Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2014 xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 do tỉnh Long An ban hành

Số hiệu 21/CT-UBND
Ngày ban hành 12/09/2014
Ngày có hiệu lực 12/09/2014
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Đỗ Hữu Lâm
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/CT-UBND

Long An, ngày 12 tháng 09 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã đạt được một số thành tựu quan trọng trong việc phát triển kinh tế và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên do ảnh hưởng chung từ diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế.

Để khắc phục khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội và phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo; thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016­-2020, UBND tỉnh yêu cầu các Sở ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020 với những nội dung sau:

I. NHỮNG NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2016-2020

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 phải được xây dựng trên cơ sở tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh và trên cơ sở dự báo tình hình trong và ngoài nước giai đoạn 2016-2020, từ đó xác định mục tiêu phát triển của kế hoạch 5 năm phù hợp với mục tiêu Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và điều kiện thực tế của tỉnh.

Những nội dung chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 gồm:

1. Về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015

Trên cơ sở đánh giá tình hình giữa kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các ngành, các địa phương về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; các sở ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố ước thực hiện kế hoạch năm 2014, dự kiến kế hoạch năm 2015, đánh giá toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; trong đó chú trọng các mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, các Nghị quyết của HĐND tỉnh, các Quyết định của UBND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-­2015. Các nội dung cần tập trung đánh giá bao gồm:

a) Tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, trong đó chú trọng đánh giá thêm tình hình thực hiện các giải pháp, chính sách nhằm kiềm chế lạm phát, ngăn chặn suy giảm kinh tế, tăng trưởng bền vững đi đôi với việc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.

b) Đánh giá những kết quả, thành tựu về tăng trưởng đi đôi với phát triển bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế (cơ cấu ngành và nội bộ ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, cơ cấu lao động). Đánh giá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đầu tư phát triển do tác động trực tiếp từ việc hội nhập kinh tế quốc tế.

c) Phân tích sâu về chất lượng tăng trưởng của từng ngành, địa phương; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chủ yếu; việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, nhất là đất đai, nguồn tài nguyên nước; chất lượng nguồn nhân lực; khai thác và sử dụng các cơ sở vật chất - kỹ thuật, ứng dụng thành tựu khoa học và đổi mới công nghệ.

d) Việc huy động và sử dụng các nguồn vốn, bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn tín dụng đầu tư của nhà nước và tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, nguồn vốn từ khu vực dân cư, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các khoản viện trợ phi chính phủ (NGO), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nguồn tài chính doanh nghiệp. Tình hình, tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án lớn khác trên địa bàn tỉnh.

đ) Những kết quả về phát triển và đổi mới giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, y tế, thông tin, văn hóa, thể dục thể thao, bảo vệ trẻ em, phát triển thanh niên, chăm sóc người có công và bình đẳng giới; thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng... quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

e) Đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; kết quả về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

g) Đánh giá về công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương, chất lượng đội ngũ cán bộ; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Khi đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015, phải làm rõ được kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng, các Nghị quyết, Chương trình, Chương trình hành động của Tỉnh ủy về các vấn đề: 4 chương trình đột phá, 9 công trình trọng điểm của tỉnh; chương trình Hội nhập kinh tế quốc tế; vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa…; kết quả thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh trong việc thực hiện kế hoạch hàng năm để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Đồng thời, phải làm rõ những tồn tại, yếu kém so với mục tiêu đã đề ra; làm rõ nguyên nhân thành công và chưa thành công, nguyên nhân khách quan và chủ quan; trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từ đó rút ra được những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển sắp tới của tỉnh.

2. Về nội dung kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 xây dựng trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực phục hồi đà tăng trưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong nước, kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức; đặc biệt các diễn biến ở biển Đông có thể có tác động ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của cả nước và của tỉnh. Trong tỉnh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh khó lường, giá cả nông sản không ổn định; tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng còn yếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; dịch vụ phát triển chậm; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; công tác cải cách hành chính chưa theo kịp yêu cầu phát triển; vẫn còn tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định về trật tự xã hội; tình hình tai nạn giao thông, tội phạm còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh những khó khăn, thách thức giai đoạn 2016-2020 tỉnh ta cũng có nhiều thuận lợi khi nội lực của tỉnh đã lớn mạnh hơn nhiều, cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và năng lực sản xuất tiếp tục được tăng cường; một số dự án lớn dự kiến đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng; những kết quả bước đầu của tái cơ cấu kinh tế tạo ra những chuyển biến mới đối với sự phát triển của tỉnh. Sự ổn định về chính trị - xã hội là nền tảng vững chắc cho sự phát triển.

a) Mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020

Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá cao trong giai đoạn đầu và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng vào giai đoạn cuối kỳ kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng bền vững. Huy động mọi nguồn lực phục vụ tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh. Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm. Tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nguồn nhân lực. Nâng cao chất lượng công tác quản lý các cấp, cải cách thủ tục hành chính theo chiều sâu. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Củng cố và mở rộng các quan hệ đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế.

b) Định hướng phát triển và các nhiệm vụ chủ yếu:

- Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2016-2020 (theo giá so sánh năm 2010) tăng 11-12%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm (theo tiêu chí mới).

- Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu trên các ngành, lĩnh vực. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Tiếp tục thực hiện các chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội đã thực hiện trong giai đoạn 2011-2015: Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước phục vụ phát triển công nghiệp; Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới; Chương trình khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị đến năm 2020. Tập trung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

- Tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và cải cách hành chính; tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng.

[...]