Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 312/2005/QĐ-TTG phê duyệt các đề án thuộc chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2005 đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 312/2005/QĐ-TTG
Ngày ban hành 30/11/2005
Ngày có hiệu lực 24/12/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phạm Gia Khiêm
Lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 312/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CÁC ĐỀ ÁN THUỘC CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam,


QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Phê duyệt các đề án thuộc Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2005 đến năm 2010 gồm 04 đề án cụ thể sau (kèm theo Quyết định này):
1. Đề án 1: Tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Cơ quan chủ trì: Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Nội dung Đề án tập trung vào công tác tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật, nâng cao ý thức của nhân dân trong công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.
2. Đề án 2: Đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Cơ quan chủ trì: Bộ Công an và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.
Nội dung Đề án tập trung vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em; triển khai Đề án ở khu vực nội địa (tiểu dự án 1) do Bộ Công an chủ trì, triển khai Đề án ở khu vực biên giới (tiểu dự án 2) do Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ trì.
3. Đề án 3: Tiếp nhận và hỗ trợ những phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về.
Cơ quan chủ trì: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nội dung Đề án tập trung vào công tác tiếp nhận, hồi hương, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.
4. Đề án 4: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em.
Cơ quan chủ trì: Bộ Tư pháp.
Nội dung Đề án tập trung vào công tác nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em.

Điều 2. Thời gian thực hiện các đề án từ năm 2005 đến năm 2010, gồm 2 giai đoạn:
- Giai đoạn I: từ năm 2005 đến năm 2007.
- Giai đoạn II: từ năm 2008 đến năm 2010.

Điều 3. Kinh phí thực hiện và tổ chức thực hiện các đề án thuộc Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em:
- Kinh phí thực hiện:
+ Từ ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.
+ Từ các nguồn vốn hợp pháp khác trong và ngoài nước, đóng góp của cộng đồng, tài trợ quốc tế.
+ Các Bộ, ngành chủ trì các đề án phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí trong kế hoạch hàng năm để thực hiện các đề án đúng tiến độ.
- Các Bộ, ngành, đoàn thể được giao chủ trì các đề án có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể có liên quan ở Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện các đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 5. Giao cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 130/CP của Chính phủ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện các đề án trên, định kỳ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 


KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG



 
Phạm Gia Khiêm

 
 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM
BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010
CỦA CHÍNH PHỦ

 

ĐỀ ÁN

TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC TRONG CỘNG ĐỒNG VỀ
PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM
TỪ NĂM 2005 ĐẾN NĂM 2010

 

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

 

1. Thực trạng tình hình buôn bán phụ nữ, trẻ em (BBPNTE)

Tình hình  buôn bán phụ nữ và trẻ em trong những năm qua đã và đang diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng và xu hướng gia tăng không chỉ trong nước, mà trong khu vực và trên toàn thế giới. Theo số liệu của Bộ Công an, cho đến nay đã có hàng chục nghìn PNTE Việt Nam bị buôn bán để làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp, buộc phải lao động trong điều kiện tồi tệ. Họ bị bóc lột tình dục, bóc lột lao động hoặc bị sử dụng vào những mục đích thương mại, vô nhân đạo khác. Báo cáo của Bộ Tư lệnh Biên phòng, từ năm 2000 đến 2004, phát hiện, bắt giữ 196 vụ/403 đối tượng, triệt phá 53 đường dây buôn bán PNTE qua biên giới, giải thoát cho 641 phụ nữ bị lừa bán, phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp nhận 3.667 phụ nữ, trẻ em Việt Nam bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Đối với tuyến biên giới phía Bắc, từ năm 2000 đến tháng 12 năm 2004, Trung Quốc đẩy về nước ta là 2.917 trường hợp, qua phân loại trong đó có 947 đối tượng bị lừa bán, 1.970 đối tượng sang Trung Quốc trái phép với các lý do khác nhau. Đối với tuyến biên giới Tây Nam, từ năm 2000 đến tháng 12 năm 2004 xảy ra 217 vụ/1.395 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán hoặc xuất cảnh trái phép sang Cămpuchia hành nghề mại dâm, đã có hàng nghìn trường hợp trở về.

Tội phạm trong nước liên kết với tội phạm các nước, lừa bán PNTE từ các vùng nông thôn, miền núi vào các nhà hàng, ổ chứa mại dâm tại các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, thương mại, qua biên giới. PNTE ở các tỉnh phía Bắc nước ta bị bán sang Trung Quốc chủ yếu để làm vợ, làm mại dâm. Nhiều nạn nhân phải lấy những người đàn ông lớn tuổi ở vùng sâu, kinh tế khó khăn; bị quản lý chặt chẽ về thời gian và kinh tế; có trường hợp phải phục vụ tình dục cho nhiều người trong một gia đình. PNTE từ các các tỉnh phía Nam chủ yếu bị đưa sang Cămpuchia để hành nghề mại dâm tại các nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm mại dâm ở Phnom Penh và các thị xã, thành phố lớn; một số PNTE khác còn bị lừa bán cho người nước ngoài thông qua môi giới hôn nhân, nhận làm con nuôi. ở nước ngoài, do tình trạng nhập cư trái phép, họ phải sống lén lút, mất quyền tự do, nhân phẩm bị chà đạp, bất đồng về ngôn ngữ; nhiều phụ nữ buộc phải tìm cách trở về nước với hai bàn tay trắng, sức khoẻ bị suy giảm, bị mắc các bệnh xã hội, mặc cảm, khó hoà nhập cộng đồng.

Đối tượng dễ bị buôn bán chủ yếu là phụ nữ 18 - 35, trẻ em trong độ tuổi vị thành niên. Đối tượng này chủ yếu thường sống ở vùng nông thôn, miền núi, trình độ văn hoá thấp, nhận thức xã hội hạn chế, thiếu hiểu biết, cả tin, không có việc làm ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn hoặc do bị thương tổn, đổ vỡ trong hôn nhân, hoàn cảnh gia đình éo le, trắc trở, muốn có nhiều tiền, không có việc làm. Trẻ em bị buôn bán thường là những trẻ em lang thang, thiếu sự quan tâm, giáo dục, quản lý của gia đình hoặc bị bỏ rơi, bị bắt cóc, dụ dỗ lừa đảo đem đi bán.

BBPNTE là một loại tội phạm nguy hiểm xâm hại trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ, tính mạng của phụ nữ và trẻ em; ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. BBPNTE không những là vi phạm thô bạo đến quyền con người mà còn làm tăng đáng kể nguy cơ lây nhiễm các bệnh xã hội, HIV/AIDS  trong cộng đồng, làm mất đi nguồn nhân lực lao động, gây thiệt hại về kinh tế cho gia đình, cho xã hội.

2.  Đánh giá hoạt động truyền thông, giáo dục PCBBPNTE

a) Những điểm thành công:

Trong những năm qua, hoạt động truyền thông, giáo dục, tư vấn, vận động cộng đồng PCBBPNTE đã góp phần phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm BBPNTE; nhận thức của cán bộ, nhân dân về nguyên nhân, hậu quả và thủ đoạn của bọn buôn người đã có những chuyển biến rõ rệt. Công tác phối hợp liên ngành đã phát huy sức mạnh trong việc tuyên truyền, giáo dục ngăn ngừa tội phạm BBPNTE.

Hoạt động tuyên truyền, giáo dục PCBBPNTE được tổ chức với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng như: truyền thông trực tiếp, băng video, đĩa CD, băng cátset, văn hoá văn nghệ, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt tổ phụ nữ, đã chuyển tải nhiều thông tin tới đông đảo các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt tranh thủ hiệu quả của hệ thống thông tin đại chúng, góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, tạo sự ủng hộ và giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương trong công tác PCBBPNTE.Tại một số địa bàn trọng điểm đã xây dựng được các mô hình truyền thông hỗ trợ cho các nạn nhân tái hoà nhập cộng đồng đạt hiệu quả, mang tính thiết thực cao.

Đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, cộng tác viên ở những địa phương có chương trình, dự án về PCBBPNTE đã được tập huấn nâng cao năng lực và tổ chức được các hoạt động truyền thông về PCBBPNTE đạt hiệu quả ở cộng đồng.

Hoạt động trao đổi, chia xẻ kinh nghiệm về truyền thông PCBBPPNTE qua các hội thảo song phương, chiến dịch truyền thông chung PCBBPNTE, các cuộc họp thường niên giữa các ngành của Việt Nam với Trung Quốc; hội thảo giữa Hội LHPN Việt Nam với Hội LHPN Lào và Bộ phụ nữ Campuchia, tham gia một số hội thảo Quốc tế và khu vực cũng góp phần khẳng định thêm mức độ nghiêm trọng của tình hình BBPNTE cũng như đưa ra những định hướng, giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và giảm dần tình trạng BBPNTE.

b) Những khó khăn và thách thức:

[...]