Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Chỉ thị 206-BNT-HQ năm 1962 về thủ tục hàng hóa thông qua quá cảnh do Bộ Ngoại thương ban hành

Số hiệu 206-BNT-HQ
Ngày ban hành 28/12/1962
Ngày có hiệu lực 12/01/1963
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Ngoại thương
Người ký Phan Anh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ NGOẠI THƯƠNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA  
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 206-BNT-HQ

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 1962 

 

CHỈ THỊ

QUY ĐỊNH THỦ TỤC HÀNG HÓA THÔNG QUA QUÁ CẢNH

Thông tư này bổ sung thông tư số 86-BNT-HQ ngày 20-11 năm 1961 của Bộ ngoại thương quy định thủ tục giám sát và quản lý của Hải quan, và quy định thủ tục hàng hóa thông qua quá cảnh qua địa phận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

Chế độ áp dụng đối với hàng hóa của một nước ngoài vận chuyển qua nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để chuyển về nước thứ đó (hàng thông qua) hoặc để chuyển sang nước thứ ba (hàng quá cảnh) được quy định cụ thể như dưới đây:

1. Hàng hóa của một nước ngoài muốn được vận chuyển thông qua hay quá cảnh qua lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa phải có giấy phép của Bộ Ngoại thương (điều 36 Điều lệ Hải Quan). Giấy phép có thể cấp cho từng chuyến hoặc từng thời gian cho nhiều chuyến.

Không cấp giấy phép thông qua, quá cảnh cho những hàng hóa mà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cấm thông qua, quá cảnh.

Trường hợp đã có điều ước ký kết giữa nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và nước ngoài, giấy phép vận chuyển thông qua, quá cảnh sẽ được thay thế bằng bản kế hoạch vận chuyển từng thời kỳ do chủ hàng hoặc đại diện nộp cho Cục Hải Quan kèm theo bản sao điều ước đã ký kết.

2. Hàng hóa thông qua hay quá cảnh phải qua những cửa khẩu và phải được vận chuyển theo những tuyến đường nhất định do Cục Hải quan ấn định.

3. Hàng hóa vận chuyển thông qua hay quá cảnh phải được Hải Quan niêm phong cặp chì.

Nếu xét cần, cơ quan Hải - Quan có thể cử nhân viên đi theo giám sát hàng trong quá trình vận chuyển. Trường hợp nhân viên Hải Quan đi theo giám sát hàng, người phụ trách công cụ vận tải phải giúp đỡ nhân viên Hải - quan có điều kiện để thi hành nhiệm vụ.

Trong trường hợp đặc biệt và cần thiết, nếu có lệnh của Cục Hải - Quan hay phân Cục Hải - Quan, chủ hàng hay người đại diện phải mở hàng ra để Hải -quan giám sát.

4. Trong quá trình chuyển vận, nếu muốn thay đổi công cụ vận tải thì phải xin phép cơ quan Hải - Quan và phải có sự giám sát của Hải - Quan.

Trường hợp cần phải gửi hàng vào kho để chuyển đi dần, hoặc phải thay đổi bao bì, đóng gói lại thì phải xin phép cơ quan Hải – quan và chịu sự giám sát của Hải - quan.

5. Hàng thông qua quá cảnh được miễn thuế xuất nhập khẩu nhưng phải nộp thủ tục phí Hải Quan. Trường hợp có điều ước về hàng hóa quá cảnh ký với nước ngoài thì sẽ theo chế độ quy định trong văn kiện đó.

6. Trường hợp đặc biệt người chủ hàng muốn giữ lại trên lãnh thổ nước Việt -Nam dân chủ cộng hòa một phần hàng thông qua quá cảnh để sử dụng tại chỗ hoặc để nhượng lại cho người khác thì phải xin phép Bộ Ngoại thương và phải theo đúng luật lệ nước Việt - Nam dân chủ cộng hòa.

II. THỦ TỤC THÔNG QUA, QUÁ CẢNH

1. Nhập cảnh:

Ngay sau khi hàng nhập vào cửa khẩu, chủ hàng hoặc người đại diện phải nộp cho cơ quan Hải - quan nơi đó:

- Giấy phép nhập do Bộ Ngoại thương cấp hoặc kế hoạch vận chuyển hàng tháng đã được Cục Hải - quan duyệt.

- Tờ khai hàng nhập thông qua, quá cảnh, theo mẫu do Cục Hải-quan quy định (hai bản) kèm theo bản lược khai hàng, nếu là hàng nhập cảnh bằng đường bể, đường bộ hay đường hàng không, hoặc giấy giao tiếp nếu là hàng nhập bằng đường sắt. Trường hợp khi nhập cảnh không phải thay đổi phương tiện vận tải, không phải tạm gửi kho, thì tờ khai có thể thay thế bằng lược khai hoặc giấy giao tiếp tùy theo trường hợp.

- Các giấy tờ khác do Hải -quan quy định.

Chủ hàng hoặc người đại diện phải xuất trình hàng để cơ quan Hải-quan kiểm sát, đồng thời phải cử người thay mặt để chứng kiến và chuẩn bị công nhân, phương tiện mở đóng các kiện hàng, chuẩn bị dụng cụ niêm phong (chì, giấy phép…) khi cần thiết phải tiến hành kiểm hóa. Mỗi khi kiểm hóa hàng, Hải Quan phải lập biên bản, có chủ hàng hoặc người đại diện cùng ký.

Hàng hóa thông qua, quá cảnh, muốn được chuyển tiếp đi, phải có sự chứng thực của cơ quan Hải - quan cửa khẩu vào tờ khai nhập hàng thông qua quá cảnh, lược khai hàng hoặc giấy giao tiếp.

2. Xuất cảnh:

Khi hàng thông qua, quá cảnh đến cửa khẩu để xuất, tổ chức vận tải phải xuất trình hàng để cơ quan Hải - quan kiểm sát.

- Nếu là hàng chuyển tiếp không có thay đổi phương tiện vận tải thì tờ khai xuất có thể thay thế bằng tờ khai nhập (hai bản), đã có cơ quan Hải - quan cửa khẩu nhập chứng thực. Trường hợp hàng không qua, quá cảnh bằng đường liên vận quốc tế được chuyển tiếp luôn cả chuyến thì tờ khai xuất sẽ thay thế bằng giấy giao tiếp đã có chứng nhận của cơ quan Hải quan cửa khẩu nhập.

- Nếu là hàng đã thay đổi phương tiện vận tải hoặc mới xuất ở kho tạm gửi ra, người thay mặt tổ chức vận tải phải nộp cho cơ quan Hải quan tờ khai hàng thông qua quá cảnh xuất cảnh, kèm theo các chứng từ có Hải - quan chứng thực.

[...]