Chỉ thị 44-CT/TW năm 2020 về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

Số hiệu 44-CT/TW
Ngày ban hành 16/04/2020
Ngày có hiệu lực 16/04/2020
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Trần Quốc Vượng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 44-CT/TW

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2020

 

CHỈ THỊ

CỦA BAN BÍ THƯ VỀ ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XUẤT BẢN, PHÁT HÀNH VÀ NGHIÊN CỨU, HỌC TẬP SÁCH LÝ LUẬN, CHÍNH TRỊ

1. Sau hơn 15 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 27/01/2003 của Ban Bí thư khóa IX, công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung, hình thức, cơ cấu, thể loại sách ngày càng phong phú. Phương thức, cơ chế hoạt động và quản lý công tác xuất bản, phát hành đã được đổi mới. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành từng bước được nâng cao. Những tiến bộ đó đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu về sách lý luận, chính trị của cán bộ, đảng viên, nhân dân và góp phần tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác những quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; nâng cao nhận thức chính trị, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.

Tuy nhiên, chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hấp dẫn của sách lý luận, chính trị còn hạn chế, chưa có nhiều đầu sách hay, có giá trị cao về lý luận và thực tiễn. Số lượng sách bình quân theo đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, việc xuất bản điện tử chưa được quan tâm đúng mức. Công tác rà soát, quy hoạch chưa kịp thời, quyết liệt; nhiều nhà xuất bản còn chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế cả về cơ sở vật chất, công nghệ và vốn. Bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn hạn chế. Đội ngũ nghiên cứu lý luận, chính trị còn thiếu, chưa có nhiều chuyên gia có trình độ cao về biên soạn sách lý luận, chính trị, nhất là trong tổng kết sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Công tác phát hành chậm đổi mới.

Những hạn chế, yếu kém nói trên là do hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận chính trị chưa nhận được sự quan tâm đúng mức và đầu tư tương xứng. Một stổ chức đảng, chính quyền, cơ quan chủ quản của các nhà xuất bản chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị. Việc mua, đọc, nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị của không ít cơ sở, tchức đảng, cán bộ, đảng viên chưa được chú trọng. Cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản sách lý luận, chính trị còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, còn chậm trong việc thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng. Mô hình tổ chức, hoạt động, quy mô của các nhà xuất bản và công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, biên tập viên về lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý còn chưa thực sự phù hợp.

2. Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau:

2.1. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của sách lý luận, chính trị trong việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới đất nước; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch.

2.2. Cần xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của tổ chức cơ sở đảng. Khuyến khích phát triển phong trào đọc, nghiên cứu, học tập sách, trong đó có sách lý luận, chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm giáo dục, nâng cao trình độ lý luận cho cán bộ, đảng viên, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới; đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

2.3. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

- Các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan liên quan, cơ quan chủ quản chỉ đạo các nhà xuất bản hoạt động trên cơ sở xác định chương trình hành động, đề án xuất bản sách hằng năm và chiến lược xuất bản sách.

- Nâng cao chất lượng chính trị, khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu của sách lý luận, chính trị, đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng trong tình hình mới. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sách lý luận chính trị, bảo đảm đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

- Rà soát, sắp xếp hp lý các nhà xuất bản có chức năng và đủ điều kiện xuất bản sách lý luận, chính trị, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo và kém hiệu quả. Có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các nhà xuất bản và các cơ sở phát hành. Kịp thời xử lý nghiêm sai phạm trong hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

- Đổi mới công tác biên soạn, biên tập, hoạt động xuất bản, in, phát hành sách lý luận, chính trị phù hp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chuyển đổi loại hình hoạt động của nhà xuất bản phù hp với thực tế, đúng với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và quy định pháp luật. Có chính sách ưu tiên, ưu đãi nhằm thu hút đội ngũ cộng tác viên là các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý có kinh nghiệm... tham gia viết, biên soạn, biên dịch sách lý luận, chính trị.

- Tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác, sử dụng sách lý luận, chính trị trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xuất bản sách phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh - quốc phòng, thông tin đối ngoại; sách nghiên cứu, tuyên truyền về biển, đảo; sách cho người Việt Nam ở nước ngoài; sách phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo... Quy định trách nhiệm các thư viện mua sách lý luận, chính trị.

- Nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật; có cơ chế, chính sách đặc thù, khuyến khích, ưu tiên và bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị. Duy trì chính sách đặt hàng xuất bản phẩm, hỗ trợ giá bán sách lý luận, chính trị, cấp phát sách lý luận, chính trị thiết yếu cho cơ sở. Đầu tư hp lý cho ngành xuất bản tham gia triển lãm, hội chợ sách quốc tế ở trong và ngoài nước; cấp kinh phí dịch những cuốn sách, bộ sách có giá trị ra tiếng nước ngoài để phục vụ công tác thông tin đối ngoại.

- Thực hiện xã hội hóa, liên kết giữa nhà xuất bản với các tổ chức kể cả các tổ chức nước ngoài được phép hoạt động ở Việt Nam... trong hoạt động in và phát hành sách lý luận, chính trị theo đúng quy định của pháp luật.

- Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin cho các nhà xuất bản, cơ sở phát hành sách lý luận, chính trị. Đa dạng hóa các thể loại sách và phương thức xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị, đặc biệt là xuất bản sách điện tử và phát hành sách trên mạng Internet. Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu sách lý luận, chính trị trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet và đội ngũ tuyên truyền các cấp. Mở rộng giao lưu hợp tác, trao đổi xuất bản phẩm, kinh nghiệm với các nhà xuất bản nước ngoài. Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về sách lý luận, chính trị thống nhất trong cả nước; cung cấp dịch vụ khai thác nội dung thông tin sách lý luận, chính trị trên Internet.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác biên soạn, biên tập, xuất bản, phát hành, cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất bản sách lý luận, chính trị có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao. Đổi mới, hiện đại hóa chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ biên tập, xuất bản; có chính sách tuyển chọn, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác biên tập, xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới.

- Xây dựng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trở thành trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản sách lý luận, chính trị.

3. Các cấp ủy, tổ chức đảng có kế hoạch quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành và nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị.

Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chương trình xuất bản sách lý luận, chính trị; sửa đổi, hoàn thiện pháp luật, tạo điều kiện xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.

Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và hằng năm báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Các tnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng
ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng
ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ư
ơng Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Trần Quốc Vượng

 

2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ