Chỉ thị 42/2009/CT-UBND triển khai thi hành Luật thi hành án dân sự Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành
Số hiệu | 42/2009/CT-UBND |
Ngày ban hành | 08/07/2009 |
Ngày có hiệu lực | 18/07/2009 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Vĩnh Phúc |
Người ký | Nguyễn Ngọc Phi |
Lĩnh vực | Thủ tục Tố tụng |
UỶ BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/2009/CT-UBND |
Vĩnh Yên, ngày 08 tháng 07 năm 2009 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
Ngày 14/11/2008, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2009 và Quốc hội đã ra Nghị quyết số 24/2008/QH12 về việc thi hành Luật thi hành án dân sự.
Để thi hành có hiệu quả Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết số 24/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, công dân; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
1. Sở Tư pháp có trách nhiệm:
a) Tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu, xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc và các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật thi hành án dân sự, các văn bản hướng dẫn thi hành và Chỉ thị này đến các cơ quan, tổ chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành nghiêm pháp luật về thi hành án dân sự;
b) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh ban hành về quản lý, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự trong thời gian qua, xác định những văn bản không còn phù hợp với quy định của Luật thi hành án dân sự để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung kịp thời;
c) Tổ chức tổng kết việc thực hiện ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự và thực hiện việc chuyển giao việc quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ sang Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh;
d) Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh báo cáo Thường Trực Tỉnh ủy nội dung triển khai Luật thi hành án dân sự, việc chuyển đổi mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật thi hành án dân sự;
đ) Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong các cơ quan Thi hành án dân sự phù hợp với mô hình tổ chức và cơ chế quản lý mới.
2. Thi hành án dân sự tỉnh có trách nhiệm:
a) Rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, đồng thời xây dựng đề án về cơ cấu tổ chức, số lượng biên chế, cơ cấu cán bộ của các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh; quy hoạch cán bộ; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về lý luận chính trị, đạo đức công vụ, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ Thi hành án phù hợp với quy định của Luật thi hành án, báo cáo Tỉnh ủy cho ý kiến để trình Bộ tư pháp kiện toàn các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh;
b) Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức tập huấn Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự và cán bộ, công chức các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh;
c) Chỉ đạo Thi hành án dân sự các huyện, thành, thị phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp tiến hành rà soát các vụ, việc thi hành án thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 5 năm tính đến 01/7/2009, nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành và lập danh sách để đề nghị Tòa án ra quyết định miễn thi hành theo quy định.
3. Sở Xây dựng có trách nhiệm: Chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Tài chính và UBND các huyện, thành, thị rà soát, lập quy hoạch sử dụng đất, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định giao cho các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh xây dựng trụ sở, kho tang vật theo mô hình tổ chức của Luật thi hành án dân sự.
4. Sở tài chính có trách nhiệm: Chỉ đạo cơ quan tài chính cấp huyện thực hiện việc bảo đảm tài chính từ ngân sách Nhà nước để thi hành án có hiệu quả theo quy định của pháp luật.
5. Công an tỉnh có trách nhiệm:
a) Chỉ đạo Phòng cảnh sát cơ động, bảo vệ & hỗ trợ Tư pháp; Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cưỡng chế thi hành án, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi chống đối thi hành án;
b) Chỉ đạo Trại tạm giam Công an tỉnh, nơi người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án hoặc thân nhân của họ nộp;
c) Phối hợp vơi Thi hành án dân sự tỉnh đề nghị Tòa án xét miễn, giảm hình phạt cho người phải thi hành án khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
6. Kho bạc nhà nước, các Ngân hàng thương mại, Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm: Thực hiện các quy định của Luật thi hành án dân sự về trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin, số liệu, số tài khoản kịp thời, chính xác và thực hiện các yêu cầu của cơ quan thi hành án trong việc phong tỏa tài khoản, tài sản, thực hiện việc khấu trừ tiền, tài sản của người phải thi hành án.
7. UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Thi hành án dân sự trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Luật thi hành án dân sự.
8. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Luật thi hành án dân sự ở cấp, ngành mình.
Sở Tư pháp có trách nhiệm phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Thi hành án dân sự tỉnh đôn đốc, kiểm tra và định kỳ báo cáo UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |