Chỉ thị 25/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành

Số hiệu 25/CT-UBND
Ngày ban hành 30/09/2014
Ngày có hiệu lực 30/09/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Dương
Người ký Lê Thanh Cung
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/CT-UBND

Bình Dương, ngày 30 tháng 09 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP KINH DOANH DỊCH VỤ BẢO VỆ

Ngày 22/4/2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2008/NĐ-CP thay thế Nghị định số 14/2001/NĐ-CP ngày 25/4/2001 về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Ngày 14/7/2009, Bộ Công an ban hành Thông tư số 45/2009/TT-BCA(C11) hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 52/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Qua 5 năm triển khai thực hiện, nhìn chung các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ đã có ý thức chấp hành theo đúng các quy định của pháp luật, bảo vệ an toàn tài sản của người dân, doanh nghiệp, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự tại địa phương. Đồng thời, đã tạo được việc làm ổn định cho người lao động nhất là lực lượng Công an và bộ đội đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ. Qua đó đã tạo được niềm tin cho các doanh nghiệp, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và nhân dân.

Tuy nhiên công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ vẫn còn sơ hở, thiếu sót; quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp trong công tác quản lý, trao đổi thông tin chưa chặt chẽ; công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa bàn tỉnh của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời; hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều công ty, chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động mà không có Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; sáng lập viên của các doanh nghiệp dù chưa đủ trình độ quản lý, không có năng lực tài chính nhưng vẫn đứng ra thành lập doanh nghiệp dẫn đến tình trạng sử dụng bằng cấp giả, giấy ký quỹ giả (vốn pháp định) để nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự; do lực lượng lao động đối với ngành, nghề này đang thiếu nên các doanh nghiệp đều thông báo tuyển nhân viên với số lượng lớn mà không kiểm tra kỹ sức khỏe, lý lịch và trình độ học vấn, không ký kết đầy đủ hợp đồng lao động với nhân viên; một số doanh nghiệp được thành lập, song không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, chuyển nhượng không xin phép hoặc hoạt động biến tướng gây khó khăn cho cơ quan quản lý. Thậm chí còn nhiều doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ do quản lý nhân viên không chặt chẽ để nhân viên thực hiện những hành vi, vi phạm pháp luật như: gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích, trộm cắp.v.v... điển hình là trong đợt công nhân bị kích động biểu tình, gây rối ngày 13/5/2014, nhân viên dịch vụ bảo vệ của một số doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ đã cấu kết với tội phạm lợi dụng tình hình mất an ninh, trật tự để chiếm đoạt tài sản của các doanh nghiệp.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với ngành nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:

1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng nội dung có liên quan về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ đến các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này; phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, qua đó lồng ghép và tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật đồng thời phối hợp với cơ quan, tổ chức ngăn ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm và phạm tội để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình, Tỉnh đoàn thanh niên nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đề ra các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, nội dung bám sát thực tế để nhân dân nắm và thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Công an tỉnh:

- Chủ động, phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện công tác đăng ký, quản lý chặt ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng ngành, nghề kinh doanh dịch vụ bảo vệ để hoạt động. Chủ động nắm tình hình có liên quan đến an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa bàn, đề ra các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.

- Chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao hiệu quả công tác thẩm tra, xác minh, xem xét và cấp giấy xác nhận đủ kiện về an ninh, trật tự; không được gây phiền hà, khó khăn hoặc lợi dụng nhiệm vụ quyền hạn được giao để cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp kinh doanh. Phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạchĐầu tư trong công tác đăng ký, quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Kịp thời thông báo đến Sở Kế hoạch và Đầu tư; Ban quản các khu công nghiệp; Cục thuế; Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội về các doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ bị thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự để phối hợp quản lý chặt chẽ.

- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát thống kê đánh giá chất lượng đội ngũ nhân viên dịch vụ bảo vệ (số đã qua đào tạo, số chưa được đào tạo) để có kế hoạch mở các lớp đào tạo huấn luyện theo yêu cầu của các doanh nghiệp và đúng theo quy trình, quy định của Bộ Công an.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ phải thẩm tra, xác minh, xem xét những điều kiện, thủ tục theo quy định của Pháp luật trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ liên hệ với cơ quan Công an có thẩm quyền để được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh. Phối hợp, trao đổi thông tin với ngành Công an nhằm giám sát chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật của doanh nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp, xử lý thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các doanh nghiệp hoạt động không có hoặc đã bị cơ quan Công an thu hồi giấy xác nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

5. Sở Lao động Thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm phối hợp với ngành Công an và Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác quản lý các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn, yêu cầu chủ doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ ký kết hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho nhân viên bảo vệ.

6. Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương lựa chọn các doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ đủ điều kiện hoạt động, chấp hành tốt các quy định pháp luật của Nhà nước để giới thiệu cho các doanh nghiệp ký hợp đồng cung ứng dịch vụ bảo vệ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và trao đổi kịp thời với Công an tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư các thông tin về tình hình an ninh trật tự có liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa bàn quản lý.

7. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp, trao đổi, thông báo cho cơ quan Công an về các thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ trên địa bàn.

Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, thực hiện chỉ thị này, định kỳ 06 tháng và cuối năm tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công an (TC. VII);
- TTTU, TT.HĐND;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công báo tỉnh; website tỉnh;
- LĐVP; V, TH;
- Lưu: VT.

CHỦ TỊCH




Lê Thanh Cung