Công văn 9026/BNN-KTHT năm 2021 về cơ chế, chính sách đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế ở khu vực nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 9026/BNN-KTHT
Ngày ban hành 29/12/2021
Ngày có hiệu lực 29/12/2021
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Minh Hoan
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 9026/BNN-KTHT
V/v trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 2021

 

Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 418/BDN, ngày 02 tháng 11 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

Nội dung kiến nghị (Câu số 55)

Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ có cơ chế, chính sách cụ thể hơn cho việc đầu tư, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế ở khu vực nông thôn nhất là lĩnh vực nông nghiệp như: Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hộ gia đình cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhất là nông nghiệp công nghệ cao; tiếp tục hỗ trợ cho các vùng sản xuất lúa chất lượng, chuyên canh rau màu gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản; xây dựng và ban hành chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch; đầu tư phát triển hoàn thiện hệ thống điện, công trình thủy lợi phục vụ sản xuất cho các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung..., hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản

Bộ Nông nghiệp và PTNT xin trả lời như sau:

Để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, cụ thể như sau:

- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có nội dung quy định về chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết.

- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có quy định hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ đang trình Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ; Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Quyết định số 34/2019/QĐ-TTg ngày 18/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ Quy định tiêu chí xác định dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển ban hành theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện Nghị định số 57/2018/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

- Về xây dựng và ban hành chính sách đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất đến thu hoạch: Thực hiện Quyết định số 357/QĐ-TTg ngày 10/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Công văn số 735/TTg-NN ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định khuyến khích phát triển cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp. Đến nay, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định đang trình Bộ Tư pháp thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Về lĩnh vực thủy lợi, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 quy định hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Trên cơ sở chính sách của Nghị định số 77/2018/NĐ-CP của Chính phủ, các địa phương ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh/TP quy định múc hỗ trợ cụ thể để thực hiện trên địa bàn.

- Về hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản:

+ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 08/10/2019 phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030; Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai xây dựng Thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm nông sản chủ lực như: Thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam triển khai Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Chương trình Thương hiệu Cá tra, Tôm Việt Nam, Cá ngừ Việt Nam thực hiện Quyết định số 1371/QĐ-BNN-TCTS ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành thủy sản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế; Thương hiệu Cà phê Việt Nam chất lượng cao và Thương hiệu Gỗ Việt... Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình thương hiệu cấp quốc gia nhằm mục tiêu phát triển thương hiệu cho các nông sản chủ lực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương hiệu (Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, Chương trình Thương hiệu Thực phẩm Việt Nam); phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công Thương trong việc đăng ký và bảo hộ các thương hiệu nông sản. Chỉ đạo các đơn vị của Bộ triển khai Quy chế số 2222/QCPH-BKHCN-BNNPTNT-BCT ngày 08/8/2018 giữa ba Bộ ký kết về phối hợp xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý; Phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động nâng cao, bảo vệ hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế, trong đó có các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc,...Chỉ đạo, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản phục vụ xuất khẩu.

+ Về các giải pháp hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản: Trước tác động của dịch covid-19, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo không đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp, đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo. Tiếp tục thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ tại các Nghị quyết của Chính phủ: Số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020, số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020, số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 và số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020, Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020.

Theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương phục vụ Tổ điều hành Thị trường trong nước, Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ. Đẩy mạnh hoạt động của 2 Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam và phía Bắc trong điều kiện dịch COVID-19; xây dựng kênh kết nối, cung ứng nông sản các địa phương và vùng miền, đặc biệt phục vụ công tác cung ứng nông sản thực phẩm tới các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chỉ thị 15.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 21/9/2021 về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị trực tuyến (ngày 17/9/2021) với các địa phương triển khai giải pháp tháo gỡ khó khăn, khôi phục chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản giai đoạn hiện nay, sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg ở khu vực phía Nam bộ.

+ Cung cấp thông tin, dự báo tình hình cung cầu nông sản: i) Định kỳ hàng quý, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định giá cả các mặt hàng nông sản thiết yếu; ii) Định kỳ hàng tháng, phối hợp với Bộ Công Thương cung cấp thông tin cho Tổ điều hành thị trường trong nước về tình hình sản xuất, dự báo nhu cầu các mặt hàng nông nghiệp, đề xuất các giải pháp nhằm đáp ứng cung cầu và bình ổn thị trường; iii) Cung cấp thông tin thường xuyên và định kỳ hàng tháng qua các trang tin điện tử (website) của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ qua “Bản tin Thông tin thị trường nông sản”, gửi tới 63 tỉnh/thành phố trong cả nước, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan báo chí và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Thông tin, dự báo thị trường nông sản thông qua các phương tiện truyền thông: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh Truyền hình VTC16 và Kênh Truyền hình Quốc hội; iv) Thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn nhằm kịp thời phổ biến các chính sách nông nghiệp, thông tin về thị trường nông sản tới người sản xuất kinh doanh nông sản và người tiêu dùng trên cả nước.

+ Tháo gỡ rào cản thương mại, kỹ thuật và mở cửa thị trường sản phẩm nông sản xuất khẩu chính ngạch: i) Bộ thường xuyên tổ chức các Đoàn công tác làm việc với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu nông sản nhằm giải quyết các vướng mắc, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam theo định hướng nhiệm vụ thị trường trọng tâm hàng năm và từng giai đoạn; ii) Từ năm 2020, Bộ tiếp tục tập trung vào các hoạt động tháo gỡ rào cản kỹ thuật và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều sản phẩm nông sản vào các thị trường lớn và tiềm năng, như: Trung Quốc (sầu riêng, thạch đen, tổ yến, khoai lang tím, chanh leo, bơ, bưởi, na, roi, dừa), Hoa Kỳ (quả bưởi tươi), Nhật Bản (nhãn, bưởi, chanh leo), Hàn Quốc (tôm, thanh long ruột đỏ, bưởi, vú sữa, nhãn, vải, chôm chôm, thịt gia súc, gia cầm chế biến, trứng gia cầm chế biến), Myanmar (bưởi, xoài), Thái Lan (chôm chôm, bưởi, chanh leo, na, vú sữa), Úc (tôm tươi, nhãn, chanh leo), New-Zealand (chanh ta, chanh leo, nhãn, vú sữa, bưởi, vải, măng cụt, dưa hấu, mít)...

Riêng thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với phía Trung Quốc để duy trì đàm phán, làm việc trực tuyến trong hoàn cảnh ứng phó với dịch bệnh Covid 19 trên toàn cầu. Tính đến nay, phía Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu chính ngạch cho 9 mặt hàng trái cây, 16 doanh nghiệp chăn nuôi, 128 loài/dạng sản phẩm và 48 loài thủy sản sống và 753 doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đặc biệt hiện nay tập trung hướng dẫn thực hiện Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

+ Giới thiệu, xúc tiến thương mại nông sản tại thị trường quốc tế: Hàng năm, Bộ tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại nước ngoài nhằm đẩy mạnh hoạt động giới thiệu, thông tin về sản phẩm nông sản nước ngoài thông qua các đoàn công tác của các cấp lãnh đạo (Chính phủ, Bộ, ngành), tham gia các hội chợ, triển lãm ngành nông nghiệp, tổ chức các diễn đàn kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu nông sản Việt Nam với các doanh nghiệp nước ngoài. Trước dự báo những khó khăn về thị trường xuất khẩu năm 2021 do dịch bệnh, các quy định mới của thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Đại sứ quán, Tham tán thương mại tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tuyến (online) đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ vào các thị trường lớn (Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga, Braxin) và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng (Nhật Bản - Hàn Quốc, Asean, Úc - New Zealand, Trung Đông). Cụ thể định hướng năm 2021 và trong thời gian tới tập trung vào các mặt hàng và thị trường như sau: Trung Quốc (trái cây, sữa, thủy sản chất lượng cao, gạo, chè), EU (trái cây tươi, sấy khô, đông lạnh, thủy sản, cà phê, hồ tiêu, sản phẩm chăn nuôi chế biến), Nhật Bản (vải, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài), Thái Lan, Malaysia (cá tra, thủy sản khác); Philippin (thịt gà, trứng, sữa, gạo, thanh long, bưởi, chanh...), Indonesia (gạo, cà phê, hoa quả, thủy sản chế biến), Myanmar (thịt gia cầm, thịt lợn, thủy sản nước ngọt và rau củ quả)...

Trên đây là trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với kiến nghị cử tri thành phố Hải Phòng; trân trọng cảm ơn cử tri thành phố Hải Phòng đã quan tâm đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, nông thôn; xin gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng;
- Thứ trưởng Trần Thanh Nam;
- Ban Dân nguyện;
- Văn phòng Chính phủ (Vụ QHĐP);
- Bộ Công Thương;
- VP Bộ (Phòng Tổng hợp);
- Lưu: VT, KTHT.

BỘ TRƯỞNG




Lê Minh Hoan

 

9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ