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; triển khai mạnh các nhiệm vụ, giải pháp đột phá cần tập trung thực hiện trong năm 2020 để đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020. Cụ thể như sau:

a) Trồng trọt

Rà soát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt. Tiếp tục hướng dẫn các địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất.

Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia; đồng thời, khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sâu bệnh. Kiểm soát chặt chẽ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

b) Chăn nuôi

Điều chỉnh kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi phù hợp với thực tiễn; xác định các sản phẩm chăn nuôi chủ lực là lợi thế tại địa phương để tập trung đầu tư; hướng dẫn các địa phương điều chỉnh quy mô đàn gia súc, gia cầm phù hợp với nhu cầu thị trường và diễn biến bệnh DTLCP.

Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực; đồng thời phát triển chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, đặc sản; đảm bảo cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước (nhất là khôi phục đàn lợn), đặc biệt là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến lớn; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, quy định chặt chẽ việc quản lý và sử dụng thuốc thú y.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ