Chỉ thị 26/1999/CT-TTg về giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất và xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 26/1999/CT-TTg |
Ngày ban hành | 08/09/1999 |
Ngày có hiệu lực | 23/09/1999 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Thương mại,Xuất nhập khẩu |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/1999/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 1999 |
CHỈ THỊ
VỀ CÁC GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN ĐỂ ĐẨY MẠNH ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT VÀ XUẤT KHẨU
Trong các ngày 23 - 24 tháng 8 năm 1999, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với các Tổng công ty Nhà nước để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh đầu tư, phát triển sản xuất và xuất khẩu.
Theo báo cáo của Bộ Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Thường trực Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp Trung ương mấy năn vừa qua mức tăng trưởng công nghiệp và đầu tư có xu thế giảm dần: Năm 1996 tăng 14,5%, năm 1997 tăng 12,6%, năm 1998 tăng 10,3% và 7 tháng đầu năm 1999 tăng 10,4% (các doanh nghiệp thuộc Bộ Công nghiệp chỉ đạt 4,3%). Hai trung tâm kinh tế lớn là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng trong tình trạng tương tự. Sản xuất thuộc các ngành công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là khu vực doanh nghiệp Nhà nước; vốn đầu tư từ ngân sách và vốn tín dụng đầu tư triển khai chậm; các biện pháp kích cầu về đầu tư và tiêu dùng chưa được đẩy mạnh, sức mua có chiều hướng chững lại.
Một số nguyên nhân chính làm tốc độ tăng trưởng chậm lại là do: Ngành Công nghiệp và lĩnh vực đầu tư tiếp tục bị ảnh hưởng và phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ ở khu vực; thiết bị công nghệ ở nhiều nhà máy đã lạc hậu, chất lượng hàng hoá kém, năng suất lao động thấp, chi phí lớn, giá thành cao. Hàng hoá của các doanh nghiệp sản xuất ra không những phải cạnh tranh với hàng hoá nhập lậu, trốn thuế, gian lận thương mại mà còn phải cạnh tranh với hàng hoá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bán ra trên thị trường trong nước. Trong khi đó về tổ chức sản xuất kinh doanh của các Tổng công ty Nhà nước còn nhiều bất cập.
Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 1999, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Tổng công ty, Công ty Nhà nước thực hiện các nhiệm vị cấp bách sau đây:
1. Các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm:
+ Trên cơ sở những giải pháp lớn của Chính phủ đã ghi rõ tại Nghị quyết số 08/1999/NQ-CP và ý kiến của các Bộ đã giải đáp các kiến nghị của các Tổng công ty tại cuộc họp ngày 23 - 24 tháng 8 năm 1999, từng Bộ phải chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành các văn bản pháp quy giải quyết tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp từ cơ chế chính sách đến các nhiệm vụ cụ thể theo thẩm quyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy, đầu tư, sản xuất kinh doanh phát triển vững chắc giữ được tốc độ tăng trưởng để hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 1999 và các năm tiếp theo.
+ Thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền các dự án có hiệu quả để các Tổng công ty triển khai thực hiện theo kế hoạch đề ra. Đồng thời chỉ đạo công tác giải ngân để các dự án không bị ách tắc.
+ Tiếp tục chỉ đạo các Tổng công ty Nhà nước kiện toàn về tổ chức và sắp xếp các đơn vị thành viên để hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
+ Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm nghiên cứu để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành "Cơ chế tài chính đối với các Tổng công ty Nhà nước" theo nguyên tắc các Tổng công ty Nhà nước tích tụ được vốn để phát triển và có sự kiểm tra giám sát của các Bộ quản lý Nhà nước và các cơ quan tài chính liên quan.
+ Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra về kết quả xử lý các kiến nghị, những ách tắc sản xuất kinh doanh và đầu tư của các Tổng công ty và hàng tháng báo cáo kết quả và đề xuất các nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
2. Các Tổng công ty Nhà nước có trách nhiệm:
+ Các Tổng công ty phải có trách nhiệm xây dựng chiến lược đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh từ nay đến năm 2010. Khi xây dựng chiến lược phải nghiên cứu thị trường trong nước, ngoài nước, nghiên cứu xu thế phát triển của thế giới và khu vực. Chiến lược phát triển ngành phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội của cả nước đang được soạn thảo để chuẩn bị trình Đại hội Đảng lần thứ IX. Bộ quản lý chuyên ngành phải thông qua chiến lược, một số ngành quan trọng các Bộ phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Các Tổng công ty Nhà nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh với hàng hoá do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất trong nước và hàng hoá các nước khu vực. Phải có chương trình và kế hoạch đổi mới công nghệ các thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hạ giá thành.
+ Nước ta đang trong quá trình hội nhập, các doanh nghiệp phải khẩn trương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tham gia hội nhập vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và khu vực mậu dịch tự do Châu Á (AFTA).... Các Tổng công ty Nhà nước phải xác định cho được khả năng cạnh tranh và chống độc quyền. Phải phấn đấu để hàng hoá có chất lượng cao và bằng nhiều hình thức để đổi mới thiết bị, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành; làm tốt công tác tiếp thị trong nước và ngoài nước để phát triển sản xuất.
+ Muốn thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, các Tổng công ty Nhà nước phải làm giỏi hơn, hiệu quả hơn các Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác (các sản phẩm làm ra phải tốt hơn, chất lượng hơn, rẻ hơn....). Phấn đấu để đạt được các tiêu chuẩn ISO - 9000, ISO - 9001, ISO - 9002, đó là vấn đề hết sức quan trọng và là vấn đề sống còn trong sản xuất kinh doanh, là giấy thông hành để xuất khẩu hàng hoá ra thị trường quốc tế.
+ Các Tổng công ty Nhà nước cần phải nghiên cứu đa dạng hoá loại hình sản xuất kinh doanh, kết hợp chặt chẽ mô hình sản xuất - chế biến - tiêu thụ đó là một quá trình gắn bó tất yếu, không thể tách riêng từng khâu; chúng ta đã xây dựng được nhiều mô hình tốt, yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp cần tổng kết rút kinh nghiệp mô hình gắn kết giữa nhà máy với vùng nguyên liệu như ở nhà máy đường Lam Sơn, vùng nguyên liệu thuốc lá với các nhà máy chế biến thuốc lá, vùng nguyên liệu bông với các nhà máy kéo sợi... Cần phát triển kinh nghiệm các mô hình này trong nhiều ngành hàng khác như: Cà phê, Cao su, giấy, sản xuất chế biến sữa... nhằm tạo được sự ổn định sản xuất trên cơ sở phát triển ngày càng ổn định các vùng nguyên liệu, đảm bảo lợi ích của người nông dân.
+ Phải có chương trình đào tạo cán bộ, bố trí cán bộ có đủ năng lực vào những vị trí quan trọng của doanh nghiệp để đáp ứng với tình hình và nhiệm vụ mới, đồng thời kiên quyết thải loại cán bộ thoái hoá, chây lười và không có năng lực. Tiếp tục sắp xếp, cổ phần hoá các doanh nghiệp Nhà nước và thực hiện thí điểm chủ trương bán, khoán, cho thuê các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
3. Tiêu thụ sản phẩm tồn đọng:
Hiện nay quy mô sản xuất của các ngành tuy còn nhỏ bé nhưng cung đã vượt cầu, mức tiêu thụ sản phẩm phụ thuộc vào đời sống của nhân dân. Vì vậy Chính phủ đã có chủ trương:
- Kích cầu qua đầu tư xây dựng cơ bản, huy động vốn trong nước đảm bảo mức vốn đầu tư vượt kế hoạch. Các ngành Giao thông vận tải, Thuỷ lợi, Điện lực, Bưu chính viễn thông, Dầu khí chiếm tỷ trọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản lớn trong xã hội phải phấn đấu hoàn thành vượt mức đã quy định trong kế hoạch năm 1999. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm nay không thiếu, vì vậy không thể chấp nhận để vỡ kế hoạch đầu tư đối với các dự án có hiệu quả đã được phê duyệt và được ghi kế hoạch. Các Tổng công ty cần rà soát khẩn trương nghiêm túc để có giải pháp thúc đẩy các dự án đang trì trệ chưa thực hiện đúng tiến độ, bổ sung ngay các dự án đầu tư đã đủ thủ tục để thực hiện ngay từ nay đến cuối năm.
- Kích cầu qua tiêu dùng: Dân ta con nghèo, việc nâng cao sức tiêu dùng phải nghiên cứu và thực hiện đa dạng hoá phương thức bán hàng, kể cả phương thức bán hàng trả chậm. Nhu cầu đầu tư trong nông thôn đang hết sức cấp bách và cần thiết như đường giao thông, kiên cố hoá kênh mương, mạng cung cấp điện, trường học, trạm Y tế, nhà ở...., ngành sản xuất vật liệu xây dựng phải nghiên cứu các cơ chế, chính sách để cung cấp vật liệu xây dựng cho thị trường rộng lớn này.
Với tinh thần trách nhiệm cao của các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các địa phương, với tinh thần chủ động khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất, đẩy mạnh đầu tư mở rộng thị trường, chúng ta tin tưởng rằng những tháng còn lại của năm 1999 sẽ tạo bước phát triển mới trong sản xuất, đầu tư và xuất khẩu, nhất định các Tổng công ty Nhà nước sẽ phấn đầu hoàn thành kế hoạch năm 1999 và các năm tiếp theo.
|
Phan Văn Khải (Đã ký) |