Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 3924/BNN-KH năm 2023 về xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3924/BNN-KH
Ngày ban hành 16/06/2023
Ngày có hiệu lực 16/06/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Hoàng Hiệp
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3924/BNN-KH
V/v xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 2023

 

Kính gửi:

- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 10/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là các đơn vị) triển khai xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp, nông thôn năm 2024 với các nội dung chủ yếu sau đây:

A. NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN NĂM 2024

Kế hoạch phát triển Ngành năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát thực, đúng thực chất tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển Ngành năm 2023; dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn; từ đó xác định mục tiêu, định hướng phát triển năm 2024 phù hợp với định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Chiến lược phát triển Ngành), Chiến lược phát triển các tiểu ngành, lĩnh vực, Kế hoạch phát triển Ngành 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Những nội dung chủ yếu của báo cáo Kế hoạch phát triển Ngành năm 2024 gồm:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NĂM 2023

Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển Ngành 6 tháng đầu năm, các đơn vị đánh giá ước thực hiện kế hoạch năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, cần đánh giá đầy đủ, chính xác kết quả đạt được, phân tích rõ những thành tựu và đóng góp vào phát triển Ngành; làm rõ hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện thiết thực hơn cho năm 2024. Đồng thời, phân tích, đánh giá tác động của thiên tai, dịch bệnh, xung đột quân sự Nga - Ukraine, tình hình lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới, biến động giá cả hàng hóa thế giới tới kết quả thực hiện kế hoạch phát triển năm 2023. Cụ thể:

1. Tình hình triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 355/QĐ- BNN-KH ngày 19/01/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc gia năm 2023; các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

2. Kết quả thực hiện chủ trương, chính sách lớn về cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Tình hình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/2/2021 phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó có đánh giá kết quả chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

3. Tình hình và kết quả sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản, quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, hợp tác quốc tế, phát triển thị trường; phân tích hiệu quả, chất lượng tăng tưởng của từng lĩnh vực và đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn Ngành.

4. Tình hình thực hiện 3 đột phá chiến lược về: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; (ii) Phát triển nguồn nhân lực; (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, làm rõ những kết quả đạt được so với mục tiêu kế hoạch đề ra; đặc biệt phân tích sâu các hạn chế, yếu kém, nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình thực hiện.

5. Tình hình huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển và cơ cấu các nguồn vốn đầu tư: Ngân sách nhà nước, tín dụng đầu tư phát triển; vốn từ khu vực tư nhân; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn huy động từ các thành phần kinh tế khác.

6. Đánh giá hoạt động khoa học - công nghệ, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào phát triển nông nghiệp, nông thôn, chỉ đạo điều hành.

7. Tình hình thực hiện quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

8. Tình hình và kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với đô thị hóa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.

9. Đánh giá hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chất lượng cán bộ, sắp xếp tinh giản bộ máy; thực hiện cải cách hành chính; xây dựng Chính phủ điện tử tiến tới Chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; chuyển đổi số; công tác thanh tra, thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý tài chính và tài sản công…

Căn cứ đặc điểm, tình hình của từng lĩnh vực đơn vị phụ trách, các đơn vị tiến hành đánh giá, bổ sung các nội dung, chỉ tiêu cho phù hợp và đầy đủ với tình hình thực tiễn của mỗi đơn vị.

II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NĂM 2024

Năm 2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt, xung đột quân sự Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc. Tăng trưởng kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nền kinh tế lớn phục hồi chậm và suy giảm; tình trạng lạm phát tại một số quốc gia trên thế giới vẫn duy trì ở mức cao; giá cả nguyên vật liệu sản xuất vẫn ở mức cao; thiên tai, dịch bệnh… diễn biến khó lường. Trong bối cảnh đó, các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch Ngành.

1. Bối cảnh xây dựng Kế hoạch phát triển Ngành năm 2024

Bối cảnh xây dựng Kế hoạch phát triển Ngành năm 2024, bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển của từng lĩnh vực; đặc biệt lưu ý những vấn đề như ảnh hưởng xung đột quân sự Nga - Ukraine; tình trạng lạm phát cao tại một số quốc gia trên thế giới; giá vật tư đầu vào vẫn ở mức cao…

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát toàn Ngành

Phát triển nền nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh. Phấn đấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tốc độ tăng GDP nông lâm thủy sản 2,5% - 3,0%.

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn Ngành 2,7% - 3,2%.

- Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản (tỷ USD)1.

- Tỷ lệ che phủ của rừng duy trì ổn định 42%.

[...]