Chỉ thị 26/2007/CT-UBND tăng cường thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 26/2007/CT-UBND
Ngày ban hành 24/07/2007
Ngày có hiệu lực 03/08/2007
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Lê Kim Anh
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN

---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2007/CT-UBND

Tuy Hòa, ngày 24 tháng 7 năm 2007

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM

Ngày 29/04/2005, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Kế hoạch số 684/KH-UB triển khai thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2005-2010 theo Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ; Đồng thời ra Quyết định số 1238/2005/QĐ-UB ngày 08/6/2005 thành lập Tiểu ban chỉ đạo Chương trình 130 tỉnh; ban hành quy chế hoạt động của Tiểu ban chỉ đạo và Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định thành lập Văn phòng thường trực Tiểu ban chỉ đạo chương trình 130/CP tỉnh đặt tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội.

Qua 2 năm thực hiện công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em đã có những chuyển biến tích cực trong các ngành, các cấp. Các đề án trong chương trình được từng ngành thành viên và Tiểu ban chỉ đạo 130 các huyện, thành phố trong Tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhất định trong tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và tiếp nhận giúp đỡ nạn nhân; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội, bước đầu tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ trong phòng ngừa và trấn áp tội phạm, thực hiện qui trình tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Tuy nhiên, tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em hiện nay vẫn còn diễn biến phức tạp. Bọn tội phạm đã dùng mọi thủ đoạn, triệt để lợi dụng sự mềm yếu, tính dễ tổn thương của phụ nữ, trẻ em để lừa gạt, dụ dỗ, lôi kéo như: chúng hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, lợi dụng hợp tác lao động, kết hôn, cho nhận con nuôi... để buôn bán ra nước ngoài. Đã có phụ nữ, trẻ em trở thành nạn nhân của chúng. Tình hình trên đã ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục, nòi giống của dân tộc ta và là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.

Để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 16/2007/CT-TTg ngày 27/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau đây:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Công tác phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em mang tính xã hội sâu sắc. Do vậy, đòi hỏi sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, vai trò tổ chức chỉ đạo thực hiện của các sở, ngành thành viên và các sở, ngành có liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng, các tổ chức chính trị, các đoàn thể xã hội trong việc thực hiện công tác phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em nhận thức được âm mưu, phương thức thủ đoạn, hậu quả tác hại, chính sách pháp luật và công tác phòng ngừa, đấu tranh... để mọi người, mọi gia đình chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh ở cộng đồng dân cư, phấn đấu đến năm 2010 cơ bản chặn đứng và giảm tình hình tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

3. Tập trung các lực lượng, các biện pháp, kết hợp chặt chẽ các ngành, đoàn thể kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em không để phát sinh, phát triển phức tạp trên địa bàn tỉnh. Xử lý kiên quyết, nghiêm khắc bọn chủ mưu, cầm đầu tổ chức các đường dây buôn bán phụ nữ, trẻ em liên quan đến nhiều địa phương hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như buôn bán trẻ em dưới 14 tuổi.

4. Tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; Đồng thời nghiên cứu để góp ý đề nghị xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tội hạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

II. CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP

1. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và Chương trình “xóa đói, giảm nghèo”, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; Thực hiện có hiệu quả 4 đề án theo Quyết định số 312/2005/QĐ-TTg ngày 30/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các sở, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực: xuất khẩu lao động, kết hôn và cho nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, xuất, nhập cảnh, du lịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra, khắc phục những sơ hở, thiếu sót về cơ chế, chính sách, pháp luật; Kiên quyết không để bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em lợi dụng hoạt động.

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em với phương châm “phòng ngừa là cơ bản”, hướng về cơ sở, phát huy vai trò cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể xã hội ở phường, xã, thị trấn, thôn, buôn. Kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

4. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp, nắm chắc tình hình, tổ chức điều tra, khám phá, bóc gỡ tận gốc các đường dây, băng nhóm tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em hoạt động xuyên Quốc gia, liên quan nhiều địa phương; Kịp thời triệt xoá các hoạt động bất hợp pháp về xuất khẩu lao động và môi giới kết hôn với người nước ngoài. Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và truy bắt số đối tượng bị truy nã đang lẩn trốn ngoài xã hội.

5. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; Tiếp tục hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục, chế độ, chính sách, phân công, phân cấp giữa các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp nhận và hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ra nước ngoài, sớm đưa họ về đoàn tụ với gia đình, ổn định cuộc sống.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo Công an các huyện và thành phố Tuy Hòa xây dựng, thực hiện các kế hoạch đấu tranh quyết liệt, liên tục với bọn tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

- Phối hợp với Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh tăng cường chỉ đạo công tác tuần tra kiểm soát ở khu vực biên giới biển và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em. Tổ chức thực hiện tốt qui chế phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát nhân dân với Bộ đội Biên phòng theo Kế hoạch liên tịch số 798 ngày 15/11/2006 giữa Công an Tỉnh và Bộ chỉ huy Biên phòng Tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các ban ngành kiên quan thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em giai đoạn 2007-2010.

2. Bộ chỉ huy Biên phòng phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an Tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát ở khu vực biên giới biển, nội địa và đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; Tổ chức tiếp nhận nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt qui chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

4. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện Nghị định số 69/2006/NĐ-CP ngày 21/7/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 68/2002/CP ngày 10/7/2002 qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài.

5. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên và các tổ chức thành viên của Mặt trận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, hội viên, thành viên tích cực tham gia phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.

6. Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em kịp thời và nghiêm minh.

7. Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh:

- Chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp, Tỉnh Đoàn, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kiến thức pháp luật về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em cho mọi người dân.

[...]