Chỉ thị 22/2006/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho hoạt động đánh bắt hải sản trên các vùng biển, đặc biệt là đánh bắt xa bờ do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 22/2006/CT-TTg |
Ngày ban hành | 30/06/2006 |
Ngày có hiệu lực | 20/07/2006 |
Loại văn bản | Chỉ thị |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Tài nguyên - Môi trường |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT |
Số: 22/2006/CT-TTg |
Hà Nội, ngày 30 tháng 06 năm 2006 |
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN CHO HOẠT ĐỘNG ĐÁNH BẮT HẢI SẢN TRÊN CÁC VÙNG BIỂN, ĐẶC BIỆT LÀ ĐÁNH BẮT XA BỜ
Sau hơn một năm triển khai thực hiện Luật Thuỷ sản và Nghị định số 66/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ, cũng như các quy định pháp luật có liên quan về bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động thuỷ sản, các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân đã có nhiều cố gắng, đạt được một số kết quả nhất định, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, thiên tai gây ra trên biển. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn trong các hoạt động đánh bắt hải sản, nhất là đánh bắt xa bờ chưa nghiêm chỉnh; công tác tuyên truyền vận động ngư dân và các chủ tàu làm chưa tốt. Thiệt hại về người do cơn bão số 1 (Chanchu) gây ra vừa qua cho thấy công tác bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu thuyền đã bộc lộ nhiều yếu kém như: việc trang thiết bị đảm bảo an toàn (phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc…) không đảm bảo; tàu nhỏ, không đủ điều kiện vẫn tham gia hoạt động đánh bắt xa bờ; công tác quản lý tàu thuyền hoạt động trên các ngư trường chưa chặt chẽ; hệ thống và chế độ thông tin liên lạc sử dụng, khai thác kém hiệu quả và chưa đồng bộ; chỉ huy, ứng cứu khi bão xảy ra thực hiện chưa tốt.
Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động đánh bắt hải sản trên biển, đặc biệt là đánh bắt hải sản xa bờ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển và các Bộ, ngành liên quan thực hiện một số việc sau đây:
1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển:
a) Chỉ đạo chính quyền các cấp, ngành thuỷ sản và các cơ quan chức năng của địa phương hướng dẫn, kiểm tra chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân khai thác hải sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ phải:
- Đảm bảo các tàu đánh bắt hải sản luôn ở trạng thái an toàn, có đầy đủ các trang thiết bị an toàn cho người và tàu (phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, …).; mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên; khai báo với chính quyền và Đồn biên phòng nơi cư trú về hô hiệu và tần số liên lạc của tàu.
- Tàu thuyền khi ra, vào cảng, bến đậu phải thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo; phải thông báo cụ thể ngư trường đang hoạt động (vị trí, toạ độ) cho cơ quan quản lý thuỷ sản và thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết trong quá trình hoạt động trên biển.
- Khi có tai nạn hoặc có bão, thuyền trưởng phải sử dụng các biện pháp cấp bách để đưa tàu cá của mình đến nơi an toàn; thông báo cho Đài thông tin duyên hải, Đồn biên phòng gần nhất vị trí tàu cá của mình, số người có trên tàu và phát tín hiệu cấp cứu khi cần thiết; đồng thời có trách nhiệm tham gia ứng cứu khi phát hiện người và tàu cá khác bị nạn.
b) Chỉ đạo ngành thuỷ sản hướng dẫn ngư dân tổ chức lại sản xuất đánh bắt hải sản trên biển thành các tổ, đội; đặc biệt chú trọng đánh bắt xa bờ phải có các phương án tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có bão, sự cố xảy ra.
c) Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân các chủ tàu cá hiểu rõ lợi ích, tầm quan trọng và nghĩa vụ đối với việc trang bị đầy đủ các thiết bị an toàn, mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên.
2. Các Bộ, ngành Trung ương:
a) Bộ Thuỷ sản:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, chấn chỉnh công tác đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và thuyền viên. Hướng dẫn xây dựng các tổ chức kinh tế tập thể có quy mô, hình thức phù hợp với làng nghề và tập quán của ngư dân; xây dựng mô hình sản xuất đi đôi với dịch vụ hậu cần trên biển, nhằm nâng cao hiệu quả các tàu khai thác, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi có sự cố xảy ra.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu để khai thác, sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành đã được Nhà nước đầu tư nhằm xây dựng hệ thống thông tin và quản lý nghề cá trên biển. Trước mắt, phối hợp sử dụng các Trạm thông tin duyên hải bảo đảm việc thông tin, truyền tin kịp thời về bão, áp thấp nhiệt đới cho tàu thuyền; khẩn trương thiết lập trung tâm thông tin liên lạc để theo dõi tình hình hoạt động của tàu cá trên các vùng biển và xử lý các tình huống theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Uỷ ban quốc gia tìm kiếm, cứu nạn.
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa các khu neo đậu trú bão cho tàu cá vào khai thác, sử dụng đảm bảo đúng mục tiêu, có hiệu quả, nhất là những vị trí ở vùng biển có tần suất bão cao, gần ngư trường lớn.
b) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển phối hợp với lực lượng Công an nhân dân, Thanh tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản và chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, kiên quyết không cho người và tàu cá đi hoạt động nếu chưa có đủ trang thiết bị an toàn, người đi trên tàu cá mà không đủ phao cứu sinh.
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia có biện pháp sớm đưa cảnh báo bão trước 48 giờ, đặc biệt đối với các trường hợp bão đang di chuyển trên biển Đông để thông tin, truyền tin cho tàu thuyền trên biển phòng, tránh kịp thời.
d) Đài Tiếng nói Việt Nam và các Đài thông tin duyên hải kiểm tra, rà soát phương án để bảo đảm phủ sóng có chất lượng tốt trên toàn bộ vùng biển của nước ta và vùng biển quốc tế nơi có các tàu thuyền Việt Nam hoạt động, đồng thời tăng số lần phát tin dự báo bão để các địa phương ven biển và tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động phòng tránh.
đ) Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn xây dựng các phương án chỉ đạo ứng cứu trên biển, đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn người và tàu thuyền kịp thời, có hiệu quả; là đầu mối thông tin liên lạc, đầu mối chỉ huy, chỉ đạo các ngành, các địa phương trong việc phòng, tránh và cứu nạn, cứu hộ khi thiên tai xảy ra.
|
THỦ TƯỚNG |