Chỉ thị 186/1999/CT-BGTVT về nâng cao trách nhiệm của thuyền trưởng trong việc điều động phương tiện thuỷ qua cầu và đường dây điện qua sông do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành

Số hiệu 186/1999/CT-BGTVT
Ngày ban hành 05/05/1999
Ngày có hiệu lực 05/05/1999
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 186/1999/CT-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 1999 

 

CHỈ THỊ

VỀ NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CỦA THUYỀN TRƯỞNG TRONG VIỆC ĐIỀU ĐỘNG PHƯƠNG TIỆN THUỶ QUA CẦU VÀ ĐƯỜNG DÂY ĐIỆN QUA SÔNG

 Do nhu cầu phát triển kinh tế đất nước, ngày càng có nhiều công trình qua sông như cầu , đường điện cao áp... được xây dựng trên các tuyến đường thuỷ nội địa . Trong số những công trình vượt sông hiện đang sử dụng, do lịch sử để lại, nhiều cầu có khẩu độ và tĩnh không khoang thông thuyền không đảm bảo tiêu chuẩn theo cấp kỹ thuật của tuyến, nhiều đường dây cao áp qua sông không đảm bảo độ cao an toàn cho phép. Mặt khác, nhiều phương tiện thuỷ nội địa khi vận hành qua các công trình nêu trên chưa tuân thủ nghiêm chỉnh quy tắc giao thông, nhiều thuyền trưởng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc chỉ huy điều hành phương tiện. Tình trạng trên đã ảnh hưởng tới trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Thực tế , thời gian qua đã xẩy ra một số vụ phương tiện thuỷ va chạm vào công trình gây thiệt hại đáng kể về phương tiện , hàng hoá và công trình.

Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và bảo vệ công trình cầu, đường điện vượt sông, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ phương tiện cần giáo dục thuyền trưởng thuộc đơn vị mình nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn . Khi điều hành phương tiện qua các công trình vượt sông, ngoài việc thực hiện chức trách nhiệm vụ theo quy định và chấp hành quy tắc giao thông đường thuỷ nội địa hiện hành, thuyền trưởng cần thực hiện các nội dung sau đây:

1. Trước khi khởi hành, thuyền trưởng phải tìm hiểu nắm vững đặc điểm tuyến luồng, công trình cầu, đường điện cao áp vượt sông trên tuyến để có phương án vận hành an toàn, cụ thể như sau :

a - Đối với các cầu qua sông :

- Vị trí , chiều rộng , chiều cao tĩnh không của khoang thông thuyền;

- Đặc điểm dòng chảy tại khu vực cầu và khoang thông thuyền;

- Các yếu tố khác có liên quan tới điều hành phương tiện qua cầu.

b - Đối với đường dây điện cao áp qua sông cần chú ý khoảng cách thẳng đứng tính từ điểm cao nhất của phương tiện tới điểm thấp nhất của đường dây, ứng với mực nước khi phương tiện đi qua, không nhỏ hơn khoảng cách quy định hiện hành về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.

Trên cơ sở những số liệu nêu trên , thuyền trưởng lập kế hoạch hành trình bao gồm: Phương án lắp ghép đội hình, phân công công việc cụ thể cho từng thuyền viên, quy định các thao tác nghiệp vụ của từng thuyền viên ... khi đưa phương tiện qua công trình.

Thuyền trưởng phải trực tiếp kiểm tra các trang thiết bị an toàn như hệ thống lái , neo, sào chống , quả đệm ... trước khi khởi hành và đặc biệt chú ý khi qua các công trình thuộc khu vực chịu ảnh hưởng thuỷ triều.

2 - Ban đêm phương tiện chỉ được phép qua cầu khi khoang thông thuyền có đủ đèn báo hiệu theo quy định.

3 - Trước khi điều khiển phương tiện qua công trình, đặc biệt là khi qua cầu, thuyền trưởng phải kiểm tra và bố trí thuyền viên trực tại các vị trí cần thiết, chuẩn bị các trang, thiết bị chống va theo phương án đã lập .

Chỉ khi xét thấy luồng lạch, thuỷ văn, thời tiết, các thông số kỹ thuật của công trình và phương tiện đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn mới được điều khiển phương tiện qua công trình. Khi còn nghi ngờ, thuyền trưởng cho dừng phương tiện để tìm hiểu, xin chỉ dẫn của trạm, đoạn Quản lý đường sông.

4 - Trong thời gian phương tiên qua công trình , thuyền trưởng nhất thiết phải có mặt tại buồng điều khiển để xử lý mọi trường hợp khi cần thiết.

Phương tiện phải giảm tốc độ tới mức cần thiết để chủ động điều khiển phương tiện. Khi qua cầu phương tiện phải đi đúng khoang thông thuyền cho phép.

5 - Về mùa lũ, tại thời điểm nước chảy xiết, các đoàn tàu phải dừng lại tìm nơi neo đậu an toàn. Trong thời gian chờ được đưa qua cầu, sà lan phải được neo buộc chắc chắn và phải bố trí người trực phương tiện, đề phòng trường hợp sà lan bị trôi, va vào công trình. Nếu có nhiều đoàn chuẩn bị qua cầu, cần phối hợp hỗ trợ lẫn nhau, lần lượt đưa phương tiện qua cầu.

Đối với các cầu có trạm điều tiết của cơ quan quản lý đường thuỷ, thuyền trưởng phải tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của trạm.

6 - Nghiêm cấm:

- Phương tiện buộc dây vào thành cầu và neo đậu trong phạm vi bảo vệ công trình.

- Phương tiện đi song hàng hoặc tránh, vượt nhau khi qua khoang thông thuyền của cầu.

Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu giám đốc các Sở Giao thông Vận tải , Sở Giao thông Công chính, các Tổng công ty vận tải đường sông tổ chức cho các doanh nghiệp, các chủ phương tiện đóng trên địa bàn Sở quản lý hoặc các đơn vị trực thuộc Tổng công ty quán triệt nội dung Chỉ thị này, phổ biến tới từng thuyền trưởng và thuyền viên thuộc đơn vị mình thực hiện.

Các lực lượng thanh tra giao thông thuộc Cục Đường sông VN, thuộc các Sở Giao thông Vận tải , Sở Giao thông Công chính cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Quá trình thực hiện có vướng mắc phát sinh, các Sở Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Công chính báo cáo về Cục Đường sông VN để Cục tổng hợp báo cáo Bộ Giao thông Vận tải giải quyết kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (thay b/c)
- Uỷ ban ATGTQG (thay b/c)
- Các Bộ: CAn, QPhòng (để phối hợp)
- UBND các tỉnh , TP
- Sở GTVT,GTCC
- Cục CSGTĐT
- Cục Đường sông VN (để chỉ đạo)
- TCT Đường sông Miền Bắc (để thực hiện)
- TCT Đường sông Miền Nam (để thực hiện)
- Lưu HC, PC

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ GTVT
THỨ TRƯỞNG



 
Đào Đình Bình

 

3
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ