Chỉ thị 38-CT/TW năm 2019 về tiếp tục đổi mới, phát huy vai trò và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Số hiệu | 38-CT/TW |
Ngày ban hành | 19/09/2019 |
Ngày có hiệu lực | 19/09/2019 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Ban Chấp hành Trung ương |
Người ký | Trần Quốc Vượng |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 38-CT/TW |
Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2019 |
CHỈ THỊ
CỦA BAN BÍ THƯ
VỀ TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT HUY VAI TRÒ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HIỆP CÁC TỔ CHỨC HỮU NGHỊ VIỆT NAM TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 02/12/2008 của Ban Bí thư khóa X (Chỉ thị 28) về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (Liên hiệp) đã đạt được kết quả quan trọng. Hoạt động của Liên hiệp đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, tranh thủ được nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; đóng góp tích cực vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới. Tuy nhiên, Liên hiệp chưa thực sự phát huy đầy đủ vai trò và lợi thế của mình trong công tác đối ngoại. Việc thể chế hóa Chỉ thị 28 còn chậm, thiếu đồng bộ; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ của Liên hiệp chưa được quan tâm chăm lo xây dựng.
Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên, phát huy kết quả đã đạt được, Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện các nội dung sau:
1. Tiếp tục khẳng định Liên hiệp là tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về đối ngoại nhân dân trong lĩnh vực hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác nhân dân, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có vai trò nòng cốt trong hoạt động đối ngoại nhân dân và công tác vận động phi chính phủ nước ngoài; là tổ chức làm công tác chính trị đối ngoại và là bộ phận cấu thành của lực lượng đối ngoại chuyên trách của nước ta. Liên hiệp được tổ chức chặt chẽ, được bảo đảm biên chế, các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, kinh phí và điều kiện làm việc.
2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” với các nhiệm vụ, giải pháp chính sau đây:
- Phát huy tốt vai trò và trách nhiệm của Đảng đoàn Liên hiệp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức và hoạt động của Liên hiệp, nhất là trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, góp phần bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại đáng và ngoại giao nhà nước, tạo thành sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ chuyên trách của Liên hiệp vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Khuyến khích huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động của Liên hiệp, đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ theo quy định.
- Tiếp tục mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối tác, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Chú trọng phát triển quan hệ ổn định và có chiều sâu với các tổ chức nhân dân của các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước lớn, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các đối tác quan trọng khác. Duy trì, thúc đẩy quan hệ với các tổ chức cánh tả, tiến bộ, các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam.
- Chú trọng nội dung chính trị trong các hoạt động đối ngoại của Liên hiệp để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, đoàn kết rộng rãi của nhân dân thế giới đối với Việt Nam; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, uy tín và hình ảnh quốc tế của đất nước ta, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội và phát triển.
- Tích cực tham gia công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước, đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các nước.
- Nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu và thông tin đối ngoại của Liên hiệp.
3. Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn và đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với Liên hiệp, bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho Liên hiệp và các tổ chức thành viên, liên hiệp cấp tỉnh thực hiện và hòan thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
4. Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ hướng dẫn Đảng đoàn Liên hiệp chỉ đạo xây dựng mô hình cơ quan lãnh đạo, kiểm tra và cơ quan tham mưu, giúp việc theo hướng thống nhất với mô hình tương ứng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, bảo đảm tinh gọn, hoạt động thực chất, hiệu quả.
5. Ban cản sự đảng Chính phủ lãnh đạo thể chế hóa Chỉ thị, thực hiện thống nhất việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí hoạt động, chính sách, chế độ tiền lương, phụ cấp chức vụ cán bộ chuyên trách của Liên hiệp; có cơ chế, chính sách phù hợp để huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động của Liên hiệp theo yêu cầu nhiệm vụ.
6. Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao lãnh đạo thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao đối với công tác đối ngoại của Liên hiệp; hướng dẫn, phối hợp với Đảng đoàn Liên hiệp thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại và hoạt động đối ngoại quan trọng.
7. Đảng đoàn Liên hiệp quán triệt, phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị; chủ trì, phối hợp với Ban đối ngoại Trung ương xây dựng, trình Ban Bí thư Quy định tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình giới thiệu nhân sự bầu cử các chức danh lãnh đạo Liên hiệp và lãnh đạo các tổ chức thành viên Liên hiệp.
8. Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì tham mưu giúp Ban Bí thư trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp; hướng dẫn Liên hiệp triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Ban Bí thư.
|
T/M BAN BÍ THƯ |