Chỉ thị 21/CT-UBND năm 2012 về tăng cường quản lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại tỉnh Thái Nguyên

Số hiệu 21/CT-UBND
Ngày ban hành 30/10/2012
Ngày có hiệu lực 30/10/2012
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Dương Ngọc Long
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21/CT-UBND

Thái Nguyên, ngày 30 tháng 10 năm 2012

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN THÔNG THƯỜNG, CHẤT THẢI NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, các khu, cụm công nghiệp và các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn tỉnh cũng được mở rộng và phát triển nhanh chóng. Sự phát triển này làm thay đổi cơ bản diện mạo và vị thế của tỉnh, đồng thời cũng tạo ra một lượng lớn chất thải rắn, chất thải nguy hại khác. Thực hiện Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong những năm gần đây, UBND tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án, kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý chất thải. Tuy nhiên, đến nay công tác quản lý, thu gom, xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thu gom, xử lý rác thải y tế thông thường của một số bệnh viện vẫn chưa thực hiện tốt, công tác lưu trữ và quản lý chất thải nguy hại tại hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Đặc biệt, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đạt thấp, trên toàn tỉnh chỉ đạt 35% khối lượng phát sinh, trong đó khu vực thành phố, thị xã đạt 70%, khu vực nông thôn đạt 17%, rác thải bừa bãi gây mất mỹ quan đô thị, nông thôn. Ý thức về bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, người dân chưa cao. Sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương vẫn còn hạn chế, nên trong tương lai gần, nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh sẽ phải gánh chịu những hậu quả về ô nhiễm môi trường của chất thải rắn và chất thải nguy hại.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 về quản lý chất thải rắn; Thông tư 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số điều Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn thì chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại phải được quy hoạch, tổ chức thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý bằng các công nghệ phù hợp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại tới môi trường, sức khỏe con người.

Thực hiện Quyết định số 798/QĐ-TTg, ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020, Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành về quản lý chất thải nguy hại và để đến năm 2015 đạt được các mục tiêu: 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng; 40% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, trong đó 50% được tái chế, tái sử dụng. 85% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp và y tế nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chẩn môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chỉ thị:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với chất thải nguy hại và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường.

- Tăng cường quản lý và cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải chất thải nguy hại theo quy định; tham mưu trình UBND tỉnh cấp giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại cho các chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại có địa bàn hoạt động trong tỉnh.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các chủ nguồn thải chất thải nguy hại và các chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại hoạt động trên địa bàn tỉnh. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu thu gom và xử lý chất thải nguy hại. Tăng cường công tác kiểm tra về môi trường đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường (kể cả quá trình vận hành, sử dụng công trình xử lý).

- Hướng dẫn và tổ chức xác nhận hợp đồng chuyển giao trách nhiệm xử lý chất thải nguy hại giữa chủ có hoạt động làm phát sinh chất thải và bên tiếp nhận trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị xây dựng quy trình hướng dẫn đối với công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường (kể cả quá trình vận hành, sử dụng công trình xử lý). Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, công cụ về phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, phân loại tại nguồn và xây dựng cơ sở dữ liệu về chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh, nhất là tại các khu dân cư, khu đô thị.

- Theo dõi, giám sát tình hình ô nhiễm môi trường do chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại gây ra trên toàn tỉnh.

- Hướng dẫn thực hiện và áp dụng các kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại.

- Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng, thực hiện những quy định mới theo Thông tư số 12/2011/TT- BTNMT ngày 14/4/2011 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành về quản lý chất thải nguy hại.

2. Sở Xây dựng.

- Sớm hoàn thiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Chủ trì phối hợp, hướng dẫn các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành, thị, các đơn vị liên quan tăng cường triển khai thực hiện công tác quản lý, thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo tiến độ, mục tiêu đề ra. Xây dựng và thực hiện các đề án, dự án quy hoạch các bãi chôn lấp hoặc nhà máy xử lý đạt tiêu chuẩn kỹ thuật.

- Theo dõi, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về chỉ tiêu tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn thông thường.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm huy động, tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước; phân bổ vốn ngân sách hàng năm để thực hiện các chương trình, dự án về quản lý chất thải rắn.

4. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương hướng dẫn, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, phí trong hoạt động quản lý tổng hợp chất thải rắn. Đề xuất triển khai các chính sách ưu đãi và bố trí kinh phí hỗ trợ về: Đất đai, thuế, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào công trình, lao động và vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy hoạch.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành, thị xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý chất thải rắn thông thường cho các điểm dân cư nông thôn.

6. Sở Y tế hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 31/11/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành quy chế quản lý chất thải rắn y tế. Theo dõi, thống kê lượng chất thải nguy hại của ngành y tế, giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh. Chủ động đề xuất với UBND tỉnh bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện các hệ thống xử lý chất thải tại các bệnh viện, Trung tâm y tế trực thuộc Sở quản lý.

7. Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ quy định của pháp luật về môi trường; kịp thời tuyên dương, khen ngợi các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường ; thường xuyên nắm bắt và chuyển các kiến nghị của bạn đọc, xem truyền hình, nghe đài đến các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp luật, xây dựng kịch bản tuyên truyền về bảo vệ môi trường...gần gũi, dễ hiểu và thiết thực đối với nhân dân.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã.

- Quản lý và công bố rộng rãi quy hoạch điểm xử lý chất thải rắn tập trung; tổ chức thực hiện các Dự án xây dựng các trạm trung chuyển, các điểm xử lý chất thải rắn thải tập trung; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

- Đối với các huyện phải bố trí các nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thành các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh đáp ứng được các yêu cầu về thiết kế, xây dựng và vận hành theo quy định của các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

- Kiện toàn tổ chức và sắp xếp đổi mới các đơn vị dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn, thiết lập và tổ chức thực hiện mạng lưới thu gom, đặc biệt là tại các điểm dân cư nông thôn, thị trấn, thị tứ, đưa công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt đi vào nền nếp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân về quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường trên địa bàn.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các, xã, phường, thị trấn, tổ dân phố (xóm, bản), các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư có trách nhiệm giữ vệ sinh, giám sát quá trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn của mình.

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ