Chỉ thị 28/2001/CT-TTg về việc tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 28/2001/CT-TTg
Ngày ban hành 28/11/2001
Ngày có hiệu lực 13/12/2001
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 28/2001/CT-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2001

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TIẾP TỤC TẠO MÔI TRƯỜNG KINH DOANH THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

Gần 2 năm qua, kể từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành, môi trường sản xuất kinh doanh đã được cải thiện đáng kể. Chính phủ đã tiến hành một bước cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, thủ tục hải quan; đã bãi bỏ nhiều giấy phép cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, hoàn thiện cơ chế tín dụng, chính sách thuế... tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh của mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, các chính sách ban hành còn chưa đồng bộ, đôi lúc chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Trong thực hiện, có nơi, có lúc chưa thi hành đúng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật nên gây ra những thắc mắc, khiếu kiện, thậm chí có những vụ việc kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, kết quả sản xuất kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp.

Nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX của Đảng; góp phần thực hiện kế hoạch năm 2001 và 2002, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Phối hợp với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và các Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục rà soát những văn bản đã ban hành và trình cấp có thẩm quyền bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung những văn bản không phù hợp với Luật Doanh nghiệp và gây khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp.

- Trong tháng 12 năm 2001, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong đăng ký kinh doanh.

- Tăng cường năng lực của cơ quan đăng ký kinh doanh ở địa phương.

- Sớm nối mạng thông tin doanh nghiệp giữa cơ quan đăng ký kinh doanh các tỉnh, thành phố với Trung tâm Thông tin doanh nghiệp của Bộ.

2. Bộ Tài chính:

- Trước tháng 3 năm 2002, nghiên cứu ban hành bổ sung danh mục thuế chi tiết hàng hoá xuất nhập khẩu với mức thuế phù hợp. Đối với những nguyên liệu, phụ tùng mà trong nước chưa sản xuất được, phải nhập khẩu mà có tỷ trọng lớn đưa vào sản xuất cần có mức thuế phù hợp, tránh tình trạng mức thuế nhập khẩu của sản phẩm hoàn chỉnh lại thấp hơn mức thuế nhập khẩu của nguyên liệu hoặc phụ tùng lắp ráp.

- Sửa đổi cơ chế và thời hạn hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có giá trị thấp để không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng vốn của doanh nghiệp.

- Trong quá trình xây dựng đề án sửa đổi, bổ sung một số luật thuế để trình Quốc hội cần nghiên cứu sửa đổi các mức thuế giá trị gia tăng cho phù hợp với từng loại hàng nhằm khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trong nước.

- Trình Chính phủ phương án xử lý nợ khê đọng trong doanh nghiệp. Trước tháng 3 năm 2002 trình Thủ tướng Chính phủ đề án thành lập Công ty mua bán nợ và tài sản của doanh nghiệp nhà nước.

- Trong quý I năm 2002 trình Chính phủ cơ chế quản lý tài chính đối với doanh nghiệp dân doanh, đặc biệt là sửa đổi mẫu báo cáo tài chính ban hành kèm theo Quyết định số 167/2000/QĐ-BTC ngày 25 tháng 10 năm 2000 để vừa bảo đảm Nhà nước quản lý được, vừa đơn giản để doanh nghiệp thực hiện.

3. Bộ Thương mại:

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan thực hiện các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu ghi tại Nghị quyết số 12/2001/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 10 năm 2001.

- Tăng cường và cải tiến công tác thông tin thị trường thương mại, dự báo tình hình diễn biến thị trường và giá cả để giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.

- Chỉ đạo cơ quan quản lý thị trường ngăn chặn có hiệu quả hơn việc sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng trốn lậu thuế.

- Phối hợp với Tổng cục Hải quan rà soát lại văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 20/1999/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 1999 về kinh doanh dịch vụ giám định hàng hoá để sửa đổi, bổ sung những điểm không thống nhất.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu cơ chế đơn giản hoá thủ tục cho vay đối với doanh nghiệp dân doanh, nhất là đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu để loại hình doanh nghiệp này có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng.

5. Trước tháng 3 năm 2002, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ Quy chế thành lập và hoạt động của các Hội nghề nghiệp, với yêu cầu Hội không những đại diện cho doanh nghiệp mà còn thực hiện được vai trò thỏa thuận, điều hòa về quy mô sản xuất, giá cả, chất lượng sản phẩm và phân công thị trường...

6. Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng an ninh kinh tế, cảnh sát kinh tế, cảnh sát điều tra chấn chỉnh lại công tác kiểm tra, điều tra, không hình sự hoá các sai phạm trong giao dịch kinh tế.

7. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan thể hiện bằng văn bản những ý kiến mà đại diện của các cơ quan nói trên đã phát biểu tại cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp trong hai ngày 13 - 14 tháng 9 năm 2001, kể cả những ý kiến giải thích về cơ chế chính sách cũng như ý kiến xử lý vụ việc cá biệt công bố công khai để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 22/2001/CT-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

9. Các Bộ, ngành, địa phương:

- Khẩn trương rà soát lại những cơ chế, chính sách thuộc chức năng nhiệm vụ quản lý của mình liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thẩm quyền, chủ động sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành cơ chế mới theo hướng tháo gỡ khó khăn, tạo khung pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Trong quá trình soạn thảo các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, nhất thiết cơ quan soạn thảo phải lấy ý kiến tham gia của doanh nghiệp thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

[...]
3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ