Chỉ thị 43-CT/TU năm 2014 về thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Số hiệu | 43-CT/TU |
Ngày ban hành | 06/08/2014 |
Ngày có hiệu lực | 06/08/2014 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu |
Người ký | Nguyễn Tuấn Minh |
Lĩnh vực | Đầu tư |
TỈNH ỦY BÀ
RỊA-VŨNG TÀU |
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM |
Số: 43-CT/TU |
Bà Rịa, ngày 06 tháng 8 năm 2014 |
CHỈ THỊ
VỀ THU HÚT ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Trong thời gian qua, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính đến tháng 7/2014, trên địa bàn tỉnh đã có 290 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 26,7 tỷ USD và 422 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 233.136 tỷ đồng; nhiều dự án đầu tư lớn đã được hình thành, đi vào hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đầu tư trong nước và nước ngoài chiếm phần lớn trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh (trên 80% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm), là nguồn lực chủ yếu để phát triển kinh tế, đóng góp cho ngân sách, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư còn những hạn chế như: chưa thu hút được nhiều dự án lớn có sức lan tỏa, lôi kéo các dự án khác, các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến có giá trị gia tăng cao; một số dự án chế biến hải sản, nhuộm gây ô nhiễm môi trường; việc thu hút quá nhiều các dự án thép sử dụng nhiều đất, nhiều điện đã gây ô nhiễm môi trường từ xỉ thép, bụi lò; nhiều dự án chậm triển khai đầu tư so với tiến độ cam kết; tiến độ giải ngân chung của tất cả các dự án so với vốn đăng ký đạt thấp (đầu tư nước ngoài đạt 33%, trong nước đạt 37,5%); việc thu gom và xử lý chất thải công nghiệp còn hạn chế; một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt pháp luật về môi trường,...
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những hạn chế nêu trên là do hệ thống chính sách còn nhiều quy định chưa đồng bộ, chồng chéo, thiếu nhất quán; tỉnh chưa chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để các dự án triển khai và hoạt động hiệu quả như hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các khu công nghiệp, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các khu công nghiệp, hệ thống cảng với các đường quốc lộ chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao…; đặc biệt là định hướng thu hút đầu tư trong thời gian qua chưa rõ ràng, phương thức thu hút đầu tư chưa có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả; việc thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đầu tư trong một số trường hợp còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ đầy đủ quy hoạch và khả năng đáp ứng của hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...; công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án thiểu thường xuyên, chưa thực sự hiệu quả.
Nhằm đảm bảo việc thu hút đầu tư được thực hiện đúng quy hoạch, định hướng mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã đề ra, đảm bảo kinh tế của tỉnh phát triển thật sự bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ được nguồn nước sinh hoạt của tỉnh, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, năng lượng; căn cứ Nghị quyết số 103/NQ-CP, ngày 29/8/2013 của Chính phủ về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, Công văn số 5035/VPCP-KG, ngày 11/9/2006 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với các kiến nghị trong Báo cáo tình hình bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp trên lưu vực sông Thị Vải và tình hình thực tiễn thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
1. Kể từ nay không thu hút đầu tư các loại hình dự án sau đây trên địa bàn tỉnh:
- Chế biến tinh bột sắn;
- Chế biến mủ cao su;
- Sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp);
- Nhuộm, thuộc da;
- Các dự án sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao);
- Sản xuất giấy các loại, bột giấy;
- Chế biến bột cá;
- Các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
2. Hạn chế thu hút đầu tư đối với các loại dự án:
- Công nghiệp xi mạ;
- Chế biến hải sản;
- Sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật (có phát sinh nước thải công nghiệp);
- Sản xuất phân bón (có phát sinh nước thải công nghiệp);
- Sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp;
- Sản xuất da, giầy, may mặc;
- Sử dụng nhiều lao động phổ thông; sử dụng nhiều đất, nhiều năng lượng; có giá trị gia tăng thấp;
- Dự án có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí thải CO2;
- Dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu.
Chỉ cấp phép đối với những loại dự án này khi thật sự cần thiết để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh nhưng phải đề ra các điều kiện cụ thể, chặt chẽ mà doanh nghiệp cần đáp ứng để được cấp phép đầu tư; thẩm định kỹ năng lực của nhà đầu tư, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho chủ trương trước khi cấp phép đầu tư; không cấp phép đầu tư cho các dự án mà nhà đầu tư không có năng lực thật sự để đầu tư.
3. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo ban hành danh mục các dự án không thu hút đầu tư, hạn chế thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh theo mục 1, 2; chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy; trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, chỉ đạo.